Lưu ý quan trọng khi đặt tên cho con cha mẹ cần biết

(PLO)- Tên của công dân Việt Nam trong giấy khai sinh phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Vợ chồng tôi mới sinh con đầu lòng nên bao tình thương và những điều tốt nhất muốn dành cho con. Con tôi mới sinh được một tuần, tôi dự định tuần sau sẽ đi làm giấy khai sinh cho con. Vợ chồng tôi đã đưa ra rất nhiều cái tên độc, lạ và mang nhiều ý nghĩa với gia đình.

Cho tôi hỏi, theo quy định hiện nay trẻ em có ba mẹ là công dân Việt Nam thì những cái tên như thế nào không được phép đặt?

Bạn đọc Trần Hải, tỉnh Long An

Luật sư Nguyễn Văn Hồng, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời: Tại khoản 1 Điều 26 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về quyền có họ, tên. Cụ thể, mỗi cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.

Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 26 Bộ luật dân sự 2015 có quy định việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.

Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Ví dụ: số 1, 2,3 ... hay ký tự @, #,$ ....

Theo đó, khi lựa chọn họ và tên cho con, ba mẹ cần lưu ý những vấn đề sau.

Thứ nhất, tên của con không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, hiện tại pháp luật dân sự chưa giải thích rõ hay đưa ra ví dụ cụ thể về trường hợp việc đặt tên xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Thứ hai, tên của con không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự như: Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản;

Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng;…

Như vậy, theo quy định hiện nay có thể hiểu nếu con sinh ra mang quốc tịch Việt Nam thì ba mẹ phải đặt tên con bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam trong giấy khai sinh.

Trong trường hợp con sinh ra có ba hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài nhưng con mang quốc tịch Việt Nam thì vẫn phải đặt tên cho con theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp con sinh ra mang quốc tịch nước ngoài thì không áp dụng quy định được quy định tại Luật Quốc tịch Việt Nam 2008.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 6 Thông tư 04/2020 của Bộ Tư pháp quy định nội dung trên giấy khai sinh được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật hộ tịch, khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015. Đồng thời, việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.

Như vậy, pháp luật hiện nay luôn tôn trọng quyền có tên, họ của mỗi công dân. Tuy nhiên, khi lựa chọn họ và tên cho con, ba mẹ còn cần lưu ý những vấn đề nêu trên khi đăng ký giấy khai sinh cho con.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm