Lý do số liệu ca COVID-19 tử vong ở TP.HCM không thống nhất với Bộ Y tế

Từ 0 giờ ngày 9-7, TP.HCM đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng. Trong thời gian này, dư luận đặc biệt quan tâm đến các giải pháp chống dịch và một số vấn đề nảy sinh liên quan.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Trung tâm Báo chí TP.HCM đã cung cấp thông tin về một số vấn đề liên quan đến công tác phòng chống dịch, trong đó có việc giải thích lý do số liệu về ca COVID-19 tử vong tại TP.HCM do Sở Y tế cung cấp 3 ngày nay không thống nhất với số liệu của Bộ Y tế.

Theo đó, tính đến sáng 15-7, tại TP.HCM có 142 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, theo công bố của Bộ Y tế, tính từ 7-6 đến ngày 15-7 đã có 69 ca bệnh COVID-19 tử vong ở TP.HCM được ghi nhận. “Việc số ca tử vong chênh lệch với số liệu của Bộ Y tế là do Sở Y tế cập nhật số liệu ngay khi nhận được báo cáo nhanh từ bệnh viện” – Trung tâm Báo chí TP.HCM thông tin.

Trong khi đó, để công bố lên hệ thống của Bộ Y tế, cần phải cập nhật chi tiết, cụ thể; hiện nay số ca mắc mới mỗi ngày tăng cao, khối lượng thông tin cập nhật hàng ngày đối với các ca bệnh là rất lớn, nên thông tin cập nhật có phần chậm trễ.

Các y, bác sĩ, nhân viên y tế làm việc tại BV dã chiến điều trị COVID-19 số 6 trong khu tái định cư Bình Khánh (phường An Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM).
Ảnh: NHẬT LINH

Liên quan đến việc TP.HCM thực hiện chủ trương “giảm thời gian điều trị F0 tại cơ sở điều trị” thay vì “cách ly F0 tại nhà” như Bộ Y tế có thông tin, TP.HCM cũng đã có những lý giải cụ thể.

Theo đó, ngày 14-7, Bộ Y tế ban hành công văn về việc giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà. Trong đó, nhằm giảm số lượng người bệnh COVID-19 điều trị tại các cơ sở điều trị, Bộ Y tế có 3 đề nghị:

Thứ nhất, giảm thời gian cách ly y tế từ 21 ngày xuống 14 ngày cho các đối tượng F1, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày tiếp theo.

Thứ hai, với các bệnh nhân COVID-19 (F0) không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế, có thể cho xuất viện vào ngày thứ 10 khi đảm bảo 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc tải lượng vi rút thấp (giá trị CT ≥ 30) và tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày.

Thứ ba, với ca bệnh phát hiện tại cộng đồng (kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2) không có triệu chứng lâm sàng, nếu bệnh nhân có tải lượng vi rút thấp (giá trị CT ≥ 30) thì đưa vào cơ sở y tế cách ly và theo dõi, sau 24 giờ làm lại xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2, tải lượng vi rút thấp (giá trị CT ≥ 30) thì cho bệnh nhân xuất viện và thực hiện giám sát y tế như trên.

Căn cứ vào chỉ đạo trên, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành công văn về việc hướng dẫn giảm thời gian cách ly điều trị cho các trường hợp F0 không có triệu chứng lâm sàng.

Theo đó, nhằm giảm tải cho các bệnh viện được phân công điều trị COVID-19, góp phần tạo tâm lý thoải mái cho người bệnh, giúp sớm hồi phục sức khỏe, Sở Y tế hướng dẫn giảm thời gian cách ly điều trị cho các trường hợp F0 không có triệu chứng lâm sàng khi có đủ các điều kiện cụ thể như sau:

Đối với người mắc COVID-19 đang cách ly tại bệnh viện, bệnh nhân cần hội đủ 4 điều kiện: không có triệu chứng lâm sàng; kết quả xét nghiệm RT-PCR của mẫu bệnh phẩm lấy ngày thứ 10 (tính từ ngày vào viện) và mẫu bệnh phẩm được lấy trước đó ít nhất 24 giờ âm tính hoặc tải lượng vi rút thấp (giá trị CT ≥ 30); có thời gian cách ly đủ 10 ngày tại bệnh viện dã chiến hoặc bệnh viện điều trị COVID-19 (tính cả thời gian cách ly tạm tại các khu cách ly tập trung F0 của quận, huyện); cam kết đủ điều kiện được cách ly điều trị tại nhà.

Đối với trường hợp mắc COVID-19 tại cộng đồng, người bệnh phải hội đủ 3 điều kiện: không có triệu chứng lâm sàng; kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 24 giờ (tính từ ngày vào viện) có tải lượng virut thấp (giá trị CT ≥ 30); cam kết đủ điều kiện được cách ly điều trị tại nhà.

Các lưu ý khi người bệnh (F0) thực hiện cách ly điều trị tại nhà, gồm:

- Không được ra khỏi nhà trong suốt thời gian cách ly.

- Xét nghiệm của người bệnh đã âm tính hoặc có chỉ số nồng độ vi rút thấp nên khả năng lây cho những người trong gia đình không cao. Tuy nhiên, để đảm bảo không lây nhiễm cho người trong gia đình, người bệnh phải tuyệt đối thực hiện giữ khoảng cách trên 2m, mang khẩu trang và tấm chắn che giọt bắn nếu cần thiết phải tiếp xúc trực tiếp với người nhà.

- Nếu trong phòng chỉ có một mình, người bệnh không cần thiết phải mang khẩu trang thường xuyên.

- Tình trạng của người bệnh đã ổn định nhưng người bệnh vẫn phải tự theo dõi sức khỏe. Nếu có vấn đề sức khỏe, người bệnh liên hệ Trung tâm y tế để được hướng dẫn khám sàng lọc.

- Cần uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, vận động tập thể dục điều độ tại phòng để tăng sức đề kháng nhằm giúp bệnh mau khỏi

- Cùng với đó, đảm bảo vệ sinh trong ăn uống và sinh hoạt, ăn sạch, uống sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm