“Luật sư không có “đất dụng võ” trong giai đoạn điều tra” - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Phan Trung Hoài đã phải thốt lên như vậy tại phiên thảo luận này.
Một thủ tục “trói” cả quyền Hiến định
Theo luật sư Hoài, cản trở lớn nhất với giới luật sư là thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Có thể nói chính thủ tục này đã “trói” quyền được yêu cầu luật sư bào chữa của người bị buộc tội.
Luật sư Hoài dẫn chứng khi gia đình người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nhờ luật sư vào trại giam gặp họ thì phải có đủ loại thủ tục như văn bản yêu cầu của khách hàng, có nơi cơ quan điều tra (CQĐT) yêu cầu phải có xác nhận của chính quyền địa phương; giấy giới thiệu luật sư của tổ chức hành nghề luật sư; thẻ luật sư, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động văn phòng… Một số CQĐT còn đòi hỏi thêm hợp đồng dịch vụ pháp lý. “Vậy mà với bằng đó giấy tờ, chúng tôi chỉ nhận được một tờ thông báo trả lời, kèm theo đó là đơn đề nghị… từ chối luật sư của bị can” - luật sư Hoài nói.
Theo luật sư Hoài, chính quy định khi người thân của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đến nhờ luật sư bào chữa phải thông qua CQĐT hỏi ý kiến của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đã gây cản trở hoạt động của luật sư. “Khi hỏi ý kiến như vậy thì chỉ có điều tra viên và người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong bốn bức tường. Chúng tôi không biết điều tra viên có giải thích với họ đúng tinh thần Thông tư 70 của Bộ Công an về quyền nhờ luật sư bào chữa nữa hay không”.
Luật sư Hoài chia sẻ thêm: “Nếu quy định như hiện nay thì luật sư gần như không giúp được gì cho khách hàng trong quá trình điều tra. Đây cũng là kinh nghiệm 30 năm hành nghề của tôi vì pháp luật hiện hành quy định luật sư muốn hỏi người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thì phải được điều tra viên đồng ý. Có vụ án phải đến khi ra tòa chúng tôi mới lần đầu tiên được gặp mặt khách hàng nhưng vẫn nhận được thông báo “không được hỏi mới cho gặp”.
Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng đồng cảm: “Luật sư bào chữa mà các đồng chí lại bảo là không cho đến thì làm sao bào chữa được. Lại giao cho anh cán bộ điều tra được quyền cấp giấy bào chữa cho luật sư là đâu được. Như thế là thiếu tôn trọng một mảng của Hiến pháp về quyền tranh tụng”.
Theo luật sư Phan Trung Hoài, nếu quy định như hiện nay thì luật sư gần như không giúp được gì cho khách hàng trong quá trình điều tra. Ảnh: HTD
Bắt buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu về dự luật của Ủy ban Thường vụ QH, đa số ý kiến ủng hộ việc bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can (Điều 178 dự thảo). Các đại biểu QH cho rằng chỉ có như vậy thì quá trình hỏi cung mới minh bạch, bị can được bảo vệ, chống được bức cung, nhục hình, đồng thời cũng bảo vệ người hỏi cung khỏi bị vu cáo… Tuy nhiên, do trong thực tiễn việc hỏi cung bị can có thể tiến hành ở nhiều nơi, do điều kiện khác nhau nên không thể chỗ nào cũng ghi âm, ghi hình được. Vì thế dự thảo chỉnh sửa theo hướng: Việc hỏi cung bị can tại trụ sở CQĐT hoặc cơ sở giam giữ được ghi âm, ghi hình, trừ trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể ghi âm, ghi hình được thì phải nêu rõ lý do trong biên bản hỏi cung. Nếu hỏi cung ở nơi khác thì có thể ghi âm, ghi hình khi xét thấy cần thiết.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) băn khoăn: Thực tế có nhiều trường hợp muốn ghi âm, ghi hình nhưng cán bộ điều tra không cho nên chứng cứ bị mất đi, không chứng minh được. Từ đó, ông Hùng cho rằng phải quy định ghi âm, ghi hình là bắt buộc chứ không phải muốn làm thì làm và nhấn mạnh: “Cứ mở ngoặc đơn là “trừ trường hợp do trở ngại khách quan” thì người ta có thể đưa ra đủ lý do để né tránh việc ghi âm, ghi hình. Có thể ở hiện trường không có thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng quyết thì vẫn làm được. Giờ cái điện thoại cũng ghi âm, ghi hình được cơ mà”.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) đặt vấn đề: “Có nên cho hỏi cung ở địa điểm khác ngoài nơi tạm giam và trụ sở CQĐT hay không? Lấy lời khai có thể thực hiện bất cứ chỗ nào nhưng hỏi cung thì chỉ có thể thực hiện ở cơ sở giam giữ và trụ sở CQĐT. Hai nơi này đều có thể bố trí được thiết bị ghi âm, ghi hình. Chứ nếu quy định như dự thảo thì việc ghi âm, ghi hình sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của CQĐT thôi”.
Không quá khó Tôi đồng ý là phải bắt buộc ghi âm, ghi hình và đây phải là nghĩa vụ của cơ quan tiến hành hỏi cung. Hoạt động lấy lời khai ban đầu khác với hỏi cung. Hoạt động hỏi cung đối với bị can sau khi khởi tố rồi là phải được thực hiện ở trụ sở CQĐT hoặc cơ sở giam giữ. Vì thế việc đặt thiết bị ghi âm, ghi hình không quá khó khăn. Đại biểu QH LÊ THỊ NGA, Thái Nguyên |