Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 26-12 cho biết ban soạn thảo nghị định thay thế Nghị định 79 (năm 2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký) đã họp phiên đầu tiên để cho ý kiến về một số vấn đề mà tổ biên tập trình. Theo tôi, nhiều đại biểu góp ý chính xác khi cho rằng Nghị định 79 không quy định cấp xã làm một số việc như xác nhận sơ yếu lý lịch, xác nhận vào đơn của công dân… nhưng thời gian qua nhiều địa phương vẫn làm. Và vì không có quy định, hướng dẫn nên mỗi địa phương làm một kiểu. Một số địa phương chỉ xác nhận địa chỉ cư trú, còn nội dung khai trong lý lịch, đơn thì không xác nhận. Đặc biệt có trường hợp như tại tỉnh Ninh Thuận và nhiều địa phương khác phê xấu vào sơ yếu lý lịch của công dân như một biện pháp “trả đũa” vì người dân có một số hành động mà địa phương cho rằng không phù hợp.
Người dân đang làm thủ tục giấy tờ tại địa phương. Ảnh chỉ mang tính minh họa: HTD
Tôi cho rằng tới đây, nghị định thay thế cần phải quy định rõ về vấn đề này để người dân, chính quyền địa phương thực hiện một cách rõ ràng, minh bạch. Trong đó, cần phải ban hành một mẫu sơ yếu lý lịch thống nhất, quy định rõ cần khai báo những nội dung gì, dung lượng bao nhiêu… để tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu. Tôi đồng tình với ý kiến địa phương có quyền xác nhận nơi cư trú, xác nhận một số thông tin về nhân thân mà địa phương theo dõi quản lý (như có tiền án, tiền sự hay không; có sinh hoạt đoàn, đảng hay không…) chứ không được quyền phê vào những nội dung mà địa phương không quản lý, những nội dung về bí mật đời tư, đặc biệt không được công khai như bệnh tật, từng bị người khác xâm hại…
Bên cạnh những nội dung đó, nghị định cũng cần quy định về trách nhiệm, biện pháp chế tài nếu người dân cố tình khai báo không đúng sự thật để hòng “tô hồng” lý lịch vì mục đích tư lợi. Còn nếu cán bộ “phê xấu”, chứng ngoài những nội dung mà pháp luật quy định thì cũng phải có biện pháp xử lý nghiêm để tránh sự cửa quyền, trù dập.
Cuối cùng, tôi mong rằng việc chứng lý lịch cho công dân là một biện pháp quản lý hành chính nhưng không vì thế mà gây khó khăn cho người dân. Nội dung nghị định thay thế cần có những quy định chặt chẽ nhưng cũng phải tạo điều kiện một cách tốt nhất cho người dân trong việc chứng lý lịch, tạo thuận lợi cho họ đạt được những mục tiêu chính đáng mà họ hướng tới như đi học, xin việc, làm hồ sơ khen thưởng…
LƯU ĐỨC TÍN, 276 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM
Hướng tới phục vụ người dân tốt hơn Luật hóa việc “chứng” sơ yếu lý lịch là cần thiết để tránh trường hợp bôi bẩn lý lịch công dân như một địa phương đã từng làm và từng bị phản ứng. Tuy nhiên, tôi cho rằng bên cạnh việc ra quy định rõ ràng thì cần phải thay đổi quan niệm trong cách hành xử của cán bộ đối với người dân. Thật ra, nếu không có quy định nhưng cán bộ công tâm, biết hướng về quyền lợi chính đáng của người dân thì sẽ có cách hành xử khác hơn, không để người dân phải bức xúc. Xã hội ta ngày càng phát triển, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng củng cố, do đó không có lý do gì “quan” được quyền ban phát, mệnh lệnh bắt người khác tuân theo. Chúng ta cần phát triển nền hành chính dịch vụ. Hành chính dịch vụ sẽ hướng tới một nền hành chính gần dân, lấy nhân dân làm trung tâm (chủ thể), đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hợp pháp của người dân. NGUYỄN VĂN (Thủ Đức, TP.HCM) |