Cơ quan tố tụng nào cũng nói là sẽ tạo điều kiện cho LS nhưng thực tế việc làm khó LS vẫn tiếp tục diễn ra ở tất cả giai đoạn tố tụng.
Có đủ cách, đủ lý do làm LS bị hạn chế thực hiện quyền bào chữa, làm nghi can bị mất quyền được nhờ người bào chữa, nhất là ở giai đoạn điều tra. Từ việc chậm trễ, kéo dài không cấp giấy chứng nhận đến “giấy từ chối LS và ca ngợi điều tra viên (ĐTV)”. Tại sao việc LS bị làm khó nói mãi mà vẫn còn xảy ra? Theo tôi, ngoài lý do chủ quan của ĐTV không muốn có mặt LS tham dự hỏi cung thì lý do lớn nhất là pháp luật vẫn chưa quy định một cách thật rõ ràng, cụ thể đối với việc thực hiện quyền được nhờ LS bào chữa của nghi can. Đặc biệt, không có chế tài nào đối với các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng khi chậm hoặc không cấp giấy chứng nhận bào chữa cho LS.
Cụ thể, Điều 56 BLTTHS hiện hành chỉ quy định chung chung về người bào chữa mà không quy định cụ thể việc bào chữa cho nghi can bị tạm giam thì thủ tục như thế nào. Điều 58 BLTTHS cũng chỉ quy định LS được tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can nhưng làm sao để LS được tham gia từ giai đoạn này thì lại không đề cập.
Bên cạnh đó, Thông tư 70/2011 của Bộ Công an chưa thể hiện việc tạo điều kiện cho LS khi yêu cầu cấp giấy chứng nhận bào chữa. Thông tư này chỉ mang tính chất hướng dẫn thực hiện trong nội bộ ngành công an. Tại điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư 70 quy định khi LS làm thủ tục bào chữa phải xuất trình giấy yêu cầu LS của người bị tạm giữ, bị can; giấy yêu cầu LS của người thân người bị tạm giữ, bị can (đối với trường hợp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có giấy nhờ người thân liên hệ LS bào chữa). Như vậy dù được gia đình nghi can đang bị tạm giữ, tạm giam yêu cầu bào chữa nhưng LS vẫn không thể có được sự đồng ý của người bị tạm giữ, bị can để được cấp giấy chứng nhận bào chữa vì ĐTV, cơ quan điều tra không cho vào nhà tạm giữ, trại tạm giam gặp nghi can.
Tôi đề nghị nên sửa đổi Thông tư 70 theo hướng bỏ giấy yêu cầu LS của nghi can bị tạm giữ, tạm giam, chỉ cần giấy yêu cầu LS của người thân họ là đủ để LS được cấp giấy chứng nhận bào chữa. Sau đó trong quá trình tiếp xúc, làm việc với LS, nếu không đồng ý LS thì nghi can vẫn có quyền từ chối.
Rộng hơn, việc cấp giấy chứng nhận bào chữa của VKS hay tòa án cũng không thống nhất, có nơi chỉ cần giấy yêu cầu LS của người thân nghi can là được, có nơi lại đòi phải có chữ ký đồng ý của nghi can. Do đó việc cấp giấy chứng nhận bào chữa cho LS cần được quy định thông thoáng hơn trong BLTTHS để tạo điều kiện cho nghi can được hưởng quyền được nhờ người bào chữa tốt nhất.
Ngoài ra pháp luật cũng cần quy định về quyền im lặng của nghi can khi chưa có LS. Như vậy mới giảm được việc LS bị làm khó, giảm được án oan, hạn chế được bức cung, mớm cung, dùng nhục hình.
Luật sư TRẦN VÂN LINH, Đoàn Luật sư TP.HCM