Đại biểu ủng hộ giảm 2% thuế VAT nhưng e ngại chính sách hay bị 'ngắt quãng'

(PLO)- Nhiều đại biểu bày tỏ sự ủng hộ rất cao với việc giảm 2% thuế VAT nhưng băn khoăn về tính liên tục của chính sách.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 28-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Đại biểu ủng hộ giảm 2% thuế VAT nhưng...

Thảo luận về nội dung này, nhiều đại biểu (ĐB) bày tỏ sự ủng hộ rất cao với việc giảm 2% thuế VAT để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ cho phát triển doanh nghiệp.

ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho hay năm 2025 nước ta có nhiều sự kiện lớn, trọng đại của đất nước. Năm 2025 cũng là năm đầu của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump, với chính sách nước Mỹ là trên hết và bảo hộ thương mại rất lớn, như vậy sẽ ảnh hưởng đến lượng hàng xuất khẩu của nước ta.

giảm 2% thuế VAT
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) bày tỏ sự ủng hộ với việc giảm 2% thuế VAT. Ảnh: QH

Bên cạnh đó, ĐB cũng cho rằng để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5-7% cũng như phấn đấu trên 7% thì cần có những chính sách hỗ trợ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhiều hơn.

“Tôi thống nhất với Tờ trình của Chính phủ nhưng đề nghị rút kinh nghiệm của năm 2023, 2024, thay vì chúng ta làm 6 tháng rồi lại họp xin điều chỉnh kéo dài đến cuối năm, thì thời gian thực hiện nên áp dụng cho cả năm 2025” - ĐB Ngân nói.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) cho hay từ năm 2022 đến nay chúng ta liên tục áp dụng chính sách giảm 2% thuế VAT và đã có những tác động tích cực. Mỗi năm, chúng ta giảm VAT 2% thì cũng chỉ khoảng 49-50 ngàn tỉ là không nhiều nhưng kích thích quá trình sản xuất, tái đầu tư của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cũng như ĐB Trần Hoàng Ngân, ĐB Trúc Sơn băn khoăn về tính liên tục của chính sách.

“Chúng ta hay ngắt quãng và nhiều khi doanh nghiệp chúng ta không biết được chính sách bền vững như thế nào để đầu tư. Tôi kiến nghị Chính phủ khi ban hành các chính sách chúng ta cố gắng dài hạn một chút” - ĐB đề xuất.

Còn với ĐB Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp), ông đề nghị Chính phủ rà soát lại các đối tượng không được giảm thuế VAT trong tờ trình, đánh giá lại xem thời gian qua như vậy thì các doanh nghiệp có than vãn, phân bì gì không.

Như các ĐB khác, ông bày tỏ sự băn khoăn về thời gian áp dụng giảm thuế. “Chính phủ có đảm bảo rằng tới 30-6-2025, sau 2025, Chính phủ sẽ không đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết tiếp tục giảm thuế VAT 2% nữa hay không. Đề nghị Chính phủ đánh giá rành mạch, rõ ràng, cụ thể để không còn kéo dài tình trạng như thế này nữa” - ĐB nói.

Đề nghị áp dụng trong 6 tháng vì chưa lường hết khó khăn

Giải trình, làm rõ ý kiến của ĐB, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, cho hay việc xây dựng nghị quyết giảm thuế này được thực hiện quá gấp nên chưa kịp đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho hay theo trực quan GDP có tăng lên và thuế Nhà nước vừa qua tăng lên nên có thể nói chính sách điều hành của chúng ta đã có những tác động lớn.

giảm thuế VAT
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc. Ảnh: QH

Phó Thủ tướng cho biết, so với thế giới, thuế suất VAT của ta quá thấp, chưa bằng một nửa 50% của thuế suất các quốc gia trên thế giới đưa ra.

Và khi giảm thuế trong 6 tháng thì ngân sách giảm đi khoảng 26 ngàn tỉ đồng và 26 ngàn tỉ này các tỉnh và các bộ, ngành phải nỗ lực để làm thế nào đảm bảo được dự toán ngân sách. Vì vậy, dự thảo nghị quyết đang đề nghị ở mức 6 tháng, bởi vì trong năm 2025 sẽ chưa lường trước được những khó khăn, đặc biệt các vấn đề về xuất khẩu, thuế từ hải quan…

"Chúng tôi cũng thấy buồn khi chúng ta bàn về chuyện giảm thuế. Bởi vì quan trọng nhất là làm thế nào để doanh nghiệp ngày một mạnh lên và hăng hái hơn khi đóng góp vào cho ngân sách để chúng ta không bội chi ngân sách, không phải đi vay nước ngoài.

Chúng tôi nghĩ việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp không chỉ dựa vào thuế. Thuế chỉ là một giải pháp, muốn giải quyết được khó khăn của doanh nghiệp thì chúng ta phải giải quyết bằng các cơ chế, chính sách” - Phó Thủ tướng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm