Lý do người tiêu dùng thường thua kiện nhà sản xuất

(PLO)- Mặc dù luật quy định người tiêu dùng được loại trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa nhưng họ vẫn gặp không ít khó khăn để chứng minh yêu cầu khởi kiện.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Trường ĐH Luật TP.HCM (khoa Luật dân sự) tổ chức hội thảo những điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD)năm 2023.

Người tiêu dùng không phải chứng minh lỗi của bên bán

Tại hội thảo, luật sư (LS) Phùng Văn Hiệu (Đoàn LS tỉnh Bình Dương) cho biết NTD có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật; tuy nhiên không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh (Điều 69 Luật BVQLNTD).

Theo LS Hiệu, thoạt nhìn có thể thấy pháp luật quy định như trên đã tạo ra hành lang pháp lý bảo vệ NTD. Tuy nhiên, thực tế NTD vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc chứng minh cho các yêu cầu của mình.

p6-anh-bai-NTD-quy.jpeg
Luật sư Phùng Văn Hiệu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: YC

LS Hiệu dẫn chứng một số vụ án. Vụ án thứ nhất, vợ chồng ông V mua phân của Công ty Q tại đại lý G về bón nhưng sau đó cây bị chết. Sau đó, công ty lập biên bản cam kết bồi thường, thời gian bồi thường là hết ngày 31-12-2016. Vợ chồng ông T làm đơn tố cáo nhưng công an kết luận không đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Do đó, vợ chồng ông V khởi kiện yêu cầu đại lý G bồi thường 190 triệu đồng.

Đại lý G và Công ty Q (người liên quan) thì cho rằng thời điểm cây chết do mưa nhiều, không thoát nước dẫn đến ngập úng, khi bón phân cây bị nấm bệnh nên gây ra sự việc cây chết. Đại lý có bán cho nhiều người nhưng không xảy ra hiện tượng cây chết. Việc lập biên bản thỏa thuận bồi thường là do sợ xảy ra khiếu nại, khiếu kiện làm mất uy tín, ảnh hưởng kinh doanh.

Xử sơ thẩm, tòa án không chấp nhận yêu cầu của vợ chồng ông V. Cấp phúc thẩm cũng bác kháng cáo với lập luận: Vợ chồng ông V cho rằng cây chết là do phân bón giả nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh...

Đánh giá về vụ án trên, LS Hiệu cho rằng vợ chồng ông V sử dụng hai chứng cứ là biên bản thỏa thuận bồi thường và kết quả phân tích mẫu phân là hoàn toàn thuyết phục. Bởi biên bản thỏa thuận được công ty và đại lý lập tại thời điểm phát hiện sự việc, nội dung cam kết bồi thường hoàn toàn tự nguyện trên cơ sở xem xét thiệt hại thực tế... Còn kết quả phân tích mẫu phân đã được Trung tâm Quan trắc môi trường nông nghiệp miền Trung và Tây Nguyên tiến hành và phía bị đơn cũng không có ý kiến về kết quả này.

Vì vậy, việc tòa án hai cấp không chấp nhận các chứng cứ và cách chứng minh này của NTD để bác yêu cầu là thiếu thuyết phục.

Tivi mới mua bị hỏng, lỗi tại ai?

Một vụ án khác, LS Hiệu dẫn chứng là vụ án giữa ông K và Công ty S. Theo bản án phúc thẩm, ông K mua một chiếc tivi nhưng quá trình sử dụng bị hỏng, nhân viên bảo hành của Công ty S đến sửa chữa tại nhà ông. Sau đó, ông sử dụng thì tiếp tục bị hỏng, trung tâm bảo hành từ chối bảo hành với lý do ông K đã để nước vào tivi và trời nồm ẩm nhưng gia đình không biết bảo quản.

Sau đó, ông K khiếu nại và nhận được thư giải quyết của công ty là “chấp thuận hỗ trợ đặc biệt là miễn phí toàn bộ sửa chữa”. Ông K cho rằng đây là sự ban ơn nên khởi kiện yêu cầu công ty bồi thường hơn 800 triệu đồng gồm tiền mua tivi, chi phí thuê LS, tổn thất tinh thần...

Công ty S thì cho rằng tivi bị chất lỏng đổ vào gây ra han gỉ và ẩm mốc linh kiện không phải do lỗi của công ty và số hàng hóa là tivi sản xuất cùng thời điểm đã bán cho gia đình ông K không có sản phẩm nào bị lỗi.

Xử sơ và phúc thẩm cả hai cấp tòa đều bác yêu cầu của ông K với lập luận: Tivi bị sọc đứng do tab của màn hình (mạch điều khiển) bị hỏng nhưng không xác định được nguyên nhân. Công ty cung cấp các tài liệu chứng minh toàn bộ lô hàng trong đó có tivi của ông K trước khi xuất xưởng đã được thẩm định, đăng ký và kiểm tra chất lượng. Ông K không đưa ra được chứng cứ chứng minh cho các yêu cầu của mình...

Theo LS Hiệu, trong vụ án này là NTD lại gặp khó khăn khi chứng minh thiệt hại. Tòa án cần xem xét lại lập luận của công ty là hàng hóa sản xuất cùng thời điểm không có vấn đề. Bởi lẽ cùng một thời điểm sản xuất nhưng không thể đảm bảo 100 sản phẩm đều như nhau…

Qua hai vụ án trên, LS Hiệu cho rằng mặc dù pháp luật đã có quy định nhằm giảm tải nghĩa vụ chứng minh cho NTD. Tuy nhiên gánh nặng về nghĩa vụ chứng minh vẫn gần như đặt trọn trên vai NTD và họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Nghĩa vụ chứng minh của người tiêu dùng

Nếu quy định mọi gánh nặng chứng minh đều đặt ở NTD thì có lẽ không hợp lý khi NTD là chủ thể yếu thế hơn. Bởi lẽ trong mối quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ với nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ thì NTD luôn ở thế bị động, có sự hạn chế về việc tiếp cận các thông tin của sản phẩm, hàng hóa cũng như năng lực kiểm chứng chất lượng còn những nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ luôn ở thế chủ động.

Vì vậy, theo Luật BVQLNTD và BLTTDS, để được bồi thường thiệt hại, NTD cần chứng minh được ba yếu tố: Có thiệt hại thực tế xảy ra, có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại, có mối quan hệ nhân quả giữa sự kiện gây thiệt hại trái luật và thiệt hại thực tế xảy ra.

Tóm lại, NTD chỉ được loại trừ nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên đã sản xuất sản phẩm có khuyết tật chứ không loại trừ toàn bộ nghĩa vụ chứng minh và vẫn phải chứng minh được ba yếu tố nêu trên.

ThS XA KIỀU OANH, Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm