Lưu ý khi leo ngọn núi Ky Quan San, ‘thiên đường’ của những tầng mây

(PLO)- Điểm đặc biệt của cung đường leo núi Ky Quan San là cảnh quan độc đáo, rừng suối và các tầng mây xuyên suốt hành trình.

Ky Quan San là địa điểm quen thuộc đối với những ai đam mê bộ môn leo núi. Với độ cao 3.046m so với mực nước biển, đây là ngọn núi cao top 4 Việt Nam và nằm trong top 3 ngọn núi khó chinh phục, thích hợp để săn mây và ngắm bình minh.

Bạch Mộc Lương Tử là một tên gọi mỹ miều khác của Ky Quan San, ngọn núi này là ranh giới tự nhiên giữa hai xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai và xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Năm 2013, lần đầu tiên một nhóm người Việt đặt chân lên ngọn núi này. Đến nay, Ky Quan San trở thành cung đường trekking quen thuộc và đa phần những người leo núi sẽ mất khoảng 3 ngày 2 đêm để hoàn thành chuyến đi.

Địa hình Ky Quan San khá hiểm trở, đòi hỏi người leo núi phải có sức khỏe tốt, đi chậm và giữ nhịp thở đều. Ảnh: Tùng Lâm

Nhìn chung, địa hình của Ky Quan San khắc nghiệt và hiểm trở, du khách phải trải qua nhiều cung đường gập ghềnh, cheo leo và lội qua những con suối được bao quanh bởi rừng cây xanh thẳm. Điều đó đòi hỏi người leo núi phải có sức khỏe tốt, đi chậm và giữ nhịp thở đều.

Điểm đặc biệt của Ky Quan San là cảnh quan độc đáo, rừng suối ở xuyên suốt hành trình.
Ảnh: Tùng Lâm

Anh Lê Tùng Lâm, một blogger đam mê xê dịch và cũng là đồng sáng lập Joy Trekking Travel đã chia sẻ những kinh nghiệm khi chinh phục đỉnh Ky Quan San. Anh Lâm thực hiện chuyến đi đến ngọn núi lần đầu tiên cách đây vài năm với chuyến xe chạy từ Sapa vào bản người Mông dưới chân núi dù trời mưa và lạnh. “Đợi mưa tạnh, mình cũng nhóm bắt đầu leo qua nhiều con suối, cung đường này nhiều suối nên leo rất mệt, chưa bao giờ trong đời mệt như thế”- anh Lâm chia sẻ.

Đối với anh Tùng Lâm, điểm đặc biệt của Ky Quan San là cảnh quan độc đáo, rừng suối ở xuyên suốt hành trình và khí hậu lạnh cắt da cắt thịt. Đồng bào nơi đây chủ yếu là người Mông, họ vô cùng hiền lành, thật thà và chịu khó.

Trải nghiệm bữa ăn dã chiến giữa rừng. Ảnh: Tùng Lâm

Anh Tùng Lâm cũng dành lời khuyên cho những ai đang có ý định bắt đầu leo núi, đó là chuẩn bị kỹ đồ đạc, tìm hiểu về cung đường và nên đi với những người có kinh nghiệm hoặc tìm sự hỗ trợ từ người bản địa. Việc leo núi sẽ nguy hiểm nếu như đi một mình mà không có kỹ năng sinh tồn.

Người bắt đầu leo núi nên đi theo nhóm với những người có kinh nghiệm hoặc tìm sự hỗ trợ từ người bản địa. Ảnh: Tùng Lâm

Theo anh Lâm, người mới bắt đầu nên chọn những ngọn núi có nhiều thông tin trên phương tiện truyền thông đại chúng, dễ leo, đông người và nên đi theo đoàn, đi những cung đường đã được khám phá trước đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới