Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) gửi các đại biểu Quốc hội. Theo nghị trình, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật này vào sáng 28-5 và bấm nút thông qua sáng 24-6.
Thẩm phán phải từ đủ 28 tuổi trở lên
Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề cập đến các vấn đề đang còn ý kiến khác nhau của dự thảo, trong đó có quy định về tuổi bổ nhiệm Thẩm phán.
Điều 94 dự thảo đưa ra các tiêu chuẩn Thẩm phán. Theo đó, Thẩm phán phải “là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực”.
Các tiêu chuẩn khác, gồm: Có độ tuổi từ đủ 28 tuổi trở lên; có trình độ cử nhân luật trở lên; đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử; có thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật; có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Như vậy, so với quy định hiện hành, dự thảo đã bổ sung thêm tiêu chuẩn “có độ tuổi từ đủ 28 tuổi trở lên”.
Với Thẩm phán TAND Tối cao, dự thảo cũng bổ sung điều kiện “có độ tuổi từ đủ 45 tuổi trở lên” so với quy định hiện hành.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho hay quá trình thảo luận, một số ý kiến không tán thành quy định về tuổi bổ nhiệm Thẩm phán từ đủ 28 tuổi trở lên, Thẩm phán TAND Tối cao từ đủ 45 tuổi trở lên.
Trong khi đó, có ý kiến đề nghị nâng tuổi bổ nhiệm Thẩm phán từ 28 tuổi lên 30 tuổi. Có ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật…
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo Luật quy định về độ tuổi để bổ nhiệm Thẩm phán “từ đủ 28 tuổi trở lên” là cơ bản tương thích với điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp theo quy định của Luật hiện hành (có thời gian làm công tác pháp luật từ 5 năm trở lên).
Việc quy định độ tuổi bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao cũng tương tự về độ tuổi bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao theo Luật hiện hành.
“Quy định tuổi bổ nhiệm Thẩm phán như dự thảo Luật bảo đảm cho người được giới thiệu bổ nhiệm Thẩm phán có đủ thời gian hoàn thành các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật này. Quy định tiêu chuẩn Thẩm phán tại Điều 94 là phù hợp”- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm.
Điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán
Về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán, ngoài các tiêu chuẩn theo Điều 94 nêu trên, người được bổ nhiệm Thẩm phán phải đáp ứng đủ các điều kiện: Có thời gian làm công tác pháp luật từ 5 năm trở lên; có năng lực xét xử, giải quyết những vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định của pháp luật; đã trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho hay có ý kiến đề nghị quy định cụ thể thời gian làm công tác Tòa án từ 6 năm trở lên. Tuy nhiên, cơ quan thường trực của Quốc hội cho rằng quy định trên cơ bản kế thừa quy định của Luật hiện hành về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp, trong đó có điều kiện “… có thời gian làm công tác pháp luật từ 5 năm trở lên”.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nếu quy định cụ thể thời gian làm “công tác Tòa án” từ 6 năm trở lên sẽ phát sinh vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đối với trường hợp cán bộ được chuyển từ cơ quan khác về Tòa án (như cán bộ Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra chuyển sang công tác tại Tòa án). Những người này sẽ không được tính thời gian công tác pháp luật trước đó khi xem xét, bổ nhiệm Thẩm phán.
“Quy định về thời gian làm công tác pháp luật (từ 5 năm trở lên) là cơ bản phù hợp, bảo đảm cho người được giới thiệu bổ nhiệm Thẩm phán có đủ thời gian công tác pháp luật cần thiết để hoàn thành các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật này”- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm và đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.
Luật sư có thể được bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND Tối cao
Điều 96 dự thảo Luật quy định rất chặt chẽ các điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao. Đáng chú ý, khoản 2 điều này đã mở rộng nguồn bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao.
Cụ thể, người không công tác tại các Tòa án nhưng có uy tín cao trong xã hội, có năng lực xét xử và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của TAND Tối cao theo quy định của pháp luật thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND Tối cao khi thuộc một trong những trường hợp:
a) Người giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức trung ương, am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao;
b) Chuyên gia, luật sư, giảng viên đại học, nhà khoa học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Số lượng Thẩm phán TAND Tối cao được tuyển chọn, bổ nhiệm theo quy định trên không quá 2 người.
Theo luật hiện hành, người không công tác tại các Tòa án (…) “là những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức và có uy tín cao trong xã hội” (…) thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND Tối cao.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết có ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung luật sư, giảng viên đại học có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND Tối cao.
Nêu quan điểm, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dẫn Nghị quyết 27 yêu cầu: “Mở rộng nguồn, đẩy mạnh thực hiện cơ chế thi tuyển để bổ nhiệm các chức danh tư pháp”.
Ngoài ra, theo cơ quan chỉnh lý dự thảo Luật, thực tiễn công tác xét xử của TAND Tối cao đang rất cần luật sư, giảng viên đại học, chuyên gia, nhà khoa học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong cơ quan, tổ chức chính trị… để giải quyết các vụ việc ngày càng phức tạp trong tình hình mới.
“Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như quy định của dự thảo Luật”- báo cáo nêu.