Luật hóa nguyên tắc suy đoán vô tội - Bài 1: Thả rồi bắt, bắt rồi thả

Từ quốc lộ đi vào nhà anh Nguyễn Văn Kiên ở ấp 5, xã Đông Nơ, Hớn Quản (Bình Phước) phải vượt qua chục cây số đường đất đỏ ngoằn ngoèo giữa rừng cao su. Sau gần tám năm vướng vào vòng tố tụng với sáu phiên tòa, Kiên vừa bị TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm lần ba phạt 36 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Gặp chúng tôi, mẹ Kiên buồn bã: “Hai lần tòa từng tuyên thả thằng bé về, cả nhà ai nấy đều khấp khởi vui mừng, ai ngờ…”.

Hai lần được tuyên vô tội

Vụ án của Kiên là một điển hình cho việc khó kết tội vì chứng cứ buộc tội yếu.

Năm 2005, Kiên cùng bạn đi ăn cưới ở huyện Chơn Thành. Nhóm của Kiên vừa rời đám cưới về thì bị năm thanh niên địa phương đuổi đánh. Bị ngã xe, Kiên bỏ chạy. Trong lúc hỗn loạn, Kiên lượm được một khúc cây ném trúng đầu một người đuổi theo, gây thương tật 26% tạm thời. Sau đó, Kiên bị bắt, bị khởi tố, truy tố về tội cố ý gây thương tích.

Thụ lý, TAND huyện Chơn Thành nhận thấy trong quá trình tố tụng, Kiên kêu oan rằng có nhặt khúc cây nhưng chưa kịp đánh ai. Nhân chứng thì khai mâu thuẫn, người nói thấy Kiên ném cây, người bảo không, ngoài ra không có chứng cứ buộc tội khác. Cơ quan điều tra thì không thu giữ vật chứng kịp thời, đúng quy định. Khi thấy khúc cây nằm cạnh vết máu tại hiện trường, lẽ ra Công an xã phải báo cho cấp có thẩm quyền đến thu thập thì lại tự cầm đem về. Hôm sau, Công an xã đem khúc cây đến lập biên bản hiện trường thì lại xuất hiện khúc cây thứ hai không rõ ở đâu ra. Hồ sơ cũng không có bút lục nào thể hiện việc thu giữ, niêm phong hai khúc cây làm tang vật. Bị cáo và nhân chứng khai lúc đuổi đánh nhau có nhiều người cầm cây nhưng họ sử dụng thế nào thì cơ quan điều tra không thể làm rõ. Mặt khác, hồ sơ cũng không khẳng định thương tích của nạn nhân do hung khí gì gây ra…

Luật hóa nguyên tắc suy đoán vô tội - Bài 1: Thả rồi bắt, bắt rồi thả ảnh 1

Anh Nguyễn Văn Kiên bên mẹ già trước phiên sơ thẩm lần ba. Ảnh: T.TÙNG

Vì thế, tháng 11-2007, TAND huyện Chơn Thành xử sơ thẩm lần đầu đã tuyên bố Kiên không phạm tội vì không đủ chứng cứ kết tội. Bản án sơ thẩm bị VKS huyện kháng nghị. Tháng 7-2008, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm lần đầu đã hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Quá trình điều tra lại cũng không bổ sung được chứng cứ buộc tội mới nên tháng 10-2009, TAND huyện Chơn Thành xử sơ thẩm lần hai, một lần nữa tuyên bố Kiên vô tội. VKS huyện lại kháng nghị theo hướng Kiên phạm tội. Tháng 5-2010, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm lần hai lại hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Bất ngờ bị kết án

Kết quả điều tra lại sau đó vẫn không có gì mới bởi hiện trường vụ án không còn, những mâu thuẫn về hung khí không cách nào khắc phục được. Cơ quan điều tra chỉ có thể triệu tập Kiên và các nhân chứng lên lấy lời khai mà không giám định lại được cơ chế hình thành vết thương vì thời gian xảy ra vụ việc quá lâu. Các tổ chức giám định pháp y đều cho biết không thể xác định được hung khí gây thương tích cho nạn nhân...

Tuy nhiên, tháng 11-2012, xử sơ thẩm lần ba, TAND huyện Chơn Thành bất ngờ nhận định Kiên có tội và phạt 36 tháng tù. Rồi trong phiên phúc thẩm lần ba của TAND tỉnh Bình Phước mới đây, Kiên đã bị buộc tội theo kiểu “không có lửa sao có khói?”. Chẳng hạn tại tòa, đại diện VKS tỉnh hỏi: “Vì sao trong lời khai ban đầu tại Công an xã bị cáo lại nhận tội? Vì sao bị cáo không có tội mà gia đình lại bồi thường? Không có lửa sao có khói? Phải chăng bị cáo tác động đến gia đình?”. Kiên khai: “Đêm 21-11-2005, mỗi lần bị cáo không thừa nhận thì bị điều tra viên dùng giày đá vào người. Bị cáo rất hoảng loạn…”. Người nhà giải thích: “Khi Kiên bị bắt, công an tới nhà bảo nên khắc phục hậu quả thì làm theo chứ lúc đó Kiên đã bị tạm giam, gia đình không thể tác động gì”. Đại diện VKS yêu cầu Kiên chứng minh đã bị nhục hình, Kiên trả lời: “Trong nhà tạm giam chỉ có công an và bị cáo thì không thể có người làm chứng”…

