Luật sư đề nghị chuyển tội danh với Phạm Trung Kiên sau khi VKS đề nghị tử hình

(PLO)- Luật sư cho rằng hành vi của Phạm Trung Kiên không cấu thành tội nhận hối lộ mà chỉ là phạm tội lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, quy định tại Điều 366 BLHS.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 18-7, bào chữa cho Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, luật sư Hà Mạnh Huy đề nghị HĐXX chuyển tội danh cho bị cáo và cho biết vợ bị cáo đã nộp khắc phục thêm 8 tỉ đồng.

Đã khắc phục 35 tỉ trong số 42 tỉ nhận hối lộ

Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bị cáo buộc đã nhận hối lộ 253 lần, tổng số tiền hơn 42 tỉ đồng trong quá trình cấp phép ''chuyến bay giải cứu''.

Trong phần luận tội, VKS đánh giá đây là bị cáo nhận hối lộ nhiều nhất, thủ đoạn trắng trợn nhất và đề nghị mức án tử hình.

Bào chữa cho Phạm Trung Kiên, luật sư Hà Mạnh Huy nói ''bất ngờ khi nghe VKS đề nghị mức án tử hình''.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Nam Anh

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Nam Anh

Luật sư cho biết, trong sáng ngày 18-7, vợ bị cáo Kiên đã tiếp tục nộp tiền khắc phục hậu quả cho chồng số tiền 8 tỉ đồng, cộng với 15 tỉ đồng khắc phục trước đó, số tiền 12 tỉ đồng bị cáo Kiên đã trả lại DN, tổng số tiền khắc phục của bị cáo Kiên là hơn 35 tỉ đồng.

Ngoài ra, hai vợ chồng bị cáo Kiên có ngôi nhà đã bị kê biên trong vụ án. Vợ bị cáo đề nghị được dùng phần quyền lợi tài sản trong ngôi nhà này để tiếp tục khắc phục cho chồng.

Luật sư đề nghị đổi tội danh

Về luận cứ bào chữa cho bị cáo Kiên, luật sư Huy cho rằng trong vụ án này cần phân hóa hành vi, mức độ phạm tội của từng bị cáo, trong trường hợp bị cáo Kiên, VKS chưa đánh giá đúng bản chất sự việc, hành vi.

Theo LS, cần làm rõ rằng hành vi của bị cáo Kiên chỉ xảy ra trong giai đoạn cấp phép chuyến bay có trả phí, chuyến bay khách lẻ, tức là chuyến bay có tính chất lợi nhuận, không phải là các chuyến bay mà Chính phủ giải cứu công dân.

Bị cáo Phạm Trung Kiên. Ảnh: Phi Hùng

Bị cáo Phạm Trung Kiên. Ảnh: Phi Hùng

Về tội danh, bị cáo Kiên không phải là người có chức vụ, thẩm quyền tham mưu, đề xuất, thẩm định, trình, duyệt cấp phép chuyến bay. Bị cáo Kiên chỉ là chuyên viên Vụ Trang thiết bị y tế, được biệt phái sang giúp việc cho Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Bị cáo Kiên không có văn bản phân công, bổ nhiệm, không có phân công công việc cụ thể, trong tổ chức của Bộ Y tế cũng không có chức danh Thư ký Thứ trưởng.

Khi ông Tuyên được phân công tham gia Tổ 5 bộ cũng không có văn bản phân công cho bị cáo Kiên làm gì trong khi giúp việc cho ông Tuyên.

Khi chấm dứt công việc giúp việc, bị cáo không có văn bản, quyết định, chỉ nhận được thông báo miệng ''không làm nữa''. Suốt quá trình này, bị cáo Kiên vẫn hưởng lương chuyên viên.

Ở Bộ Y tế, việc xử lý các văn bản đến qua nhiều khâu, bị cáo Kiên chỉ nhận văn bản và chuyển đến ông Tuyên. Dự thảo văn bản trả lời bị cáo Kiên không tham gia. Trên thực tế, các văn bản đề nghị cấp phép mà Bộ Ngoại giao chuyển sang 100% Bộ Y tế đều đồng ý, không có văn bản nào từ chối và trả lời trong thời hạn 3-4 ngày.

Như vậy, bị cáo Kiên không phải là người quyết định việc trả lời văn bản, vì còn phụ thuộc vào nhiều khâu.

Trên lập luận này, luật sư Huy cho rằng hành vi của bị cáo Kiên không cấu thành tội nhận hối lộ mà chỉ là phạm tội lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ quyền hạn để trục lợi quy định tại Điều 366, BLHS.

Bất cập quy trình cấp phép chuyến bay?

Tiếp tục phần bào chữa, Luật sư Hà Mạnh Huy cho rằng có sự bất cập trong việc xét duyệt, thẩm định và cấp phép các chuyến bay.

Cụ thể, về thẩm quyền cấp phép các chuyến bay có sự chồng chéo, không rõ ràng; không có văn bản phân công theo từng bộ trong Tổ công tác 5 Bộ; không có văn bản quy định quy trình chung, không có bộ tiêu chí đánh giá doanh nghiệp có đủ điều kiện cấp phép. Trong mỗi Bộ, có Bộ có, có Bộ lại không có, ở Bộ Y tế là không có.

Do không có quy trình, không có bộ tiêu chí xét duyệt, đánh giá chi phí dẫn đến DN có thể mượn, liên kết pháp nhân, chuyển nhượng giấy phép. Đây là một phần nguyên nhân, hoàn cảnh dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo Kiên và các bị cáo khác.

Vì thế, luật sư Huy đề nghị trong trường hợp vẫn xác định bị cáo Kiên phạm tội nhận hối lộ thì mong HĐXX xem xét đánh giá những bất cập, thiếu sót trong quy trình cấp phép chuyến bay để xem xét giảm nhẹ cho bị cáo.

Về tình tiết bị cáo Kiên ép buộc DN chi tiền, có lời khai như vậy, nhưng cũng có nhiều lời khai là không có việc đó. ''Đây là chứng cứ 50/50, vì vậy đề nghị HĐXX áp dụng theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo'' - luật sư Huy nói.

Luật sư còn nêu các tình tiết khác để xin giảm nhẹ cho bị cáo như bị cáo chủ động khai báo về số tiền nhận của khách lẻ, khi hồ sơ chưa có gì.

''Lời khai của bị cáo là chứng cứ quan trọng để thực hiện giai đoạn 2, mở rộng điều tra vụ án. Đề nghị HĐXX, VKS cho bị cáo được hưởng tình tiết tự thú hoặc tình tiết giúp đỡ, phối hợp CQĐT''- luật sư nói.

Ngoài ra, bị cáo Kiên có các tình tiết giảm nhẹ khác như thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, có nhiều bằng khen, thành tích trong công tác.

''Đề nghị HĐXX, VKS xem xét cho bị cáo hưởng mức hình phạt tù có thời hạn''-luật sư Huy nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm