Sáng 9-10, tiếp tục phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch năm 2025.
“Nhìn chung, kinh tế - xã hội năm 2024 khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; ước đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó nổi bật là chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng”- Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, khi trình bày báo cáo của Chính phủ.
Tái diễn tình trạng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá
Cụ thể, ông Nguyễn Chí Dũng cho hay tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng qua cao hơn mục tiêu đề ra. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo.
Trong đó, tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước, được các tổ chức kinh tế đánh giá cao. Quý 3 ước đạt 7,4% so với cùng kỳ, tính chung 9 tháng đạt 6,82%, thuộc nhóm dẫn đầu thế giới và khu vực.
Những tháng cuối năm, theo Bộ trưởng KH-ĐT, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trên các lĩnh vực, ưu tiên đẩy mạnh tăng trưởng để phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả năm đạt và vượt 7%, hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu.
Ghi nhận những kết quả đạt được nhưng tại báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2024 còn đối diện với một số khó khăn, thách thức.
Theo cơ quan thẩm tra, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm còn thấp, khả năng hấp thụ vốn và tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế.
Tỷ giá có giai đoạn biến động bất thường ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá. Rủi ro an ninh mạng đối với hệ thống tài chính Việt Nam trở nên thường trực và hiện hữu với hậu quả khó lường.
Thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể song vẫn đối mặt với nhiều thách thức để trở thành một kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế, chia sẻ vai trò cung ứng vốn với hệ thống ngân hàng.
Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn, giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận.
“Giá đất nền tại các quận nội thành và ven đô Hà Nội đã có dấu hiệu tăng nhanh trở lại, nhất là đối với các huyện có thông tin lên quận”- ông Vũ Hồng Thanh nói.
Đặc biệt, thời gian vừa qua, tình trạng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở. Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ trong khi người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai vì giá đất cao, vượt quá khả năng chi trả.
Cơ quan thẩm tra cũng nhắc đến tình trạng lạm thu đầu năm học vẫn xảy ra. Trong năm 2024 dư luận xã hội dậy sóng với trường hợp “học giả, bằng thật” ở cấp đào tạo trình độ cao nhất. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa có biện pháp xử lý thỏa đáng, công khai, minh bạch với công luận.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đánh giá đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là cơn bão số 3 Yagi đã gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng về người, tài sản và có thể tác động tiêu cực đến công tác xóa đói, giảm nghèo của nước ta.
Đề nghị Chính phủ tiếp tục quản lý, chấn chỉnh thị trường vàng
Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá thị trường vàng trong nước có nhiều yếu tố rủi ro. “Đề nghị Chính phủ tiếp tục quản lý, chấn chỉnh thị trường vàng để bảo đảm thị trường trong nước và quốc tế tiệm cận nhau”- bà Nga nói.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, thị trường bất động sản diễn biến rất phức tạp, giá nhà chung cư tăng rất cao, người có nhu cầu khó tiếp cận được với thị trường bất động sản khi giá cao như hiện nay. Bà Nga đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý thị trường bất động sản.
Tại cuộc họp, một số ý kiến cũng nhắc tới việc các địa phương chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản trong khi các luật này có hiệu lực từ 1-8, sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch ban đầu. Việc này để các quy định sớm đi vào cuộc sống, giúp gỡ nhiều vướng mắc trên thị trường bất động sản hiện nay.
Tuy nhiên, 13 địa phương chưa ban hành văn bản nào, gồm: Cao Bằng, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đăk Nông, Tiền Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Phú Yên, Bình Phước và An Giang.
"Nhiều địa phương chưa ban hành văn bản hướng dẫn khi luật đã có hiệu lực hơn hai tháng. Điều này khiến chính sách chậm đi vào cuộc sống, không phát huy tác dụng tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản"- Phó Chủ tịch Quốc hội nói.