Cuối cùng, TAND tỉnh y án sơ thẩm. chủ tọa phiên phúc thẩm này nguyên là chánh án TAND huyện Chơn Thành, người từng xử sơ thẩm tuyên bố Kiên không phạm tội. Năm 2009, sau hai lần TAND huyện Chơn Thành tuyên Kiên không phạm tội, chính vị thẩm phán này đã ký công văn gửi Thường trực Huyện ủy và chánh án TAND tỉnh. Công văn này có đoạn: “Tòa đã xét xử công khai, quá trình tranh luận diễn ra dân chủ (có luật sư bào chữa, bảo vệ cho các bên), nghị án có cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét toàn diện đầy đủ các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ và diễn biến tại tòa, đảm bảo đúng quy định của tố tụng hình sự. Kết quả: Hội đồng xét xử đã tuyên bị cáo Nguyễn Văn Kiên không phạm tội cố ý gây thương tích. Việc tuyên bị cáo không phạm tội sẽ dẫn đến hậu quả bồi thường oan sai sau này”...

Thiệt thòi vì không được suy đoán vô tội

Theo luật sư Cao Minh Triết (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang), nếu pháp luật hình sự nước ta ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội, nhiều khả năng số phận pháp lý của Kiên đã không phải kết thúc bằng bản án tù. Thậm chí, vụ án có thể đã không phải kéo dài gần tám năm dằng dặc với sáu phiên xử.

Luật sư Triết phân tích: Ngay từ đầu, cơ quan điều tra đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong việc thu thập chứng cứ. Giám định thì không thể kết luận hung khí gây thương tích cho nạn nhân. Lời khai của các nhân chứng thì mâu thuẫn, dẫn đến không có đầy đủ chứng cứ để kết tội bị cáo. Về nhận chức chủ quan, ở hai lần xử sơ thẩm đầu, TAND huyện đã cho rằng mình đánh giá kỹ, đầy đủ, toàn diện và kết luận không thể kết tội Kiên nhưng đến lần thứ ba lại thay đổi hoàn toàn dù quá trình điều tra lại không có gì mới. Việc trong hai phiên xử sơ, phúc thẩm lần ba, hai cấp tòa dùng lời khai ban đầu của bị cáo (mà bị cáo nói bị ép cung) và lời khai của một số nhân chứng để làm cơ sở kết tội là chưa ổn. Như vậy, nếu áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội thì Kiên sẽ trắng án.

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cũng nhận xét: Tinh thần của nguyên tắc suy đoán vô tội là nếu chưa đủ căn cứ vững chắc để kết tội bị cáo thì phải suy đoán theo hướng có lợi cho bị cáo là không phạm tội. “Rất tiếc, pháp luật hình sự chưa ghi nhận nguyên tắc này nên các cơ quan tố tụng, nhất là tòa nhiều khi đã không dám mạnh dạn tuyên bố bị cáo vô tội trong các trường hợp tương tự” - vị thẩm phán này nói.

Tám năm phập phồng

Trước khi bị tòa tỉnh kết án 36 tháng tù, Kiên đã trải qua gần tám năm trong vòng tố tụng với nhiều lần cơ quan điều tra thả rồi bắt, bắt rồi thả (tổng thời gian Kiên bị tạm giam khoảng hơn 30 tháng).

Cuộc sống của Kiên và gia đình đầy phập phồng, bất an. Kiên sống bằng nghề ghép cây sao su giống. Mùa khô, Kiên vào rừng tìm những gốc lộc vừng, sanh, si dại chở về. Tỉ mẩn, chăm chút, Kiên đã tạo ra nhiều gốc cây kiểng lớn nhỏ khác nhau. Thi thoảng có người mua, Kiên lại có thêm một khoản tiền nhỏ tích cóp để mua thuốc chữa bệnh cho mẹ.

Cha Kiên mất từ năm 2000 vì căn bệnh tim quái ác. Kiên ở với người mẹ già yếu trong căn nhà nhỏ, xây bằng gạch mộc tuềnh toàng do người cha tạo dựng, tài sản không có gì đáng giá ngoài chiếc tivi cũ. Năm 2010, một lần lên trại tạm giam thăm Kiên, người mẹ bị tai nạn xe, té đập mặt xuống đường, đất đỏ ghim vào mắt khiến bà phải nhập viện mổ mắt. Gần đây bà nằm liệt giường vì chứng bệnh hạch ở hàm cổ lây lan, thi thoảng còn lên cơn co giật gây méo miệng, ăn uống khó khăn. Bệnh trọng nhưng bác sĩ khuyên không nên mổ vì sức bà dễ biến chứng nguy hiểm. Hôm gặp chúng tôi, bà nghẹn ngào: “Không biết tui còn sống được đến ngày thằng Kiên thụ án xong trở về nữa hay không”!

“Cảm giác kinh khủng”!

Tôi đã phải bỏ lỡ nhiều cơ hội của cuộc đời khi lâm vào vòng lao lý từ lúc 22 tuổi. Cái cảm giác được tuyên vô tội, được thả ra rồi bị bắt lại, bị kết tội lại ấy thật kinh  khủng. Nhiều lúc, tôi chỉ biết tự an ủi mình là chắc cái số của mình nó vậy.

Anh NGUYỄN VĂN KIÊN

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm