Một điểm mới đáng chú ý là dự thảo BLTTHS (sửa đổi) đã dành hẳn một chương quy định về việc áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo tội phạm...
Quy định rõ trong luật
Theo dự thảo, có ba trường hợp được áp dụng các biện pháp này gồm: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia, về ma túy, tham nhũng, khủng bố, rửa tiền. Các tội phạm khác đặc biệt nghiêm trọng, có tổ chức. Người tố giác, báo tin về tội phạm đề nghị áp dụng đối với họ nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời tội phạm.
Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cho rằng đây là vấn đề rất nhạy cảm, liên quan đến an ninh trật tự, đến bí mật điều tra khám phá vụ án, đến quyền con người, quyền công dân. Nhiều ý kiến dù đồng tình với quan điểm cần “luật hóa” các biện pháp điều tra đặc biệt nhưng vẫn đề nghị cân nhắc thu hẹp phạm vi áp dụng (chỉ “khoanh vùng” ở nhóm đầu tiên là đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, về ma túy, tham nhũng, khủng bố, rửa tiền).
Cạnh đó, luật phải nêu rõ tên các biện pháp điều tra đặc biệt như nghe điện thoại bí mật, ghi âm, ghi hình bí mật, khám xét bí mật, bóc mở thư tín, bưu kiện, bưu phẩm… chứ không thể để văn bản dưới luật quy định. Đồng thời làm rõ biện pháp điều tra đặc biệt được áp dụng với ai, thời hạn bao lâu, người có thẩm quyền áp dụng, người có thẩm quyền phê chuẩn…
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, quan điểm của Bộ Công an là không nêu việc này, còn nếu đã nêu thì luật phải nêu rõ biện pháp điều tra đặc biệt là gì, chứng cứ của nó có đặc biệt hay không. Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời: “Không thể quy định cụ thể trong luật được vì rất khó. Chúng tôi nhường quyền cho Chính phủ mà cụ thể là Bộ Công an. Anh yêu cầu ban soạn thảo quy định thì chúng tôi cũng sẽ đề nghị Bộ Công an đề xuất”.
Ông Bình cũng trấn an rằng dự luật đã quy định những nguyên tắc rất chặt chẽ liên quan đến việc sử dụng thông tin, tài liệu thu thập được bằng việc áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt. “Anh nghe trộm điện thoại thì có rất nhiều thông tin nhưng anh phải hủy đi tất cả thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ việc, vụ án” - ông Bình dẫn chứng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị cân nhắc thời điểm áp dụng: “Từ khi khởi tố bị can mới được áp dụng chứ nếu mới xác minh tin báo tội phạm mà đã nghe lén điện thoại là không được”. Trong khi đó, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn đề xuất giao tòa án phê chuẩn việc áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt.
Theo dự thảo BLTTHS (sửa đổi), thời gian tạm giam đối với bị can, bị cáo sẽ giảm so với quy định hiện hành. Ảnh minh họa: H.YẾN
Rút ngắn thời gian tạm giam
Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) cũng có những thay đổi đáng kể về căn cứ và thời hạn tạm giam.
Theo Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể, để khắc phục tình trạng lạm dụng tạm giam, dự thảo nghiêng theo hướng chỉ áp dụng tạm giam khi có căn cứ xác định người đó cản trở điều tra, truy tố, xét xử; tiếp tục phạm tội; bỏ trốn hoặc không có nơi cư trú rõ ràng. Cạnh đó, thời gian tạm giam cũng giảm theo hướng chỉ gia hạn một lần đối với tội phạm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng (thay vì hai lần như hiện hành) và gia hạn hai lần đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (thay vì ba lần).
Phó Chánh án TAND TP.HCM Huỳnh Ngọc Ánh không ủng hộ hướng sửa đổi như dự thảo. Ông Ánh kiến nghị cần quy định thời hạn tạm giam bằng thời hạn điều tra, truy tố, xét xử để bảo đảm không vi phạm tố tụng.
Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình lý giải thêm: “Càng làm ngắn đi tình trạng pháp lý tố tụng của con người thì đó là nền tư pháp văn minh”. Ông Bình so sánh, có nước chỉ cho phép tạm giam hai tháng, gia hạn thêm hai tháng là chấm hết, trong khi ở ta là hơn một năm (với nhiều lần gia hạn tạm giam). “Người ta quy định như vậy, một là để bảo vệ con người, thứ nữa là đặt trách nhiệm cho cơ quan tố tụng, buộc phải tính thời điểm nào mới được bắt rồi đưa ra xét xử”. Ông Bình chia sẻ nếu thời hạn tạm giam ít thì cơ quan điều tra có khó khăn nhưng “xu thế của nhân loại là như vậy”.
“Không khuyến khích im lặng” Về quyền im lặng của bị can, bị cáo, ông Nguyễn Hòa Bình nói: “Chúng ta gọi là “quyền im lặng” nhưng thế giới không gọi như vậy. Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền dân sự, chính trị của con người và luật nhiều nước gọi là “quyền không buộc đưa ra lời khai chống lại mình”. Anh chỉ được im lặng, nhận tội hoặc không nhận tội nhưng không được im lặng khi nói về tội của người khác. Anh im lặng khi khai về tội của mình thì đấy không phải tình tiết tăng nặng. Nhưng anh im lặng khi khai về đồng bọn thì hoặc đó là tình tiết tăng nặng hoặc anh ta sẽ bị truy tố thêm về tội không tố giác tội phạm. Đây là vấn đề nhạy cảm nên chúng tôi nêu hai phương án: một là bỏ, hai là ghi”. Theo ông Nguyễn Văn Hiện, “đa số ý kiến đề nghị không đưa quyền im lặng vào BLTTHS (sửa đổi). Luật không cấm nhưng ai cũng hiểu rằng chúng ta không khuyến khích người im lặng. Chúng ta dạy con chúng ta cũng không khuyến khích chúng im lặng. Vấn đề là phải nói, thế nào là lẽ phải, lẽ không phải, đứa cùn thì mới im lặng. Đề nghị học nước ngoài phải học cho đúng, cho bài bản. Thống nhất không ghi quyền im lặng trong luật”. Về việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng đây không chỉ là giải pháp chống bức cung, nhục hình mà còn để bảo vệ các cơ quan tố tụng trước khiếu nại của bị can, bị cáo. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiện lại đề nghị cân nhắc thêm: “Không phải tất cả cuộc hỏi cung đều ghi âm, ghi hình được. Cấp huyện, vùng sâu vùng xa đâu phải lúc nào họ cũng ghi âm, ghi hình được, như thế thì họ vi phạm tố tụng hết. Có chăng chỉ bắt buộc trong một số trường hợp cần thiết, căn cứ vào mức án hoặc loại tội”. Chỉ trả hồ sơ một lần Theo ông Nguyễn Hòa Bình, một trong những nguyên nhân khiến vụ án kéo dài là không khống chế được thời gian trả hồ sơ. Ông Bình đề nghị quy định VKS và tòa chỉ được trả hồ sơ một lần, nếu không bổ sung được nữa thì tòa tuyên vô tội. Phó Chánh án TAND TP.HCM Huỳnh Ngọc Ánh phản đối: “Tôi không đồng tình việc chỉ được trả hồ sơ điều tra bổ sung một lần. Điều này bất hợp lý và không công bằng. Nếu không trả mà bị sửa, hủy án thì việc tôi trả hồ sơ là bình thường”. Ông Ánh cũng cho rằng chính vì căn bệnh thành tích nên dẫn đến oan sai: “Tại sao điều tra viên làm nhanh, làm sớm thì được thưởng tiền? Cứ câu chuyện thành tích như thế mới dẫn đến oan sai”. |