Luật sư vẫn bị cản trở tác nghiệp

Sáng 10-7, đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp QH khóa XIII có buổi làm việc với cơ quan điều tra, VKS, TAND, Đoàn Luật sư TP.HCM về việc chấp hành pháp luật tố tụng hình sự trong công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Công an: Nhiều việc, thiếu người làm

Đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa cho rằng gần đây có nhiều trường hợp người dân gọi báo tin tội phạm nhưng công an chậm có mặt. “Một số cán bộ công an phường, quận nói với tôi là “để cho nó xảy ra, có án rồi thì mới xuống xử, còn mà công an vừa nghe chuyện gì nhảy xuống liền là nó giải tán...” - ông Nghĩa nêu vấn đề.

Thiếu tướng Phan Anh Minh (Phó Giám đốc Công an TP.HCM) cho biết hiện nay, đội ngũ cán bộ còn thiếu, làm quá tải nên không thể đáp ứng được công việc chứ không phải chờ có án mới xuống!

Thiếu tướng nêu thêm một thực tế, hơn 2/3 số tin báo tố giác tội phạm phải giải quyết quá hạn (thời hạn luật định là hai tháng) vì từ khi nhận tin báo đến khi khởi tố có vụ kéo dài cả năm do vướng nhiều thứ trong đó có thời gian giám định pháp y...

Theo báo cáo của Công an TP, từ năm 2010 đến nay, tổng cộng Công an TP tiếp nhận hơn 22.500 tin báo tố giác tội phạm, có hơn 11.100 vụ án được khởi tố (tỉ lệ chưa đến 50%), hơn 5.700 tin báo không thể khởi tố vụ án, còn lại chuyển cơ quan khác xử lý hoặc hướng dẫn khởi kiện ra tòa.

Luật sư vẫn bị cản trở tác nghiệp ảnh 1

Nhiều luật sư than phiền rằng chuyện chờ cấp giấy chứng nhận bào chữa đã cản trở lớn đến tác nghiệp của luật sư. Ảnh: HTD

“Sợ luật sư gây khó cho điều tra...”

Trong buổi làm việc, nhiều luật sư than phiền rằng chuyện chờ cấp giấy chứng nhận bào chữa đã cản trở lớn đến tác nghiệp của luật sư. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu nhưng chưa được khắc phục.

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM Nguyễn Đăng Trừng nêu thực tế, nhiều điều tra viên cho rằng sự tham gia ngay từ giai đoạn điều tra của luật sư sẽ gây khó khăn cho công việc điều tra. Từ đó không muốn có mặt luật sư khi lấy lời khai. Vì vậy rất nhiều trường hợp các bị can từ chối luật sư mặc dù bản thân và gia đình mong muốn. Luật sư Trừng còn kể mới đây ông bị cơ quan điều tra huyện Bình Chánh cản trở tiếp xúc bị can.

“Tôi nghĩ anh em cứ nói thật với nhau để cùng tìm cách tháo gỡ vướng mắc. Dù sao thì cơ quan điều tra và luật sư cùng thực hiện chức năng là bảo vệ công lý. Tôi biết nhiều khi anh em quen lấy cung một mình, giờ có một ông luật sư ngồi đó cũng cảm thấy khó chịu, khó hỏi nên mới có tâm lý ngại, sợ luật sư” - luật sư Trừng chia sẻ.

Cũng theo ông Trừng, cho luật sư tham gia ngay từ đầu cơ quan điều tra còn được tiếng là dân chủ, chấp hành tốt pháp luật. Những luật sư nào lợi dụng việc tiếp xúc để thông cung, cản trở việc điều tra sẽ bị xử lý theo quy định.

Thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng quy định về cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư hiện mới là đơn phương của Bộ Công an. Cần nghiên cứu ban hành một thông tư liên ngành hoặc một quy chế liên ngành về hiệu lực của giấy chứng nhận bào chữa.

Tòa, viện đều gặp khó

Ông Huỳnh Ngọc Ánh (Phó Chánh án TAND TP.HCM) nêu có tòa quận, huyện chưa quen với việc xét xử tội phạm ở khung hình phạt có nhiều tình tiết định khung tăng nặng và khung hình phạt quá rộng hoặc vụ án có yếu tố về định lượng nên lúng túng khi lượng hình. Có tòa quận khi xét xử người chưa thành niên phạm tội đối với loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng còn lúng túng khi mời người đại diện hợp pháp, chỉ định luật sư.

Theo ông Ánh, nguyên nhân của việc này một phần là ở cơ chế bổ nhiệm, tái bổ nhiệm theo nhiệm kỳ dựa trên cơ sở tỉ lệ giải quyết án và tỉ lệ án hủy sửa hằng năm đã gây áp lực cho thẩm phán. Mặt khác, các thẩm phán quá tải, không có thời gian nâng cao trình độ, nghiên cứu học tập, mất nhiều thời gian cho một vụ án phức tạp để đưa ra xét xử nhưng luật quy định thời gian rất ngắn...

TAND TP.HCM cho biết từ 1-12-2009 đến 30-4, có ba bị cáo được tòa tuyên không phạm tội. Một vụ ở TAND TP.HCM, hai vụ còn lại ở quận Gò Vấp và huyện Nhà Bè.

Về công tác của VKS, bà Nguyễn Ngọc Điệp (Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM) cho biết khoản 4 Điều 126 BLTTHS quy định trong thời hạn ba ngày kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can, VKS phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ. Tuy nhiên, nhiều vụ đông bị can hoặc chứng cứ phức tạp thì khó thực hiện theo đúng quy định. Thực tế khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt và chuyển hồ sơ sang VKS đề nghị phê chuẩn nhưng chưa đủ chứng cứ để phê chuẩn. Lúc này VKS không thể phê chuẩn mà thường là từ chối phê chuẩn, yêu cầu bổ sung chứng cứ để xem xét...

Phía VKS kiến nghị luật cần quy định rõ hơn vai trò, quyền hạn của VKS trong việc chỉ đạo điều tra, hoạt động điều tra gắn với hoạt động kiểm sát.

* * *

Tại buổi làm việc, các cơ quan cũng kiến nghị nhiều vấn đề vướng mắc khác trong quy trình tố tụng. Ông Trần Văn Luật (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH) cho biết Đoàn giám sát sẽ tổng hợp kiến nghị của TP.HCM cùng với một số kiến nghị của các địa phương khác trình QH xem xét.

Khó xác định thế nào là bỏ trốn

Hiện nay, cả cơ quan điều tra, VKS, tòa đều lúng túng trong việc xem xét cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tỉ lệ án bị hủy của TAND TP.HCM nhiều nhất là rơi vào nhóm tội danh này. Dấu hiệu định tội của hai tội danh này không được hiểu thống nhất. Xác định như thế nào là bỏ trốn rất khó. Theo Luật Cư trú, trừ những trường hợp bị quản chế, bị án treo thì tạm vắng mới phải xin phép; còn các trường hợp khác không cần. Ở nơi tạm trú khác, những người này vẫn được thực hiện quyền công dân, lập doanh nghiệp mới… Như vậy là họ trốn hay không trốn?

Thiếu tướng PHAN ANH MINH, Phó Giám đốc Công an TP.HCM

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm