Luật sư nói bị tòa làm khó

Luật sư (LS) Vũ Xuân Đoài (Đoàn LS TP.HCM), được bị cáo T. mời bào chữa trong giai đoạn phúc thẩm vụ án cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo T. hiện đang tại ngoại.

Phải xác nhận chữ ký của bị cáo tại ngoại

Ngày 6-8, LS Đoài nộp thủ tục đăng ký LS bào chữa. Hai ngày sau LS Đoài đến TAND Cấp cao tại TP.HCM thì được thư ký tòa thông báo miệng là thẩm phán yêu cầu phải có xác nhận chữ ký của UBND nơi bị cáo này đang tại ngoại trong giấy mời LS bào chữa.

LS Đoài trình bày rằng điểm a khoản 2 và khoản 4 Điều 78 BLTTHS 2015 không quy định giấy yêu cầu LS phải có xác nhận chữ ký của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, sau đó LS Đoài vẫn thực hiện theo yêu cầu của tòa là xác nhận chữ ký của bị cáo tại thị trấn Đinh Văn, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng (nơi bị cáo T. đang cư trú) và gửi cho tòa vào ngày 20-8.

Tuy nhiên, đến chiều 28-8, LS Đoài vẫn chưa nhận được thông báo chấp nhận hay không chấp nhận việc đăng ký bào chữa của LS.

LS Đoài đã khiếu nại cho rằng tòa chậm trễ trong việc thông báo chấp nhận yêu việc đăng ký bào chữa cho LS dù ông đã nộp đủ giấy tờ hợp lệ. Đồng thời, theo LS, việc tòa đòi hỏi chữ ký của chính quyền trong giấy yêu cầu LS là làm khó cho hoạt động hợp pháp của LS.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án cho rằng việc yêu cầu phải có xác nhận chữ ký của chính quyền địa phương là cần thiết để xác định đúng ý chí mời LS của bị cáo. Nhiều trường hợp ra tòa, bị cáo cho biết không có yêu cầu mời LS hoặc không đúng LS mà bị cáo muốn nhờ...

Thẩm phán này cho biết tòa đã gửi thông báo cho LS Đoài từ thứ Hai tuần trước (tức ngày 20-8). Tuy nhiên, LS Đoài vẫn khẳng định đến thời điểm này ông vẫn chưa nhận được thông báo của tòa.

Có ý kiến cho rằng tuy tòa kêu xác nhận nhưng LS không về xác nhận thì tòa cũng không ép. Lúc đó tòa sẽ triệu tập bị cáo đến hỏi, rồi thông báo chấp nhận cho LS tham gia. Muốn nhanh thì lúc đăng ký LS điện thoại cho bị cáo đến cùng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không đồng tình với ý kiến này.

Luật sư bào chữa tại một phiên tòa ở TAND Cấp cao tại TP.HCM. Ảnh minh họa: PL

Luật không quy định thì không được đòi hỏi

Một thẩm phán của TAND TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cho rằng khoản 4 Điều 78 BLTTHS 2015 về thủ tục đăng ký bào chữa quy định trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận đủ các loại giấy tờ theo quy định thì tòa phải vào sổ và gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, nếu không thì tòa phải từ chối bằng văn bản... Nếu LS đã nộp lại hồ sơ bổ sung từ ngày 20-8 mà đến nay tòa vẫn chưa thông báo cho LS là tòa đã không thực hiện đúng quy định của BLTTHS.

Về vấn đề tòa yêu cầu phải có xác nhận chữ ký của chính quyền địa phương, thẩm phán này cho biết luật quy định bị cáo đang bị tạm giam thì giấy mời LS phải có xác nhận của cơ sở giam giữ. Thực tế tại TAND TP.HCM, tòa thường linh động chấp nhận yêu cầu của gia đình bị cáo bởi lẽ bị cáo tại nơi tạm giam không có tiền, cũng không có đủ điều kiện để biết LS nào phù hợp để mời. Sau đó, tòa sẽ cử thư ký vào trại tạm giam thông báo và hỏi ý kiến bị cáo, nếu bị cáo đồng ý thì tòa thông báo chấp nhận đăng ký người bào chữa cho LS.

Riêng đối với trường hợp bị cáo tại ngoại thì không có quy định nào buộc phải có xác nhận chữ ký của UBND nơi bị cáo cư trú trong giấy mời LS nên tòa không nên đòi hỏi...

LS Nguyễn Văn Hồng (Đoàn LS TP.HCM) phân tích thêm, về quyền lựa chọn người bào chữa tại Điều 75 BLTTHS 2015. Theo đó, người bào chữa do người bị buộc tội (người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo), người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn. Nếu người mời LS bị tạm giam, tạm giữ thì nơi đây phải tạo điều kiện cho họ mời LS. Với những bị cáo được tại ngoại thì có thể đến gặp LS, ký hợp đồng dịch vụ pháp lý, từ đây LS sẽ nộp thủ tục đăng ký người bào chữa. Những gì luật không yêu cầu thì tòa không nên tự đặt ra.

LS Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND Tối cao) bổ sung: “Phần thủ tục phiên tòa, bắt buộc thẩm phán chủ tọa phải hỏi, giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị cáo. Khi đó, bị cáo sẽ được hỏi về việc mời LS. Nếu bị cáo xác nhận và tiếp tục mời thì LS thực hiện hoạt động nghề nghiệp của mình. Nếu bị cáo 18 tuổi trở lên, không bị bệnh, không thuộc trường hợp bắt buộc phải có LS mà bị cáo nói không mời hoặc có mời nhưng tại tòa không yêu cầu thì LS ra về. Thực tế LS không ai rảnh để làm thủ tục nộp cho tòa khi bị cáo không yêu cầu mình”.

Một vụ bị làm khó tương tự

Ngày 2-4, tôi nộp hồ sơ tham gia tố tụng, bảo vệ quyền lợi cho một đương sự trong vụ án khiếu kiện quyết định hành chính tại trụ sở TAND Cấp cao tại TP.HCM. Tại đây cán bộ tòa ghi đầy đủ thông tin vào sổ tiếp công dân.

Thế rồi, kể từ ngày đó, tôi đến tòa năm lần để xin nhận giấy xác nhận người bảo vệ quyền lợi cho đương sự và sao chụp hồ sơ, chuẩn bị luận cứ bảo vệ thân chủ. Trong năm lần ấy, cách 2-3 tuần, tôi lại đến tòa. Mỗi lần đến thì LS phải gặp bảo vệ để nhận số thứ tự, chờ đến lượt cán bộ tòa gọi đúng số của mình thì vào. Có khi phải chờ 30 đến 120 phút, tùy ngày người dân đến tòa ít hay nhiều. Năm lần đến ấy, tòa cứ bảo hồ sơ chưa phân công thẩm phán thụ lý.

Thế nhưng thật bất ngờ khi ngày 20-8 thân chủ tôi nhận giấy triệu tập xét xử vào ngày hôm sau. Ngày 21-8, tòa mở phiên xử, LS Sỹ đến tòa có ý kiến về việc chưa thể đăng ký nên chưa kịp đọc hồ sơ, đồng thời người bị kiện là UBND cũng không đến tòa nên HĐXX căn cứ vào hai lý do này để hoãn xử.

LS TRẦN VĂN SỸ, Đoàn LS tỉnh Vĩnh Long

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới