Được im lặng đến khi có luật sư

Gần như trong tất cả bộ phim hành động nào của Mỹ có tình huống cảnh sát bắt giữ tội phạm, người xem đều nghe thấy câu nói rất quen thuộc: “Anh có quyền giữ im lặng. Bất kỳ điều gì anh nói sẽ là bằng chứng chống lại anh trước tòa…”. Đây chính là “lời cảnh báo Miranda” mà tất cả người thực thi pháp luật tại Mỹ buộc phải đọc cho nghi can trước khi tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự. Nghi can phải được thông báo anh ta có quyền tư vấn và có luật sư ở bên cạnh trong khi thẩm vấn. Để rồi nguyên tắc Miranda bảo vệ quyền được im lặng của người bị bắt giữ đã trở thành một điểm đặc trưng trong “văn hóa hành pháp” của nước Mỹ và được nhân rộng ra nhiều nước trên thế giới.

Mỹ và nguyên tắc Miranda

Từ trước khi nguyên tắc nổi tiếng này ra đời, quyền được im lặng đã tồn tại trong luật pháp của Mỹ. Là một phần của Bản tuyên ngôn nhân quyền của Mỹ, được Quốc hội Mỹ đưa ra vào năm 1789, Tu chính án thứ năm của nước này nêu rõ công dân có quyền không tự thú hay đưa ra lời khai khi bị bắt giữ. Tuy nhiên, phải đến khi khái niệm về nguyên tắc Miranda xuất hiện thì quyền này mới được thực hiện một cách phổ quát và triệt để tại nước Mỹ.

Nguyên tắc Miranda xuất phát từ vụ án Miranda kiện chính quyền bang Arizona đã bắt giữ và lấy lời khai của ông nhưng lại không thông báo cho Miranda biết về quyền được im lặng của mình. Vụ bắt giữ và xét xử ông Miranda diễn ra vào tháng 3-1963, khi ông bị cáo buộc đã tấn công và hiếp dâm một phụ nữ tại TP Phoenix. 10 ngày sau khi vụ tấn công diễn ra, cảnh sát đã bắt giữ Miranda dựa trên xác nhận của nạn nhân.

Tại phiên tòa, cảnh sát địa phương đã cung cấp một bản tự thú về hành vi phạm tội của Miranda. Đoạn cuối của tờ khai ghi rằng: Lời tự thú của nghi can được đưa ra là hoàn toàn tự nguyện, không bị đặt dưới bất kỳ mối đe dọa nào và Miranda đã biết về các quyền mà mình được hưởng, cũng như ý thức được rằng lời khai của mình sẽ là bằng chứng trước tòa. Thế nhưng phần nội dung này của tờ khai lại được đánh máy sẵn, trong khi lời khai của thủ phạm lại được viết tay. Năm 1966, luật sư đại diện cho Miranda đã kiện lên Tòa án Tối cao của bang Arizona, cáo buộc lời khai của Miranda đã không được đưa ra trên cơ sở tự nguyện. Ông cho rằng tờ khai của cảnh sát không đủ cơ sở để kết tội Miranda và yêu cầu hủy bỏ bản án 30 năm tù giam của đối tượng.

Với kết quả bỏ phiếu năm thuận và bốn chống, Tòa án Tối cao bang Arizona quyết định bãi bỏ bản án của Miranda. Phán quyết của tòa án tối cao cũng đồng thời bổ sung vào luật pháp Mỹ khái niệm nguyên tắc Miranda. Theo nguyên tắc này, để tránh tình trạng bị ép cung, mọi đối tượng bị bắt giữ buộc lực lượng chức năng phải thông báo cho người bị bắt giữ về quyền được giữ im lặng của mình trước khi tiến hành lấy cung. Nếu như nguyên tắc này không được thực hiện, lời khai của nghi can sẽ không được sử dụng như một bằng chứng trước tòa mà chỉ hỗ trợ cho quá trình điều tra.

Công lý dĩ nhiên vẫn được thực thi, giới chức trách bang Arizona sau đó cũng đã đưa ra được những chứng cứ và nhân chứng khác để khép tội kẻ thủ ác. Lần này Miranda đã không trốn khỏi “lưới trời” và bị kết án 11 năm tù giam.

Cảnh sát Mỹ phải luôn mang theo mình nội dung của “lời cảnh báo Miranda”. Ảnh minh họa

Ernesto Miranda bị cảnh sát Phoenix bắt giữ vào năm 1963. Ảnh minh họa

Phổ biến rộng rãi trên thế giới

Thật ra khái niệm “quyền được im lặng” không ra đời ở Mỹ mà được “khai sinh” bởi người Anh với tuyên bố “không một ai phải tự kết tội mình cả”. Quyền này được quy định lần đầu tiên trong Bộ luật Dân sự của nước Anh vào thế kỷ 17, sau cuộc cách mạng của nghị viện nhằm bảo vệ quyền cơ bản của con người, chống lại những bất công trong quá trình xét xử của bộ máy hành pháp phong kiến bấy giờ. Trước khi bộ luật này ra đời, các “tội phạm” tôn giáo và chính trị đều buộc phải tuyên thệ “nói sự thật” trước quá trình tra khảo mà không biết mình sẽ bị kết tội gì. Hệ quả là dẫu cho có bị ép cung và lời khai không đúng sự thật, các nghi can vẫn bị khép tội và tống vào ngục tối.

Năm 1912, những điều luật đầu tiên hướng dẫn thực thi quyền này được London đưa ra trong Bộ luật Xét xử. Luật pháp nước Anh giờ đây quy định người bị chất vấn có quyền cung cấp hoặc không cung cấp chứng cứ cho quá trình điều tra, đồng thời không bắt buộc người bị tình nghi phải hỗ trợ lực lượng điều tra vụ án. Đạo luật về cảnh sát và chứng cứ tội phạm năm 1984 của nước này cũng ngăn lực lượng điều tra và xét xử đưa ra các suy diễn trong trường hợp đối tượng tình nghi từ chối trả lời chất vấn. Nếu không có bằng chứng cụ thể, họ không xem sự im lặng của nghi can là một cơ sở đủ thuyết phục để đi đến kết luận về hành vi phạm tội.

Khái niệm về quyền được im lặng đã nhanh chóng lan tỏa tại châu Âu và một loạt các quốc gia khác cùng chia sẻ văn hóa và hệ thống pháp luật của nước Anh như Úc, New Zealand, Canada và Ấn Độ. Hiện các quốc gia này đều có những điều luật quy định về quyền được im lặng của công dân trước các hình thức chất vấn của nhà nước, cả trước và trong quá trình xét xử. Riêng với nước Úc, mặc dù không quy định về quyền được im lặng trong hiến pháp, chính quyền Canberra vẫn thừa nhận về quyền này trong các đạo luật và bộ quy tắc cấp bang và liên bang.

Ở châu Á, Nhật cũng dung nạp khái niệm của phương Tây về quyền được im lặng vào luật pháp quốc gia. Điều 38 của hiến pháp nước này quy định: “Mọi người đều được bảo vệ, không bị ép buộc làm chứng chống lại chính mình”. Điều này được áp dụng với mọi đối tượng, dù đang bị tình nghi, tạm giam hay chính thức bắt giữ. Quy trình giải quyết phạm tội cũng yêu cầu lực lượng chức năng báo trước với đối tượng chất vấn rằng họ “không phải đưa ra lời khai ngược lại với ý định của mình”.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Arne F. Soldwedel, khoa Luật ĐH Temple (Nhật), chính phủ nước này vẫn chưa có một bộ luật cụ thể để thực thi quyền được im lặng. Cụ thể là trong điều luật số 198 của Quy trình giải quyết phạm tội Nhật Bản, cảnh sát Nhật vẫn có quyền yêu cầu nghi can đến đồn cảnh sát với mục đích chất vấn. Trong khi lẽ ra dựa trên điều 38 của hiến pháp nước này, nếu như đối tượng muốn giữ im lặng thì họ đã đương nhiên không phải hiện diện tại đồn cảnh sát để “được chất vấn”.

TRUNG NHÂN

“Quyền được im lặng” là gì?

Quyền được im lặng là một chuẩn mực đã được luật pháp nhiều quốc gia thừa nhận, theo đó người bị cáo buộc có quyền từ chối đưa ra ý kiến hay trả lời câu hỏi của giới chấp pháp cả trước lẫn trong quá trình xét xử. Trong bài viết đăng năm 2001 trên tạp chí Macquarie Law Journal, TS Barbara Ann Hocking và Laura Leigh Manville lý giải quyền được im lặng nghĩa là “một người không thể bị yêu cầu trả lời một câu hỏi sẽ kết tội chính người đó”.

Hiểu theo cách này, một nghi can có quyền không tự thú hay giữ im lặng trong quá trình điều tra lẫn khi bị hỏi trước tòa. Ngoài ra, tòa án hay bồi thẩm đoàn không có quyền suy đoán hay kết luận về ý nghĩa sự im lặng của nghi can (là phạm tội hay không phạm tội), mà đơn giản là người bị bắt có quyền từ chối đưa ra ý kiến mà thôi. Tuy nhiên, quyền này được đưa ra không phải để làm khó cho quá trình xét xử, mà có ý nghĩa như một động lực buộc lực lượng điều tra phải chứng minh được tội phạm một cách thuyết phục nhất và khách quan nhất.

Những tranh cãi trong công tác điều tra

Mặc dù Anh là quốc gia đầu tiên đưa ra khái niệm về quyền được im lặng, chính London đã buộc phải điều chỉnh mức độ áp dụng đối với quyền này khi nhận ra sự cản trở của nó đối với quá trình điều tra. Đến năm 1994, nghị viện nước này đã đưa ra một số giới hạn đối với quyền được im lặng, trong đó quy định tòa án hay bồi thẩm đoàn có quyền đưa ra suy đoán và kết luận nếu như bị cáo không đề cập đến một tình tiết nào đó có thật mà đáng lẽ ra bị cáo hoàn toàn có thể nhắc đến nếu được hỏi.

Tại Úc cũng tồn tại nhiều ý kiến trái chiều về việc nên hay không giảm mức độ áp dụng quyền được im lặng trong pháp luật nước này. Theo chủ tịch Hiệp hội Cảnh sát bang New South Wales, việc trao cho đối tượng quyền giữ im lặng trong quá trình chất vấn “làm giảm đi sức mạnh” của luật pháp, tạo ra những “vùng xám” trong quá trình điều tra và tạo cơ hội cho giới tội phạm thoát tội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm