“Việc đại biểu nói rằng cấp phó ở nước mình nhiều tôi nghĩ là ý kiến một chiều. Ví dụ như nước Nga người ta cũng chuyển đổi sang mô hình thị trường nhưng cấp phó của họ vẫn 6 - 7 người” – Bộ trưởng Cường dẫn chứng.
Theo ông Cường, một trong những nguyên tắc hoạt động của tất cả các cơ quan, tổ chức, chính trị xã hội của ta là nguyên tắc tập trung dân chủ, có nghĩa là phải họp hành liên miên.
“Bộ tôi có 4 Thứ trưởng chỉ cần phân công nhau đi họp thôi cũng đã chết rồi. Mà chỉ cần xin phép một cơ quan nào đó là cho cấp vụ đi họp thay thì các vị cũng không đồng tình. Nhiều khi thứ trưởng thay mặt Bộ trưởng đi báo cáo ở các cơ quan của Quốc hội, chưa nói đến là Thường vụ Quốc hội cũng đã khó khăn rồi”. Ông Cường nói.
Bộ trưởng Cường dẫn chứng thêm: "Như tôi đi vắng thì vừa rồi Phó Thủ tướng Chính phủ phải báo cáo trước Thường vụ Quốc hội về Bộ Luật dân sự, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì làm sao mà giảm cấp phó được?”.
Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng, cũng không thể tùy tiện trong việc bố trí nhiều hay ít cấp phó mà là phải phù hợp. Bởi bây giờ quản lý là đa ngành, đa lĩnh vực. Lĩnh vực nào cũng đòi hỏi chuyên sâu nên phải có những người làm phó cho cấp trưởng, phụ trách những lĩnh vực chuyên sâu, giúp cấp trưởng hoàn thành nhiệm vụ.
“Cái chính là phải nhìn vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của bộ đó, ngành đó, cơ quan đó để đánh giá thừa hay thiếu. Còn các nước có khi chỉ có một Tổng thư ký là công chức điều hành, bất kể bộ trưởng đó là ai. Bộ máy đó hoạt động theo bộ máy, Bộ trưởng là ai thì guồng máy vẫn chạy như vậy. Chứ như Bộ Tư pháp có 4 thứ trưởng mà bố trí đi họp nhiều khi cũng không đủ”. – ông Cường bộc bạch.