Trao đổi với PLO, ông Vũ Văn Trung, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết như trên.
.Hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… được bày bán trên mạng khá nhiều, từ các sàn giao dịch thương mại điện tử đến các nền tảng mạng xã hội. Phía hội có thường xuyên nhận được khiếu nại của người tiêu dùng phàn nàn vì mua phải hàng đểu, hàng kém chất lượng không, thưa ông?
+ Ông Vũ Văn Trung: Môi trường giao dịch thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội là bước tiến rất lớn của khoa học công nghệ, mọi đối tượng của xã hội đều có thể tham gia và giao dịch.
Rất đáng tiếc, trong khi nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng mạng xã hội rất đúng đắn, nghiêm túc thì có không ít đối tượng lợi dụng mạng internet để buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… gây thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Trung ương Hội cũng như các hội thành viên ở các tỉnh, thành phố nhận được không ít những khiếu nại của người tiêu dùng về vấn đề này. Trung bình, số khiếu nại mà Hội giải quyết bằng văn bản vào khoảng trên dưới 400 vụ mỗi năm. Ngoài ra, Trung ương Hội còn tiếp nhận khiếu nại, tư vấn và giải quyết cho người tiêu dùng qua đường dây nóng với khoảng 175.000-180.000 vụ/cuộc tư vấn mỗi năm.
Ông Vũ Văn Trung, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Ảnh: AH |
. Những vấn đề được người tiêu dùng phản ánh là gì, thưa ông?
+ Người tiêu dùng chủ yếu phản ánh về chất lượng hàng hoá như hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, những vi phạm về quyền lợi của người tiêu dùng… Họ phản ánh với mong muốn Trung ương Hội, các cơ quan nhà nước vào cuộc xử lý.
Nếu ở ngoài chợ truyền thống, mua bán trực tiếp thì người tiêu dùng có thể nhận biết được hàng giả, hàng nhái, nhưng qua mua bán online thì rất khó, hình ảnh một đằng, nhận hàng một nẻo, do vậy họ rất khó chấp nhận. Tôi nghĩ rằng ở ngoài xã hội, số lượng người tiêu dùng muốn khiếu nại vì mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… còn lớn hơn nhiều so với con số mà hội đã tiếp nhận.
Khi nhận được phản ánh thì Hội sẽ xem xét, liên lạc với các đơn vị mà người tiêu dùng mua hàng, nếu họ giải thích hợp lý thì tiến tới hoà giải. Phía doanh nghiệp làm ăn chân chính, có ý thức thì họ cũng nhận ra và đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng.
Số ít doanh nghiệp cố tình trốn tránh trách nhiệm thì có thể yêu cầu xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tôi thấy rằng các phản ánh khiếu nại của người tiêu dùng đều rất chính xác, những vụ việc nhỏ thì họ thường bỏ qua, những sự việc nào khiến họ quá bức xúc thì mới khiếu nại để nhờ can thiệp.
Lực lượng liên ngành phát hiện số lượng lớn quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: QLTT |
. Ông đánh giá thế nào về sự vào cuộc của cơ quan chức năng thời gian qua trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…?
+ Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng lậu… khá nan giải, đến mức Chính phủ phải lập ra Ban chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), do một Phó Thủ tướng làm trưởng ban chỉ đạo. Các bộ, các tỉnh, thành phố cũng đều có Ban chỉ đạo 389. Điều đó cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề này, cũng cho thấy sự quan tâm sát sao của Nhà nước với lĩnh vực này.
Về góc độ trách nhiệm của các bộ ngành liên quan đến xử lý hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, các đơn vị của Bộ Công Thương đang làm rất tốt. Đơn cử như Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, họ làm tận nơi, có khiếu nại thì xử lý đến nơi đến chốn.
Ngoài ra còn có lực lượng Quản lý thị trường, đây là lực lượng tương đối mạnh và tôi thấy họ làm việc cũng sát sao, xử lý vấn đề khá nghiêm túc. Hội cũng thường xuyên trao đổi với Tổng cục Quản lý thị trường để cùng phối hợp.
. Như ông nói cơ quan chức năng vào cuộc rất quyết liệt để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… nhưng vì sao vi phạm trong lĩnh vực này vẫn phức tạp, tràn lan như vậy? Để bảo vệ người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả, Hội đã và sẽ triển khai những giải pháp gì?
+ Cơ quan chức năng triệt phá rất nhiều vụ việc, đường dây, ổ nhóm, tụ điểm về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng lậu lớn… từ trong nam ra ngoài bắc, khu vực biên giới. Làm mạnh tay như vậy nhưng vì lợi nhuận quá lớn nên những đối tượng làm ăn bất chính vẫn tiếp tục vi phạm.
Để bảo vệ người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả, giải pháp đầu tiên của Hội là tuyên truyền rộng rãi đến người tiêu dùng để họ nâng cao hiểu biết về hàng giả, qua đó cố gắng tránh không mua phải hàng giả, hàng nhái. Hoặc nếu như không may mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… thì người tiêu dùng cũng biết quy trình phải làm gì tiếp theo. Người tiêu dùng hãy lên tiếng để được bảo vệ.
. Xin cảm ơn ông.