Lý do Mỹ cáo buộc Iran tấn công hai cơ sở dầu Saudi Arabia

Không lâu sau khi hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia bị tấn công, nhóm phiến quân Houthi ở Yemen tuyên bố nhận trách nhiệm. Houthi nói mình triển khai 10 máy bay không người lái không kích hai nhà máy lọc dầu Abqaiq và Khurais, đồng thời cảnh cáo sẽ tiếp tục tấn công nếu liên quân do Saudi Arabia còn tiếp tục can thiệp quân sự vào Yemen.

Hầu hết truyền thông thế giới, kể cả truyền thông Mỹ ban đầu đều đưa tin theo hướng máy bay không người lái của Houthi tấn công hai nhà máy lọc dầu Saudi Arabia. Theo thông tin từ hãng tin AP, Houthi có kế hoạch tấn công kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, Mỹ không thừa nhận tuyên bố nhận trách nhiệm của Houthi (nhóm nhận sự bảo trợ của Iran) và cáo buộc chính Iran đứng đằng sau vụ việc. Trước đó Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Iran “mở một cuộc tấn công chưa có tiền lệ nhắm vào nguồn cung cấp năng lượng thế giới”. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump thận trọng hơn khi ngày 16-9 chỉ nói “có vẻ” Iran chịu trách nhiệm cho việc này.

Khả năng Houthi tới đâu?

Theo nhà báo, chuyên gia các vấn đề quốc tế Finian Cunningham (người Ireland), chuyện Mỹ nói Houthi không có khả năng thực hiện một vụ tấn công tầm cỡ như vậy nhằm vào hai nhà máy lọc dầu Saudi Arabia là không chính xác. Theo ông Cunningham, Houthi hoàn toàn có khả năng đưa máy bay không người lái vào lãnh thổ Saudi Arabia. Thậm chí nhóm này có thể phóng tên lửa đạn đạo sang nước này. Houthi đã đưa máy bay không người lái vào chiến đấu từ khi liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu can thiệp quân sự vào Yemen vào tháng 3-2015.

Bốn năm qua, hỏa lực trên không của Houthi đã tăng đáng kể. Trước đây Saudi Arabia từng nhiều lần đánh chặn được máy bay không người lái và tên lửa từ Yemen phóng sang. Tuy nhiên, năm vừa qua tỉ lệ thành công của Houthi trong việc tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Saudi Arabia tăng hơn, thậm chí vũ khí Houthi còn bay đến cả thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.

Hồi tháng 5, máy bay không người lái Houthi phá một đường ống dẫn dầu quan trọng của Saudi Arabia. Tháng 8, cơ sở khai thác dầu Shaybah của Saudi Arabia nằm gần biên giới Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất bị tấn công, vũ khí được cho là máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo của Houthi.

Một số hình ảnh vệ tinh được phía Mỹ công bố cho thấy cảnh đổ nát, thiệt hại ở nhà máy lọc dầu Abqaiq sau khi bị tấn công. Nhiều quan chức Mỹ nói từ các địa điểm hứng không kích có thể thấy vũ khí không phải được bắn sang từ Yemen mà từ Iran hoặc Iraq. Iran nói Mỹ đưa ra cáo buộc này nhằm phá hoại hình ảnh Iran trên trường quốc tế. Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif cho rằng chuyện này sẽ không giúp Mỹ thoát khỏi thế mắc kẹt tại Yemen.

Một số cơ quan truyền thông Iraq nói vụ tấn công xuất phát từ Iraq, nơi có một số nhóm tay súng bán quân sự được Iran bảo trợ đang gia tăng sức mạnh. Tuy nhiên, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi bác bỏ khả năng lãnh thổ Iraq bị các phần tử vũ trang người Shiite thân Iran sử dụng để tấn công hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia. Chính phủ Iraq tuyên bố sẽ trừng phạt bất kỳ nhóm nào sử dụng Iraq để làm bàn đạp tấn công Saudi Arabia.

Các tay súng nhóm phiến quân Houthi ở Yemen. Ảnh: AP

Mỹ không muốn thừa nhận yếu kém?

Vậy tại sao Mỹ khăng khăng cáo buộc Iran là thủ phạm trong vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia? Theo nhà báo - chuyên gia Cunningham, lý do đơn giản chỉ có một: Vì Mỹ đã thất bại trong việc bảo vệ đồng minh Saudi Arabia. Theo ông, chính phủ Mỹ cần quy tội cho Iran với việc hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia bị tấn công, vì nếu thừa nhận chuyện này do nhóm Houthi làm thì chẳng khác gì thừa nhận năng lực của mình kém.

Những năm gần đây, Saudi Arabia chi hàng tỉ USD mua các hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot và công nghệ radar tiên tiến từ Mỹ. Nếu Houthi có thể cho các máy bay không người lái bay xa tới 1.000 km vào lãnh thổ Saudi Arabia và không kích các cơ sở dầu mỏ của nước này thì đây sẽ là một sự xấu hổ lớn cho Mỹ.

Việc Mỹ cáo buộc Iran tấn công hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia là thiếu thận trọng vì có nguy cơ sẽ dẫn tới một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran mà Iran đã tuyên bố rõ là đã sẵn sàng chiến tranh.

Nhà báo, chuyên gia các vấn đề quốc tế FINIAN CUNNINGHAM 

Việc Mỹ bảo vệ Saudi Arabia đã thành điều không phải bàn đến trong quan hệ lịch sử giữa hai nước. Saudi Arabia là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới hiện nay và đồng tiền nước này dùng trong giao dịch xuất khẩu dầu là USD. Điều này rất quan trọng để Mỹ củng cố quyền lực của mình trong thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, Mỹ còn hưởng thêm quyền lợi hấp dẫn khác là được bán hàng tỉ USD vũ khí sang Saudi Arabia mỗi năm. Đổi lại, Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Saudi Arabia.

Theo thống kê từ Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển), ngân sách quân sự Saudi Arabia lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Với chi tiêu hàng năm khoảng 68 tỉ USD, Saudi Arabia là nước đứng đầu thế giới về tỉ lệ chi GDP cho quốc phòng (8,8% GDP). Phần lớn vũ khí Saudi Arabia được mua từ Mỹ, trong đó có một lượng lớn hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot.

Chi một số lượng lớn tiền như thế cho vũ khí và công nghệ quốc phòng Mỹ mà cuối cùng Saudi Arabia lại phải hứng một đòn tấn công quá mạnh nhằm vào các cơ sở dầu mỏ - ngành công nghiệp then chốt của mình. Sản lượng khai thác dầu của Saudi Arabia giảm hơn 50% ngay khi hai nhà máy lọc dầu Abqaiq và Khurais bị tấn công và chìm trong khói lửa. Có thông tin thiệt hại còn nhiều hơn và nghiêm trọng hơn những gì chính phủ Saudi Arabia thông báo. Giá dầu ngày 16-9 đã tăng lên 15% vì vụ này.

Ngày 16-9, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia gọi vụ tấn công nhằm vào hai nhà máy lọc dầu của mình là hành động gây hấn và phá hoại chưa có tiền lệ, là tội ác to lớn đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời khẳng định mình có đủ khả năng đối phó.

Saudi Arabia cho đến giờ vẫn chưa chính thức quy kết bên nào đứng sau vụ tấn công này. Bộ Ngoại giao Saudi Arabia thông báo đã mời các chuyên gia Liên Hiệp Quốc và quốc tế đánh giá hiện trường và điều tra vụ việc. Riyadh cho biết kết quả điều tra ban đầu cho thấy vũ khí Iran được sử dụng trong vụ tấn công này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm