Đó là những lời nhắn nhủ tâm huyết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với ngành tòa án trong buổi làm việc ngày 15-7, cũng là mong mỏi của dư luận đối với những người cầm cân nảy mực với trọng trách to lớn trên vai - “quan tòa”. Mong mỏi ấy phải được ngành tòa án đáp ứng bằng những bản án không chỉ người trong cuộc mà bất cứ ai quan tâm theo dõi cũng phải tâm phục, khẩu phục. Nghĩa rằng, những bản án phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và hơn hết là tiệm cận được với tình người.
Tuy nhiên, thực tế xét xử cho thấy có những phiên tòa khi kết thúc đã không làm được nhiệm vụ là khép lại một vụ việc bằng phán quyết đủ sức thuyết phục mà lại mở ra biết bao nhiêu câu hỏi nhức nhối.
Chắc ai quan tâm cũng không khỏi xót lòng khi chỉ vì giật hai cái mũ vải trị giá 60.000 đồng của nữ sinh với ý trêu đùa mà bốn em trai (một em vừa 18 tuổi, ba em chưa thành niên) phải vướng vòng lao lý với cái án cướp giật tài sản. Xử sơ thẩm, cả bốn em đều bị tuyên án tù, có em dang dở việc học, có em đành gác lại ước mơ quân ngũ. Dư luận lên tiếng, những mong phiên phúc thẩm sẽ mở cho các em cánh cửa đã đóng chặt với đời bởi bản án sơ thẩm quá khắt khe. Thế nhưng HĐXX chỉ giảm nhẹ hình phạt của hai bị cáo còn hưởng án treo và vẫn giữ nguyên án tù giam đối với hai bị cáo khác (trong đó một bị cáo không kháng cáo).
Gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều tại phiên tòa sơ thẩm xử 5 công an đánh chết người sáng 24-6. Ảnh: TẤN LỘC
Một vụ án khác khiến dư luận rúng động là vụ năm công an Phú Yên đánh chết nghi can Ngô Thanh Kiều. Với 72 vết thương trên người, lục phủ ngũ tạng dập nát…, tính mạng của anh Kiều đã bị tước đoạt. Thế nhưng tại phiên sơ thẩm, tòa tuyên mức án nặng nhất là năm năm tù, hai bị cáo khác còn được cho hưởng án treo...
Mức án của hai bản án trên khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi: Giật hai chiếc mũ 60.000 đồng thì học sinh bị ngồi tù, còn công an đánh chết người thì lại hưởng tù treo, công lý ở đâu? Ngay Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (trả lời báoTuổi Trẻ ngày 13-7) cũng đã bày tỏ: “Bản chất hai vụ khác nhau nhưng xét một cách tổng thể, đặc biệt là nhìn vào hậu quả mà các hành vi gây ra thì đúng là dư luận hoàn toàn có cơ sở để cho rằng một bên thì xử quá nặng (cho bốn thanh niên), một bên thì xử quá nhẹ (cho năm công an)”.
Dĩ nhiên những vụ án này chỉ là cá biệt và có những vụ vẫn đang được điều tra, xét xử lại để cho kết quả cuối cùng vừa có tình vừa có lý. Nhưng trách nhiệm và lương tri của những người ngồi ghế xét xử là không để cho những câu hỏi nhức nhối ấy còn phải đặt ra nữa. Bởi pháp luật có thể vô tình nhưng những người ngồi xử án thì không thể vô cảm. Họ phải luôn mang trong mình một trái tim và cái tâm để sử dụng pháp luật một cách công tâm, trong sáng - “phụng công thủ pháp, chí công vô tư”. Có như thế, bản án mới thực sự đem đến công lý cho mọi người như lời Chủ tịch nước yêu cầu.
THANH HOA