Lý do khiến biến thể SARS-CoV-2 ngày càng nguy hiểm

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp với nhiều biến thể mới như biến thể Anh, biến thể Ấn Độ. Các biến thể này được đánh giá có tốc độ lây lan nhanh hơn, thậm chí có thể gây bệnh nặng hơn.

Virus SARS-CoV-2 có phải là đang trở nên nguy hiểm hơn không?

Lý giải vấn đề này, GS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết các virus nói chung và virus SARS-CoV-2 nói riêng, trong quá trình lưu hành, sau nhiều lần sao chép và nhân bản có thể xuất hiện những biến đổi trong cấu trúc của gen (thay đổi ở một hoặc một số vị trí trên bộ gen di truyền so với bộ gen ban đầu của virus) gọi là đột biến gen.

Khi quá trình lây nhiễm tăng nhanh, virus sao chép và nhân bản cũng tăng tốc. Các đột biến gen của virus có cơ hội xuất hiện nhiều hơn, dẫn đến khả năng xuất hiện biến thể cao hơn.

Theo GS Lân, hiện nay trên thế giới đã phát hiện khoảng hơn 28.000 đột biến trên gen của virus SARS-CoV-2. “Hầu hết các đột biến không làm thay đổi đặc tính của virus, nhưng có một số có thể ảnh hưởng đến đặc tính sinh học như làm tăng khả năng lây nhiễm, giúp virus lẩn tránh hệ miễn dịch hay làm tăng khả năng xâm nhập vào các tế bào biểu mô đường hô hấp” - GS Lân lý giải.

Hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chia các biến thể của SARS-CoV-2 thành 2 nhóm là biến thể đáng quan tâm (VOIs) và biến thể đáng quan ngại (VOCs).

Biến thể đáng quan tâm khi có thay đổi về kiểu hình hoặc có 1 gen với nhiều đột biến, gây lây lan dịch trong cộng đồng hoặc có nhiều ca, chùm ca bệnh xuất hiện cùng lúc hoặc được phát hiện ở nhiều quốc gia.

Biến thể đáng quan ngại là những biến thể được khẳng định có liên quan, làm gia tăng đáng kể khả năng lây lan, tăng độc lực virus, làm nặng lên biểu hiện lâm sàng cho người mắc. Bên cạnh đó, nó làm giảm hiệu quả các biện pháp y tế công cộng như vaccine, xét nghiệm chẩn đoán, liệu pháp điều trị hiện hành.

GS Lân phân tích, hiện các biến thể đáng quan ngại bao gồm biến thể B.1.351 (ở Nam Phi) đã được ghi nhận ở 111 quốc gia, biến thể B.1.1.7 (phát hiện ở Anh) đã được ghi nhận ở 155 quốc gia, biến thể P.1 (ở Brazil) đã được ghi nhận ở 62 quốc gia và biến thể B.1.617 (ở Ấn Độ) đã được ghi nhận ở 63 quốc gia. Theo WHO, các biến thể với lợi thế thích nghi sẽ dần thay thế các biến thể cũ theo thời gian.

Tại Việt Nam, ngay từ khi vụ dịch bùng phát đã phát hiện ra các biến thể mang đột biến D614G vào đầu tháng 3-2020 từ những công nhân từ nước ngoài về. Tiếp đến là sự xuất hiện của các biến thể như B.1.1.7 và B.1.351 được ghi nhận vào tháng 10-2020 từ những công dân về từ Anh, hiện nay là biến thể B.1.617 từ ổ dịch Yên Bái, Hà Nam.

“Như vậy, các biến thể đáng quan ngại xuất hiện, lưu hành thì sau một thời gian sẽ xuất hiện ở hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam. Điều này làm cho công tác dự phòng và kiểm soát càng đòi hỏi ở mức cao hơn nữa” - GS Lân lo ngại.

Ông cũng dẫn chứng qua nghiên cứu cho thấy biến thể B.1.1.7 có khả năng lây nhiễm cao hơn đến 70% so với các biến thể cũ, có nghĩa một người mắc bệnh biến thể cũ trung bình sẽ lây cho 2 đến 4 người khác, còn với biến thể B.1.1.7 có thể lây đến 7 người.

Các biến thể khác như P.1 (Brazil),  B.1.351 (Nam Phi), B.1.617 (Ấn Độ) cũng được WHO báo cáo rằng có khả năng gia tăng sự lây nhiễm. “Nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn thì khả năng lây lan dịch tăng theo cấp số nhân” - GS Lân cảnh báo và cho biết thêm: Báo cáo từ WHO và CDC Hoa Kỳ, các biến thể B.1.1.7 (ở Anh), biến thể B.1.351 (Nam Phi), biến thể P.1 (Brazil) đều có khả năng liên quan đến việc tăng độ nặng và khả năng tử vong.

Mặt khác, theo ước tính về sự lây truyền virus ở Mỹ, có khoảng 70% bệnh nhân sẽ phát triển triệu chứng sau nhiễm SARS-CoV-2. Ở những người có triệu chứng, khoảng 20% mắc bệnh nặng và có 5% là rất nặng (sốc, rối loạn chứng năng đa cơ quan, suy hô hấp…). Do đó, nếu số ca mắc tăng lên nhiều thì hệ thống y tế sẽ quá tải, từ đó dẫn đến tăng số ca tử vong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới