Báo cáo cuối kỳ Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 (viết tắt là đồ án, đang được lấy ý kiến của chuyên gia và cộng đồng) nêu đề xuất chuyển đổi hàng trăm hecta diện tích đất sân golf thành công viên công cộng, trung tâm thương mại… Báo cáo do liên danh tư vấn gồm Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP), Viện Quy hoạch miền Nam, Công ty TNHH MTV Không Gian Xanh và Công ty EnCity thực hiện.
Chưa được nghiên cứu khai thác triệt để
Theo đó, báo cáo đề xuất chuyển sân golf Tân Sơn Nhất (TSN) ở quận Tân Bình thành một trung tâm thương mại dịch vụ, trình diễn, hội chợ thời trang quốc tế.
“Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế TSN giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định 1942/QĐ-BGTVT) đã xác định điều chỉnh nâng cao công suất khai thác trong thời gian chờ xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành” - báo cáo của đồ án nêu.
Theo đó, về ga hành khách: Sử dụng nhà ga hành khách T1, T2 hiện hữu, cải tạo mở rộng đạt công suất 30 triệu hành khách/năm, bổ sung nhà ga hành khách T3 ở phía nam với công suất 20 triệu hành khách/năm (đang xây dựng).
Về nhà ga hàng hóa, logistics: Sử dụng ga hiện hữu và bổ sung ga ở phía bắc (phía phần đất sân golf). “Hiện trạng sử dụng đất tại sân bay TSN chưa được nghiên cứu khai thác triệt để (sân golf phía bắc sân bay)” - liên danh tư vấn đánh giá.
Liên danh tư vấn cũng nhận định nguyên nhân tác động đến quá trình thực hiện quy hoạch là do các quy hoạch chuyên ngành và quy hoạch cấp trên liên quan đến lĩnh vực GTVT… được ban hành sau khi Quyết định 24 (điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2025) được phê duyệt (ngày 6-1-2010). Điều này dẫn đến sự thay đổi lớn về mặt định hướng phát triển khung giao thông toàn TP.
Vì vậy, liên danh tư vấn cho rằng nếu mở được thêm ga hàng không về phía bắc sân bay (phần phía sân golf) thì khu này có thể trở thành một đô thị sân bay mới, với những tiềm năng về du lịch, dịch vụ, logistics sân bay.
Để khai thác tốt về dịch vụ, du lịch, liên danh tư vấn đề xuất tái cấu trúc khu vực sân golf TSN thành một trung tâm thương mại dịch vụ lớn. Trung tâm này có tính chất chính là thiết kế, trình diễn, hội chợ thời trang quốc tế, ngoài ra cần nghiên cứu mô hình đô thị sân bay TSN để có các định hướng phát triển tốt hơn.
Nhà Bè muốn chuyển 190 ha đất sân golf thành đất đô thị
Không chỉ quận Tân Bình, phần đất sân golf ở huyện Nhà Bè cũng được liên danh đề xuất chuyển đổi thành đất thương mại, công viên công cộng.
nguồn tin từ UBND huyện Nhà Bè cho biết phần đất sân golf được liên danh tư vấn nhắc tới có diện tích khoảng 190 ha. Chính huyện là đơn vị đề xuất với liên danh tư vấn về việc chuyển đổi 190 ha đất sân golf này thành đất đô thị.
Ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, cho biết về quy hoạch sân golf ở Việt Nam, theo Nghị định 52/2020, quy hoạch sân golf sẽ do các địa phương lập và quản lý theo nhu cầu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh, TP.
Theo ông Thắng, huyện Nhà Bè đề xuất chuyển đổi quỹ đất sân golf phía nam thành công viên công cộng dựa trên các lý do sau: Thứ nhất, tạo không gian xanh cho TP.HCM, đáp ứng nhu cầu giải trí, thư giãn, du lịch của người dân và du khách. Thứ hai, giảm quy mô đất kho - cảng công nghiệp ven sông Nhà Bè, giảm ô nhiễm và tăng chất lượng môi trường.
Thứ ba, tái cấu trúc khu vực đô thị, hỗn hợp, thích ứng với các vùng đất thấp, tạo quỹ đất sạch cho TP.HCM. Thứ tư, phù hợp với định hướng quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi quỹ đất này cần được thảo luận và thống nhất giữa các cơ quan chức năng, các bên liên quan và cộng đồng dân cư. Trước hết, cần xem xét các mặt lợi ích, chi phí, tác động môi trường và xã hội của việc chuyển đổi quỹ đất sân golf thành công viên công cộng.
Về mặt lợi ích, việc chuyển đổi quỹ đất sân golf thành công viên công cộng có thể mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Cụ thể như tạo không gian xanh, giảm ô nhiễm, nâng cao chất lượng sống, thúc đẩy du lịch và giải trí, tạo công ăn việc làm, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái.
Về mặt chi phí, việc chuyển đổi này đòi hỏi một khoản đầu tư lớn, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, thiết kế, xây dựng, quản lý và bảo trì công viên.
Về tác động môi trường, việc chuyển đổi quỹ đất sân golf thành công viên công cộng cũng có thể gây ra những tác động không mong muốn đến môi trường và xã hội. Cụ thể như tăng áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, an ninh, quản lý phát sinh rác thải, nước thải, tiếng ồn, khí thải. Mặt khác có thể làm giảm giá trị bất động sản, ảnh hưởng đến quyền sở hữu và sử dụng đất đai, gây mất cân đối trong quy hoạch đô thị và phát triển bền vững ở chừng mực nào đó.
Tóm lại, để đi đến quyết định có nên thực hiện hay không cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng và tham vấn rộng rãi của các bên liên quan, các chuyên gia, các mô hình chuyển đổi tương tự đã thực hiện trong và ngoài nước. Ngoài ra, không kém phần quan trọng là sự thống nhất và hỗ trợ của cộng đồng.•
Hiện trạng khu đất 190 ha ở huyện Nhà Bè
Ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM ở khu đất 190 ha quy hoạch sân golf ở huyện Nhà Bè cho thấy: Khu đất nằm ở phía bên trái đường Nguyễn Hữu Thọ (hướng từ trung tâm TP xuống huyện Nhà Bè, vừa qua đường Nguyễn Văn Linh).
Khu đất này hiện vẫn còn bỏ hoang, cây cối mọc um tùm. Một số nơi có người dân ở, khu đất nằm sau lưng mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ với hàng loạt chung cư và dãy chung cư đã được xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Khu đất giáp với kênh Rạch Đĩa, gần khu Phú Mỹ Hưng sầm uất nên rất thuận lợi để làm công viên ven sông hay du lịch, thương mại.