Luật sư bị tước giấy phép hành nghề nếu 'cản trở hoạt động tố tụng'

(PLO)-  Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung biện pháp tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề đối với luật sư, tương tự như đã được quy định tại Nghị định 82.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 18-8, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, với 100% thành viên tán thành.

Tranh luận việc tước giấy phép hành nghề luật sư

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho hay trong vòng hai ngày rưỡi sau phiên thảo luận sáng 15-8, Uỷ ban Tư pháp đã cùng phối hợp TAND Tối cao và các cơ quan liên quan tiến hành rà soát rất kỹ, hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật dự thảo.

“Cơ bản các nội dung đã có sự thống nhất, riêng Bộ Tư pháp có ý kiến khác về xử phạt hành chính đối với luật sư”- ông Định cho hay.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho hay hình phạt bổ sung theo quy định tại Nghị định 82 đối với luật sư có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người có thẩm quyền tố tụng là “tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư”, tức là rất nặng. Trong đó, dự thảo pháp lệnh chỉ quy định “rất nhẹ”, đó là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

“Về bản chất, nó rất khác nhau và điểm này chúng tôi không đồng ý”- bà Oanh nói.

Trong khi đó, quan điểm của cơ quan thẩm tra là dự thảo pháp lệnh cần thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử phạt và bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.

“Đối với hành vi vi phạm của luật sư, dự thảo Pháp lệnh không quy định hình phạt bổ sung là “tước quyền sử dụng giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề có thời hạn” như các Nghị định của Chính phủ” - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết và lý giải hầu hết các chủ thể có thẩm quyền xử phạt trong Pháp lệnh này lại không được Luật Xử lý vi phạm hành chính giao thẩm quyền áp dụng biện pháp “tước quyền sử dụng giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề có thời hạn”.

“Toàn bộ chức danh trong hệ thống TAND và Tòa án quân sự không có thẩm quyền áp dụng biện pháp này. Vì vậy, nếu quy định biện pháp nêu trên sẽ dẫn tới vô hiệu hóa nhiều quy định về thẩm quyền xử phạt và không đáp ứng yêu cầu xử phạt kịp thời các hành vi cản trở hoạt động tố tụng”- bà Nga nói.

“Thủ tục hơi lòng vòng”

Bảo lưu quan điểm, bà Đặng Hoàng Oanh cho biết Bộ Tư pháp đề xuất hai phương án xử lý việc này. Theo đó, phương án 1 là viện dẫn xử phạt theo quy định của Nghị định 82 của Chính phủ, tương tự cách đã xử lý hành vi của thừa phát lại và nhà báo tại dự thảo này.

Phương án 2, bổ sung hình thức xử phạt là tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề của luật sư đối với hành vi vi phạm trong dự thảo pháp lệnh tương tự như Nghị định 82, nhưng phân định thẩm quyền xử phạt cho UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi này. “Chúng tôi thiên về phương án 1”- bà Oanh nói thêm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: PHẠM THẮNG

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: PHẠM THẮNG

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Uỷ ban Tư pháp và các cơ quan liên quan cũng đã nghiên cứu kỹ việc này. Nếu viện dẫn Nghị định 82 sẽ bỏ sót một số hành vi.

Mặt khác, Nghị định 82 dành một chương riêng quy định về bổ trợ tư pháp, trong đó có bốn điều nói về xử phạt hành chính đối với luật sư, xử phạt cả tổ chức, cả cá nhân và xử phạt rất nhiều hành vi, không chỉ riêng về cản trở tư pháp. Trong khi pháp lệnh này chỉ quy định riêng về cản trở tư pháp, hành vi rõ ràng, rành mạch hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng với việc Pháp lệnh bổ sung thẩm quyền xử phạt cho UBND sẽ “khớp” với Nghị định 82, đồng thời bổ sung luôn thẩm quyền cho Chủ tịch. Theo quy định hiện hành, Chủ tịch UBND tỉnh mới có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hành nghề...

“Tất nhiên, quá trình xử lý sẽ hơi phức tạp một chút. Tức là anh ở tòa không xử được ngay, lại phải chuyển hồ sơ cho ông chủ tịch. Thêm nữa, ông chủ tịch phạt phải có trách nhiệm chứng minh người ta có lỗi. Anh tòa vẫn phải đi chứng minh thôi, vì vậy chỗ này về mặt thủ tục hơi lòng vòng”- ông Định nói.

“Rất quan ngại về việc tước giấy hành nghề của luật sư”

Nêu quan điểm, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết nhiều hành vi vi phạm chỉ có mức phạt vài triệu đồng, trường hợp này, toà và các cơ quan theo quy định của Pháp lệnh này tiến hành xử phạt bình thường.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tuy nhiên, trường hợp mức xử phạt quá nặng, phải chuyển cho chủ tịch (UBND tỉnh sẽ vướng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, khoản 4 điều 52 của Luật quy định: “Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt”.

“Không thể tách ra câu chuyện phạt tiền thì ông tòa cứ thế phạt nhưng phạt tước giấy phép lại chuyển cho ông chủ tịch”- Chánh án cho rằng xử lý như vậy “không trọn gói”, vi phạm Điều 52.

Ngoài ra, về mặt thực tế cũng có vướng mắc. Chẳng hạn, trong Tòa án quân sự, thẩm quyền không được phép chuyển ra ngoài cho chủ tịch xử phạt. “Ông luật sư cũng có thể vi phạm trong phiên tòa của Tòa án quân sự chứ không phải chỉ ở phiên tòa của TAND”- ông Bình nêu vướng mắc.

Mặt khác, theo Chánh án Tối cao, hầu hết các vi phạm tố tụng diễn ra ở phiên toà sơ thẩm do TAND cấp huyện xét xử. “Theo quy định, ông Chủ tịch tỉnh mới có quyền tước giấy phép của luật sư, như vậy tòa sơ thẩm lại làm hồ sơ chuyển cho chủ tịch tỉnh chứ không chủ tịch huyện”- theo ông Bình, thời gian xử lý như vậy sẽ bị kéo dài, không kịp thời.

Từ quan điểm như vậy, Chánh án TAND Tối cao đề nghị làm nghiêm nhưng dự thảo cần diễn đạt phù hợp khoản 4 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

“Người ta rất quan ngại về việc tước giấy hành nghề của luật sư”- ông Bình nói thêm và cho rằng việc tước giấy phép thông thường phải thông qua một trình tự “rất nghiêm khắc”, không phải làm được ngay.

“Nếu như ông luật sư nào bị phạt tiền 2, 3 lần ở các phiên tòa như pháp lệnh này quy định thì đấy là tích tụ những sai phạm, là căn cứ để Chủ tịch tỉnh hay cấp có thẩm quyền tước giấy phép của ông trong tương lai theo trình tự của việc tước giấy phép. Việc phạt của pháp lệnh này không loại trừ việc phạt tước giấy phép của Nghị định 82”- ông Bình nhấn mạnh.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung biện pháp tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề đối với luật sư, tương tự như đã được quy định tại Nghị định 82.

Ông đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp để biên tập một cách phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về nội dung có liên quan giữa pháp lệnh này với Nghị định 82. Về thẩm quyền, vẫn giữ như quy định hiện hành, thẩm quyền tước giấy phép thuộc Chủ tịch tỉnh.

Tại phiên họp cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh hôm 15-6, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra đã phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát và chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh theo hướng quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp trong tất cả các giai đoạn tố tụng (từ giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử), trừ các vụ án thuộc thẩm quyền của các cơ quan tư pháp trong quân đội.

Như vậy, theo Pháp lệnh vừa được thông qua, các chức danh tại 8 cơ quan sau có thẩm quyền xử phạt, gồm: (1) Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự, (2) Công an nhân dân, (3) Bộ đội Biên phòng, (4) Cảnh sát biển, (5) Hải quan, (6) Kiểm lâm, (7) Kiểm ngư, (8) UBND các cấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm