Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý kém sẽ bị đào thải

Ngày 26-12, bên hành lang Đại hội đại biểu luật sư (LS) toàn quốc lần thứ III, Chủ tịch Liên đoàn (LĐ) LS Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM khẳng định: Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, những LS cung cấp dịch vụ pháp lý không đảm bảo chất lượng sẽ dần bị xã hội đào thải…

. Phóng viên: Báo cáo ti đại hội nhận định rằng xã hội ngày càng đánh giá tích cực về nghề LS, tuy nhiên cũng nêu rõ những thách thức, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Tới đây, LĐLS có giải pháp gì để nâng cao chất lượng đội ngũ?

+ LS Đỗ Ngọc Thịnh: Kinh tế - xã hội càng phát triển thì mâu thuẫn và tranh chấp là không thể tránh khỏi. Cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng xã hội hiện nay sử dụng dịch vụ pháp lý của LS ngày càng tăng để giải quyết, xử lý những tranh chấp này theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh

Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, LS nào cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng, có uy tín với khách hàng, luôn giữ niềm tin được xã hội tin cậy thì tồn tại và phát triển. Ngược lại, anh cung cấp dịch vụ pháp lý không đảm bảo chất lượng hoặc là có biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật thì dần dần sẽ bị loại bỏ khỏi đội ngũ LS. Đây là một điều tất yếu, không phải trong nghề LS, mà các nghề nghiệp khác của xã hội cũng vậy. Nếu không đáp ứng được thì anh sẽ dần bị đào thải.

Cả nước hiện có 16.134 luật sư, tính bình quân cứ 6.198 dân thì có một luật sư. Đồ họa: TRÚC TRÚC

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung tạo sự chuyển biến mới trong việc tổ chức hoạt động của LĐLS, phát triển đội ngũ. Trong đó, quan trọng nhất là nâng cao chất lượng đội ngũ, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý để phục vụ khách hàng, phục vụ nhân dân và phục vụ xã hội.

. LĐLS shành động gì để thực hiện thông điệp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại đại hội là dù rất ít nhưng giới LS nói không vi tiêu cc, vi phm pháp lut?

+ Đây là điều nhức nhối và LĐLS đã tập trung rất nhiều nỗ lực để ngăn chặn. Về thể chế, chúng tôi đã xây dựng bộ quy tắc nghề nghiệp LS để xây dựng chuẩn mực giá trị nghề nghiệp LS; xây dựng các quy chế về xử lý, kỷ luật LS và tăng cường công tác tuyên truyền. Đặc biệt, LĐLS thực hiện nghiêm túc việc xử lý các trường hợp LS cố tình vi phạm.

Trong quá trình hành nghề, LS không may bị tai nạn nghề nghiệp thì chúng tôi có thể giáo dục, uốn nắn. Còn nếu cố tình vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì LĐLS cũng nghiêm túc xử lý theo quy định. Từ đó sẽ dần hạn chế, ngăn chặn cũng như cảnh tỉnh các LS khác cần thận trọng hơn khi cung cấp dịch vụ pháp lý. Hạn chế tối đa việc sai sót khi tiếp xúc với khách hàng, cơ quan nhà nước, cũng như phải có trách nhiệm trong cung cấp dịch vụ pháp lý.

. Theo ông, hành lang pháp lý cho nghLS hiện nay như thế nào? LĐLS sẽ giải quyết những cản trở đối với nghề LS từ trước tới nay ra sao?

+ Tôi cho rằng ít có nghề nào mà có thể chế pháp lý hoàn thiện như nghề của LS. Từ năm 2003, khi có BLTTHS thì xã hội và nhà nước bắt đầu thấy được vai trò của LS rõ hơn và tạo điều kiện cho nghề LS phát triển. Tiếp tục Luật LS 2006 và Luật LS 2012 (sửa đổi), sau này là BLTTHS 2015 cũng như Hiến pháp 2013 đã hình thành hệ thống pháp lý rất quan trọng cho đội ngũ LS hành nghề, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế thị trường và xây dựng nhà nước pháp quyền.

Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng một số cơ quan thi hành tố tụng có những biểu hiện hoặc dấu hiệu cản trở quyền hành nghề hợp pháp của LS. Khi xảy ra những chuyện đó thì chúng tôi yêu cầu mỗi LS phải biết tự bảo vệ mình, sau đó phối hợp với các đoàn LS và LĐLS kiến nghị với cơ quan nhà nước xử lý theo quy định của pháp luật đối với cá nhân, tổ chức cản trở quyền hành nghề hợp pháp của LS.

Mặt khác, LĐLS sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng để cùng có trách nhiệm tháo gỡ các khó khăn, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về hoạt động của nghề LS. Hỗ trợ để đội ngũ LS cùng các cơ quan nhà nước bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ công lý và pháp chế.

. Xin cám ơn ông.

Ông Đỗ Ngọc Thịnh tiếp tục làm chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Sau hai ngày làm việc, Đại hội đại biểu LS toàn quốc lần thứ III đã chính thức bế mạc vào sáng 26-12.

Đại hội đã bầu ra 31 ủy viên Hội đồng LS toàn quốc cộng với 63 chủ nhiệm của các đoàn LS, tổng cộng Hội đồng LS toàn quốc có 94 ủy viên.

Đại hội cũng bầu ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch LĐLS Việt Nam nhiệm kỳ II (2016-2021), tiếp tục làm chủ tịch LĐLS nhiệm kỳ III.

Hội đồng LS toàn quốc nhiệm kỳ III đã bầu ra 21 ủy viên Ban Thường vụ và năm phó chủ tịch LĐLS Việt Nam gồm các ông, bà: Phan Trung Hoài, Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Lưu Tiến Dũng, Nguyễn Hải Nam, Đào Ngọc Chuyền.

 

***

KỲ VỌNG VÀO NHIỆM KỲ MỚI CỦA LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM

Trong nhiệm kỳ 2021-2022, nhiều luật sư đặt kỳ vọng Liên đoàn Luật sư Việt Nam tăng cường công tác bảo vệ quyền và lợi ích của luật sư khi hành nghề. Pháp Luật TP.HCM ghi nhận một số ý ý kiến, kỳ vọng của các luật sư về nhiệm kỳ mới này:

LS VŨ PHI LONG, Đoàn LS TP.HCM:

Mong khắc phục những hạn chế trong tố tụng

Pháp luật hiện hành quy định tương đối rõ về vai trò, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của luật sư (LS) trong hoạt động nghề nghiệp nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong hoạt động tố tụng, có thể liệt kê năm vấn đề chưa thống nhất.

Thứ nhất, việc đăng ký bào chữa, thông báo bào chữa luật quy định khá chặt chẽ và hợp lý nhưng việc LS bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại (hoặc người tham gia tố tụng khác) thì luật tố tụng không quy định thủ tục đăng ký và cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận hoặc không chấp nhận như thế nào?

Thứ hai, BLTTHS quy định LS có quyền thu thập chứng cứ, tài liệu và yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá nhưng cơ quan tiến hành tố tụng sau khi tiếp nhận tài liệu, chứng cứ do LS giao nộp mà không kiểm tra, đánh giá thì bị chế tài thế nào, có được xem là vi phạm tố tụng nghiêm trọng hay không?

Thứ ba, BLTTHS quy định các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền tạm đình chỉ vụ án nhưng lại không nêu thời hạn cụ thể, đặc biệt là những vụ án hình sự cần công văn trả lời của đơn vị giám định. Đây là hoạt động phối hợp của cơ quan có thẩm quyền, không phải lỗi của bị can, bị cáo. Việc kéo dài thời gian tạm đình chỉ (có trường hợp vô thời hạn) đã làm ảnh hưởng xấu đến tình trạng pháp lý của người tham gia tố tụng.

Thứ tư, việc LS gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam khi hỏi cung, việc sao chụp hồ sơ sau khi kết thúc điều tra có thuận lợi hơn trước nhưng thực tế vẫn còn một số đơn vị chưa chấp hành nghiêm Thông tư 46/2019 của Bộ Công an, ảnh hưởng xấu đến hoạt động bào chữa của LS.

Cuối cùng, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, các LS được tạo điều kiện theo đúng quy định của pháp luật nhưng tại phiên tòa vẫn còn nhiều trường hợp gây ức chế cho LS trong cách điều hành của chủ tọa phiên tòa như tùy tiện cắt phần hỏi của LS, chưa thực hiện đầy đủ yếu tố tranh tụng; tước quyền bào chữa của LS mà không hỏi ý kiến của kiểm sát viên giữ quyền công tố và không nghị án với các thành viên trong HĐXX.

Liên đoàn (LĐ) LS Việt Nam (VN) bước vào nhiệm kỳ III, tôi kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới, LĐLS VN sẽ tiếp tục có những công tác hỗ trợ, bảo vệ các LS trong quá trình hành nghề trước những thách thức trên.

TS-LS LƯƠNG KHẢI ÂN, Đoàn LS TP.HCM:

Chất lượng luật sư chưa đồng đều

Quy định về “dịch vụ pháp lý khác của LS” tại Điều 30 Luật LS năm 2015 chưa rõ ràng, vô hình trung làm giới hạn các hoạt động giúp đỡ khách hàng, không đảm bảo quyền lợi của thân chủ, nhất là trong các giao dịch dân sự, kinh tế có LS tham gia vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau, không ít trường hợp chính LS lạm dụng ảnh hưởng đến uy tín và phạm vi hành nghề luật.

Xét về góc độ đào tạo LS, hiện nay chất lượng LS nhìn chung không đồng đều, Thông tư 02/2019 của Bộ Tư pháp chưa sàng lọc đối tượng đứng lớp bồi dưỡng, mục tiêu cụ thể cần đạt được chưa rõ ràng, chất lượng chưa cao, chưa phát huy được năng lực tham gia, sinh hoạt chuyên môn của từng LS, đoàn LS ở các địa phương và nặng về thủ tục.

Với những vấn đề nêu trên cần được ban lãnh đạo LĐLS nhiệm kỳ lưu tâm có kiến nghị khắc phục, khi đó mới nâng tầm chất lượng, đảm bảo thực thi các quyền cơ bản của LS được luật định.

LS NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa:

Tăng cường bảo vệ quyền lợi của luật sư

Trong quá trình tham gia bào chữa và cũng là đấu tranh tìm công lý, hoạt động của LS vẫn còn bị cản trở.

Thực tiễn thời gian qua, người bị tạm giữ, tạm giam chậm hoặc không được tiếp xúc với LS, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội đã bị hạn chế trong hành trình tiếp cận công lý. Vai trò, chức năng bào chữa của LS trong giai đoạn điều tra còn nhiều hạn chế. Vì vậy, tôi mong rằng Ban chấp hành LĐLS VN nhiệm kỳ III sẽ tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ quyền và lợi tích hợp pháp của LS khi hành nghề. Đồng thời, LĐLS VN cần có kiến nghị với các cơ quan tiến hành tố tụng, với Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương để có chỉ đạo chấm dứt những hạn chế trên.

Tôi cũng mong rằng tập thể lãnh đạo LĐLS VN nhiệm kỳ III sẽ xây dựng quy chế phối hợp với cơ quan tư pháp trung ương nhằm đảm bảo quyền của người bào chữa, quyền của người bị buộc tội để góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người.

LS ĐINH THỊ QUNH NHƯ, Đoàn LS TP.HCM:

Cán bộ tư pháp cần “cởi mở” hơn với luật sư

Việc đội ngũ LS mạnh dạn lên tiếng về các bất cập, nêu ra những rào cản trong quá trình hoạt động hành nghề, đưa ý kiến, quan điểm tranh luận đối với những sự kiện, vụ án được dư luận quan tâm hay nổi cộm ngày càng phổ biến hơn.

Rất nhiều ý kiến từ giới LS đã giúp thay đổi một phần từ tư duy cho đến hành động, cải cách chính sách, nâng cao chất lượng của hoạt động tư pháp.

Song tôi nhận thấy cụ thể trong hoạt động nghề nghiệp, các cơ quan tố tụng đã tự hình thành rào cản và không xác định đúng vai trò của LS trong việc tham gia bảo vệ thân chủ, biến LS thành một bên “đối trọng” và hạn chế sự phối hợp theo đúng trình tự luật định. Tôi nghĩ cần cải cách từ chính tư duy này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm