Luật Lý lịch tư pháp và quyền con người

Sáng 24-11, Bộ Tư pháp - Liên minh Châu Âu và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo đánh giá thực thực tiễn 10 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp (LLTP). 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định thông tin LLTP là thông tin liên quan đến quyền con người, quyền công dân, thuộc về bí mật đời tư của cá nhân.

Luật LLTP được Quốc hội thông qua tháng 6-2009. Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật LLTP đã khẳng định được vị trí quan trọng trong quản lý nhà nước, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và hỗ trợ hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: N.Q

Luật LLTP xác lập những nguyên tắc, quy trình, thủ tục thuận lợi để lập và cấp phiếu LLTP, cơ chế quản lý nhà nước về LLTP, tạo cơ sở pháp lý ở tầm luật của Quốc hội để xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu cấp phiếu này ngày càng tăng của người dân, phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế.

Dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật LLTP và ý kiến phát biểu hôm nay của các đại biểu sẽ cho chúng ta một bức tranh đầy đủ, chính xác về 10 năm thi hành Luật này.

Hội thảo này là một cơ hội tốt để những người làm công tác LLTP tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, rút ra những bài học kinh nghiệm, tìm ra những giải pháp, cách làm hay, khả thi để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác LLTP.

“Tôi đề nghị quý vị đại biểu tập trung trí tuệ, phát huy trách nhiệm, chủ động tham gia chia sẽ, thảo luận tích cực xác định nguyên nhân, hạnh chế và cách tháo gỡ vướng mắc để làm công tác LLTP tốt hơn” - Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc lưu ý.

Bà Sitara Syed, Phó trưởng Đại diện thường trú cơ quan phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) chia sẻ tại hội thảo ngày 24-11. Ảnh: A.Q

Bà Sitara Syed, Phó trưởng Đại diện thường trú cơ quan phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) chia sẻ tại hội thảo là UNDP tập trung hỗ trợ các lĩnh vực như xóa án tích và những kinh nghiệm xử lý của các nước trên thế giới về lĩnh vực này.

Nhìn lại 10 năm thực hiện Luật LLTP, việc áp dụng pháp luật đối với nhóm yếu thế trong xã hội từng bước được cải thiện. UNDP ủng hộ việc xóa án tích cho người chưa thành niên phạm tội. Theo nghiên cứu ở các nước thì người được xóa án tích ít phạm tội mới hơn…

UNDP cam kết sẽ hỗ trợ cho Bộ Tư pháp về việc cung cấp những kinh nghiệm của các nước trên thế giới về mục tiêu tiếp cận tư pháp cũng như công bằng trong xã hội.

Ông Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia - Bộ Tư pháp trình bày dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật LLTP.

Hiện nay, việc cung cấp thông tin LLTP để xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP đã từng bước đi vào nề nếp, thông tin được cung cấp thường xuyên, đầy đủ. Công tác phối hợp, ra soát thông tin LLTP giữa Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị có liên quan như tòa án, Viện kiểm sát, Công an, thi hành án dân sự… cơ bản được thực hiện định kỳ, hiệu quả.

Tại hội thảo nhiều tham luận được các Sở Tư pháp, Công an, Tòa án … trình bày xoay quanh chủ đề LLTP. Buổi chiều hội thảo sẽ thảo luận về phiếu LLTP.

 

94% phiếu LLTP cấp đúng hạn

Tính đến ngày 30-6, Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp đã thụ lý 3.832.391 yêu cầu phiếu LLTP, đã giải quyết được 3.763.034 yêu cầu (gồm 2.670.633 phiếu LLTP số 1 và 1.092.401 phiếu LLTP số 2).

Trong đó có 3.539.899 phiếu LLTP được giải quyết đúng thời hạn (đạt tỷ lệ 94%), 242.451 phiếu LLTP trễ hạn (chiếm tỷ lệ 6%).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm