Đại biểu QH Đỗ Văn Đương phát biểu tại nghị trường QH.
Câu chuyện bắt đầu từ một bài trả lời phỏng vấn báo chí bên lề hành lang Quốc hội.
“Không đính chính” và “đề nghị xử lý, giáo dục đại biểu”
Ngày 23-10, trả lời câu hỏi báo chí bên hành lang QH về quan điểm đối với việc đưa quyền im lặng vào luật, đại biểu Đỗ Văn Đương khẳng định (trên báo Dân trí): “Quyền im lặng khi có luật sư, luật pháp và công ước quốc tế quy định như thế. Còn quyền im lặng không là không đúng. Quy định đó rất hay nhưng chưa thể áp dụng được ở Việt Nam. Trong thực tế có người bị bắt nhầm, bắt oan phải để cho họ được nói là họ bị oan để cơ quan xác minh kịp thời trả tự do. Không phải cơ quan điều tra ngại chuyện này, mà đây là chuyện kiểu như “vẽ đường cho hươu chạy” để bọn tội phạm lộng hành. Hơn nữa, thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền. Tôi nói là đúng như thế, vì thực tế những vụ việc Nguyễn Đức Kiên, Huyền Như… mà lại nói không có tội là rất một chiều”.
Ngay sau đó, phát biểu “thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền” của vị đại biểu này bị giới luật sư phản ứng dữ dội, thậm chí có người còn cho rằng ông Đương nói như vậy là thóa mạ, xúc phạm họ.
Ngày 28-10: Bên lề hành lang QH, trả lời Tuổi trẻ về phản ứng của một số luật sư đối với phát biểu nói trên, ông Đỗ Văn Đương khẳng định như đinh đóng cột: “Tôi không đính chính gì cả. Tôi nói từ thực tế, thực chất cũng có những luật sư không vì tiền, nhưng số đó ít”.
Ông Đương cũng phân tích rõ thêm ý của mình như sau: “Không có tiền lấy đâu chi phí luật sư? Tôi không nói luật sư bào chữa vì tiền mà là bào chữa cho người có tiền, có tiền thì luật sư mới bào chữa, trừ luật sư chỉ định. […] Mình nói thế là đúng chứ không phải mình nói luật sư vì tiền, người ta làm việc thì phải có thù lao chứ không thì lấy không khí mà sống à?”.
Ngày 31-10: Trước sự khẳng định “nói thế là đúng, không đính chính” của ông Đỗ Văn Đương, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có công văn gửi chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp QH (UBTPQH) đề nghị xem xét làm rõ nội dung phát ngôn trên báo chí và trách nhiệm trước cử tri của ông Đỗ Văn Đương. Liên đoàn Luật sư đề nghị “xem xét kiểm tra và làm rõ tính xác thực của các ý kiến phát biểu của ông Đỗ Văn Đương cũng như xem xét trách nhiệm và tư cách Đại biểu QH, tư cách Ủy viên UBTP của ông Đỗ Văn Đương theo đúng quy đinh của pháp luật”.
Ngày 1-11: Trả lời báo chí bên hành lang QH về phản ứng của ông trước công văn của Liên đoàn Luật sư, đại biểu Đỗ Văn Đương cho biết việc ra công văn là của Liên đoàn Luật sư, còn về phần mình thì đại biểu Đương nói với các phóng viên rằng Hiến pháp đã quy định quyền của đại biểu QH. “Tôi là dân biểu, nói tiếng nói của dân, không thể truy cứu trách nhiệm được. Ở đây tôi chưa nói đúng hay sai” - ông Đương nói và khẳng định ông là người “trước sau như một” khi nói tiếng nói của người dân. “Không lẽ nói đụng đến ai cũng kiến nghị xử lý hay sao” - ông Đương đặt câu hỏi.
Ngày 3-11: Câu chuyện về phát ngôn của ông Đỗ Văn Đương chưa dừng lại khi ngày 3-11, phát biểu trên TTO, Luật sư Nguyễn Minh Tâm, PCT Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết: “Nếu ông [Đỗ Văn Đương] cứ tiếp tục khăng khăng giữ sai lầm của mình thì Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ phải có đơn khiếu nại chính thức yêu cầu Ban công tác đại biểu, cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban Thường vụ QH đề nghị kiểm điểm, xử lý, giáo dục ông Đương và xem xét tư cách đại biểu QH của ông trình Ủy ban Thường vụ QH xem xét quyết định theo quy định của pháp luật”.
Chế tài nào với phát ngôn của đại biểu QH?
Từ câu chuyện tranh qua cãi lại như trên đặt ra một vấn đề pháp lý: Quyền miễn trừ của đại biểu QH theo pháp luật hiện hành được quy định như thế nào?
Điều 58 Luật Tổ chức QH quy định rõ: “Không có sự đồng ý của QH và trong thời gian QH không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ QH thì không được bắt giam, truy tố đại biểu QH và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu QH. Việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu QH thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Nếu vì phạm tội quả tang mà đại biểu QH bị tạm giữ, thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để QH hoặc Ủy ban Thường vụ QH xét và quyết định.
Trong trường hợp đại biểu QH bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Ủy ban Thường vụ QH quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu QH đó.
Đại biểu QH bị Tòa án kết án thì đương nhiên mất quyền đại biểu QH, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Đại biểu QH không thể bị cơ quan, đơn vị nơi đại biểu làm việc cách chức, buộc thôi việc, nếu không được Ủy ban Thường vụ QH đồng ý”.
Như vậy, khi có liên quan đến một vụ án hình sự thì rõ ràng ĐBQH được hưởng những quyền “ưu tiên” so với người dân bình thường. Trong quá trình công tác, ĐBQH cũng có “đặc quyền” là không thể bị “đuổi việc” nếu không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ QH.
Thế còn trong phát ngôn bình thường thì sao, ĐBQH có được hưởng những “đặc quyền” gì hay không? Theo tìm hiểu ban đầu, cả Hiến pháp và Luật Tổ chức QH đều không có điều luật nào quy định cụ thể về vấn đề này mà chỉ nêu chung về trách nhiệm, quyền hạn của ĐBQH mà thôi.
Cụ thể, Điều 43 Luật Tổ chức QH quy định: “ĐBQH là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân…”. Điều 46 luật này quy định: “ĐBQH chịu trách nhiệm trước cử tri, đồng thời chịu trách nhiệm trước QH về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. ĐBQH phải gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, có cuộc sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân.”
Đáng chú ý, theo Điều 51 của luật này, ĐBQH có quyền “thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với QH và cơ quan nhà nước hữu quan”.
Có thể thấy, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về quyền miễn trừ của đại biểu khi phát ngôn (trên nghị trường và ngoài nghị trường) nhưng cho phép đại biểu được đại diện, nói tiếng nói của cử tri. Như vậy, việc ông Đỗ Văn Đương khẳng định ông “nói tiếng nói cử tri” là nằm trong chức trách nhiệm vụ quyền hạn của một ĐBQH. Tuy nhiên, để thuyết phục dư luận và nhất là thuyết phục những người mà ông đang đề cập tới, có lẽ ông cần đưa ra nhiều thông tin hơn về cách thức, hoàn cảnh ông thu thập được những ý kiến này.
Mặt khác, khi câu chuyện đã lùm xùm đến mức tổ chức nghề nghiệp của giới luật sư đã gửi văn bản chính thức đề nghị QH xem xét, thì có lẽ cũng cần có một cơ quan có trách nhiệm đứng ra trả lời rõ đúng sai để chấm dứt những sự đôi co, làm sao để không triệt tiêu những tiếng nói thẳng thắn dù đụng chạm, nhưng cũng không sa vào tình trạng “vơ đũa cả nắm” gây nên những bức xúc không đáng có.