Luật pháp ban hành phải có tính dẫn dắt, tạo động lực phát triển

(PLO)- Thảo luận về các điểm nghẽn thể chế, chuyên gia cho rằng câu chuyện “kinh điển” ở đây có lẽ là vấn đề tư duy lập pháp. Nếu luật pháp ban hành không có tính dẫn dắt thì các chính sách sẽ rượt đuổi nhau.

Sáng 28-11, Bộ KH&CN, Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước tổ chức hội thảo khoa học “Đổi mới và hoàn thiện thể chế nhằm bảo đảm phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thực tế”.

Phá vỡ điểm nghẽn, khơi thông dòng chảy

PGS-TS Nguyễn Tất Thắng, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, cho rằng công cuộc đổi mới đã được tiến hành gần 40 năm nhưng những yếu tố xương sống của hệ thống chính trị thay đổi rất chậm, nhất là trong cấu trúc và phương thức tổ chức quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, từ đó cũng bộc lộ rõ nhiều yếu kém.

Theo ông, hệ thống luật pháp hiện nay thiếu ổn định và tính khả thi. Không ít quy định pháp luật được xây dựng công phu, tốn kém nhưng mới ban hành chưa lâu đã có nhu cầu phải bổ sung, sửa đổi. Tình hình này làm cho luật pháp nước ta khó bắt kịp với nhịp điệu của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và càng làm khó thêm khả năng tương thích với các không gian pháp lý quốc tế.

TS Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, cho rằng câu chuyện “kinh điển” ở đây có lẽ là vấn đề ở tư duy lập pháp. Nếu luật pháp ban hành không có tính dẫn dắt thì các chính sách sẽ rượt đuổi nhau.

Bà đề cập đến câu chuyện về phân cấp hiện nay, có nhiều điểm không rõ ràng dẫn đến câu chuyện các địa phương đua nhau xin cơ chế đặc thù. Dần dà, tính “đặc thù” trở thành đại trà hóa và cào bằng. Đây là điều nguy hại trong câu chuyện lập pháp.

Cũng theo TS Chu Thị Hoa, tư duy lập pháp cũng làm thay đổi cán cân cạnh tranh về thể chế. Nêu dẫn chứng trong lĩnh vực start-up, nhiều công ty kinh doanh hoàn toàn ở Việt Nam nhưng pháp nhân công ty lại ở Singapore hay nước khác, cũng chỉ vì thể chế ở ta còn nhiều vướng mắc.

GS-TS Phạm Tất Thắng, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, phân tích hoàn thiện thể chế đảng cầm quyền. Ảnh: THUẬN VĂN

Theo TS Hoa, lời giải cho tất cả điểm nghẽn hiện nay chính là tư duy lập pháp, phải mạnh dạn để đưa ra được chính sách đủ sức dẫn dắt và tạo sự phát triển.

PGS-TS Nguyễn Tất Viễn, nguyên Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, cho rằng nếu cứ cho đặc thù nhiều quá thì sẽ phá vỡ tính thống nhất của pháp chế.

Theo ông, thể chế không có lỗi, lỗi là do người làm thể chế. Trong bối cảnh mà cả đất nước đang tìm con đường để bước vào kỷ nguyên mới, PGS-TS Nguyễn Tất Viễn nói cái chính yếu nhất có lẽ là con đường thể chế.

Theo PGS-TS Nguyễn Tất Viễn, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”.

Do vậy, yêu cầu đặt ra cấp thiết là pháp luật cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Theo ông, đổi mới nhưng phải làm từng bước vững chắc để ổn định chính trị - xã hội, không gây sốc toàn bộ các hoạt động của xã hội. Chính vì vậy, không thể có giải pháp chung cho cả nước mà chỉ chọn được một vài địa phương làm thí điểm, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng.

“Điểm nghẽn xuất phát từ cuộc sống. Sau khi ghi nhận các ý kiến, tổ chuyên gia sẽ phân tích sâu những điểm nghẽn đó để tìm hướng giải quyết, phá vỡ điểm nghẽn, khơi thông dòng chảy, khơi nguồn lực cả trong và ngoài nước” - GS-TS Hoàng Thế Liên nói và thông tin Bộ Tư pháp sẽ lập trang web cho toàn bộ xã hội lên tiếng về những điểm nghẽn đó, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống.

Thiếu tính đồng bộ giữa Trung ương và địa phương

PGS-TS Trần Mai Ước, Học viện Ngân hàng TP, nói vấn đề cơ bản đặt ra cho Việt Nam hiện nay trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế là tính đồng bộ giữa thể chế Trung ương và địa phương chưa cao.

Do đặc điểm của mô hình phân cấp ở Việt Nam, hiện nay, thể chế trong đó có loại hình thể chế quan trọng nhất là pháp luật đều tập trung ở Trung ương, do Trung ương ban hành. Thẩm quyền của địa phương trong ban hành thể chế đặc thù, riêng biệt của địa phương còn hạn chế.

“Điều này có lợi khi xét dưới góc độ tính thống nhất trong quản lý tổng thể quốc gia nhưng ở một khía cạnh nào đó chưa khuyến khích các địa phương chủ động, đột phá, phát huy các sáng kiến để khai thác lợi thế đặc thù cho phát triển. Tính đồng bộ giữa thể chế của Trung ương và địa phương xét dưới góc độ vừa đảm bảo quản lý thống nhất vừa tạo dư địa cho sự sáng tạo của các địa phương vì thế còn nhiều hạn chế” - PGS-TS Trần Mai Ước nêu.

Ông cho rằng mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương chưa được quy định rõ ràng bởi các văn bản luật. Cơ chế “xin - cho” để chính quyền địa phương được độc lập trong ban hành và tổ chức thực thi một số thể chế có tính ổn định, lâu dài tại địa phương, cũng như trong việc giải quyết các vấn đề trước mắt, cấp bách, ngắn hạn còn phổ biến.

Điều đó dẫn tới thực trạng ở các địa phương có điều kiện phát triển, các chính quyền địa phương phải xoay xở để giải quyết vấn đề phát triển trong dư địa và không gian phát triển bị bó hẹp; ở góc độ khác, một số địa phương chưa chủ động, ỷ lại vào Trung ương và lấy nguồn lực từ sự tăng trưởng và nỗ lực của địa phương khác. Trong cả hai trường hợp đều dẫn tới hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp và không công bằng, không tạo ra động lực cho sự phát triển của Việt Nam.

Phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn là cần thiết

PGS-TS Võ Tất Thắng, ĐH Kinh tế TP.HCM, nhìn nhận vấn đề ở góc độ phân cấp quản lý kinh tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế, việc phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn giữa các cấp chính quyền là cần thiết để nâng cao hiệu quả quản trị và phát triển bền vững.

Ông Thắng nói hạn chế của Việt Nam trong phân cấp quản lý kinh tế là chưa tách bạch việc quyết định đầu tư vốn và chi phí hoạt động, thiếu phân cấp quản lý nhân sự giữa các cấp chính quyền, thiếu tính toàn diện và ổn định trong cơ chế cân bằng tài chính địa phương. Các quy định về trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương đối với người dân chưa đầy đủ, hiệu quả do hạn chế trong công khai ngân sách, minh bạch thông tin và sự tham gia giám sát của người dân.

Vì vậy, ông cho rằng cần kiểm tra và làm rõ trách nhiệm quản lý kinh tế của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt trong các lĩnh vực như đầu tư, ngân sách và quản lý đất đai. Chính quyền địa phương cần được trao quyền tự chủ hơn trong việc tổ chức bộ máy và nhân sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới