Về hưu từ năm 2010 nhưng gần 10 năm qua, cô Trị vẫn được nhà trường “giữ chân” với một chức vụ đặc biệt là “ma ma đại tổng quản”. Cô quán xuyến toàn bộ mọi công việc trong trường, thường xuyên tiếp phụ huynh và xử lý những tình huống rắc rối của lứa tuổi học trò.
Dù “chuyên trị” học sinh nhưng bằng tình cảm và nghệ thuật của mình, cô luôn được các em yêu quý, phụ huynh nể trọng.
Phòng giám thị nằm khuất trong khuôn viên trường. Không gian của phòng không rộng lắm nhưng đó là nơi cô Trị dùng để tiếp phụ huynh và giải quyết những bức xúc của học sinh về việc học, về mối quan hệ với thầy cô.
Ghé trường từ sáng nhưng PV vẫn chưa thể tiếp xúc với cô vì công việc cứ tất bật. Hết kiểm tra phòng học, xem sổ ghi chép, cô lại tiếp phụ huynh. Chứng kiến cuộc nói chuyện mới thấy được biệt tài của cô trong việc giải quyết những thắc mắc của phụ huynh với nhà trường.
Phụ huynh tìm gặp vì con bị phạt dodùng điện thoại xem tài liệu trong giờ kiểm tra giữa kỳ môn Địa. Họ bức xúc vì theo con họ chia sẻ, nhà trường thikhông thông báo trước, thi quá nhiều môn khiến con không học kịp, nên mới phải gian lận.
Cô ngồi yên, lắng nghe phụ huynh chia sẻ hết mọi tâm tư. Sau đó cô từ từ giải thích. “Con chị nói không đúng sự thật. Bởi lớp đó là ban D, môn Địa không phải chính ban, do đó kiểm tra giữa kỳ sẽ không tập trung mà do giáo viên bộ môn thông báo. Hơn nữa, qua tìm hiểu cô giáo đều dặn trước. Mặt khác thời điểm này đâu kiểm tra nhiều môn. Điều đó cho thấy, con chị đã không thành thật. Và đức tính này nếu còn duy trì, sau này khi ra đời con chị sẽ khó có thể thành công”.
Nghe cô Trị nói xong, người phụ huynh kia hiểu rõ sự tình. Chị cảm ơn, nhờ cô Trị dạy dỗ thêm và vui vẻ ra về.
Trò chuyện với PV, cô Trị cho biết cô sinh năm 1955, tốt nghiệp cử nhân ngành điện tử ứng dụng (Đại học Tổng hợp) vào năm 1978. Ban đầu do không thích đi dạy, cô mới chọn trường Tổng hợp nhưng “chạy trời không khỏi nắng”, thời đó thiếu giáo viên nên sau khi ra trường, cô được bổ nhiệm làm giáo viên môn Vật lý trường THPT Bùi Thị Xuân từ tháng 2-1979. Từ năm 1992 cô được phân công làm giám thị. Sau đó cô giữ chức vụ Tổng giám thị của trường cho đến bây giờ. Một công việc thật đặc biệt.
Câu chuyện lại dang dở vì có học sinh đến xin nghỉ học vì bệnh. Cô nhẹ nhàng dặn dò: “Con cố gắng ăn uống rồi nhanh đi học trở lại nhé”.
“Từ một giấy xin phép nghỉ học của phụ huynh, học sinh nếu quan tâm, có thể phát hiện ra nhiều hoàn cảnh đáng thương”, cô Trị nói.
Cô nhớ lại, cách đây 3 năm có một phụ huynh vào đưa giấy xin phép cho con nghỉ học. Qua ăn mặc có thể thấy đó là một người lao động vất vả. Sau một hồi dò hỏi, cô biết nữ sinh bị bệnh tuyến giáp, phải nghỉ học nhiều lần. Điều đáng nói, em chỉ được khám ở phường do nhà không có tiền mua bảo hiểm. Không suy nghĩ, cô rút ra 500.000 đồng đưa phụ huynh, bảo họ ra phường mua bảo hiểm để nhanh chóng đưa con đi khám.
Đang trò chuyện, chuông điện thoại bàn reo lên. Cô Trị bắt máy, đầu dây bên kia tiếng phụ huynh thổn thức: “Cô Trị trường Bùi Thị Xuân phải không? Tôi là phụ huynh em LKL, lớp 11. Xin phép cô cho em nghỉ học vì nhà có việc gấp. Bố em qua đời”. Cô Trị hỏi: “Đây là chuyện đã biết trước hay đột ngột xảy ra”. Đầu giây bên kia tiếng nói đứt quãng: “Sự việc bất ngờ xảy ra, nhờ cô thông báo với em dùm”.
Cúp máy, cô Trị lấy danh sách tìm số em. Bấm máy gọi nhưng không thấy em trả lời. Cô nhờ học sinh của lớp tìm em nhưng giờ ra chơi không thấy em đâu. Sau đó, qua một nguồn tin, cô biết em đang trên lớp. Cô nhờ học trò gọi LKL xuống. Gặp em, cô Trị nhẹ nhàng nói: “Con sẽ được nghỉ học buổi chiều. Gia đình con có việc. Con đi xe gì về, nhớ đi xe cẩn thận nhé”. Nam sinh ra về nhưng vẫn không hiểu lý do vì sao mình được nghỉ.
Cô Trị giải thích, làm công việc này, tùy vào những trường hợp mà mình sẽ có cách cư xử khác nhau. Với sự việc vừa rồi làm sao để nam sinh kia không hoảng hốt, lo toan trên đường về mới là điều quan trọng.
11 giờ trưa, phòng giám thị trở nên nhộn nhịp vì học sinh các lớp xuống nộp sổ đầu bài. “Má trị ơi”, con nộp sổ nhé”, tiếng học trò vang lên.
Minh Thùy, học sinh lớp 12 A15 cho biết, hồi chưa vào trường, em đã nghe danh cô Trị là một tổng giám thị quyền lực.
“Đợt đó, bạn em có chuyện buồn. Cô biết chuyện đã tìm gặp. Bạn ấy chia sẻ. Cô luôn lắng nghe và còn đưa lời khuyên. Từ đó, mỗi khi có chuyện, tụi em đều gặp cô để được tư vấn”.
Tham gia dự án “Có thư trên bậu cửa” (năm 2017), Nguyễn Lâm Đông Quang, học sinh lớp 10A12 khi đó đã viết một bức thư gửi cô Trị với tiêu đề “Sát thủ đáng yêu”.
"Cô là một giáo viên dạy Vật lý yêu nghề, dày dạn kinh nghiệm kiêm một Tổng giám thị khó tính, kiên nghị, cương trực và hơn hết cô là một “người mẹ” luôn quan tấm, thấu hiểu và lo lắng cho đàn con.
Trước khi gặp cô, con thường nghĩ giám thị là những “sát thủ học đường” nhưng đối với con, cô là một “sát thủ đáng yêu”. Con còn nhớ ngày con vi phạm phải xuống phòng giám thị để gặp cô. Con lo lắm, người cứ run bần bật, nghĩ “kiểu này mình tiêu rồi”. Thế nhưng mọi việc khác xa suy nghĩ của con. Cô không những không la mắng mà con giải thích cho con hiểu việc làm của mình. Cô còn động viên và khuyến khích con vươn lên trong học tập. Vì thế, đối với con phòng giám thị không còn nơi đáng ghét nữa mà đó là nơi con và các bạn thường lui tới để được chia sẻ, được vỗ về mỗi khi bản thân chông chênh ở lứa tuổi 18”.
Trải qua nhiều thế hệ học trò, cô Trị cho biết, giáo dục đã thay đổi, học trò mỗi thời một khác. Nếu trước đây người thầy dùng uy quyền để áp đặt học sinh thì bây giờ nếu sử dụng điều đó sẽ phản tác dụng. Chính cô trước mọi vấn đề đều lắng nghe các em thổ lộ, sau đó mới chỉ ra đúng, sai của mỗi học trò.
Chuyện là, cách đây đã nhiều năm có một nam sinh thường xuyên hút thuốc. Thầy giám thị thấy em hút thuốc, chạy lại để bắt quả tang nhưng em đã vội vứt đi. Dù thế, thầy vẫn xử phạt em nhưng nam sinh kia không đồng ý khiến thầy trò trở nên căng thẳng. Cô Trị phải vào giảng hòa.
Cô hỏi nam sinh về sự việc xảy ra. Nam sinh kia đáp: “Con không hút thuốc nhưng thầy lại kết tội”. Thực tế đứng cạnh em đã nghe mùi thuốc nhưng cô vẫn nói: “Thầy giám thị này kỳ thật, học trò của cô không hút thuốc sao lại nói thế. Lần này cô tin con. Giờ con làm cam kết đi, nếu từ đây về sau con hút thuốc, cô bắt được, con sẽ bị trường xử lý. Nam sinh kia đồng ý”.
Gần 1 tuần sau, hoàn toàn vô tình, khi đi trên đường, lúc dừng đèn đỏ, cô dừng xe. Ngay cạnh cô là câu học trò đang phì phèo điếu thuốc. Nhìn thấy cô, nam sinh hốt hoảng vứt ngay điếu thuốc. Cô vẫn bình thản về trường. Cậu học trò chạy theo vào tận phòng giám thị và xin lỗi. Cô vờ như không có việc gì hỏi: “Sao em xin lỗi cô”. Nam sinh kia đáp: “Em xin lỗi vì em đã hút thuốc. Em biết lỗi của em rồi”. Cô Trị đáp: “Vậy cứ theo cam kết thực hiện”.
Vốn biết tính cô Trị thẳng thắn, nói là làm, nam sinh xin lỗi và hứa sẽ từ từ bỏ thuốc. Mấy năm sau, hai cô trò vô tình gặp lại trong một quán phở, giờ đây em đã trở thành một chú công an chững chạc.
Nhìn nhận về công việc của mình, cô Trị cho hay, để giáo dục học sinh hiệu quả, bản thân phải có tâm, phải yêu thương và lắng nghe học sinh.
Ngoài ra muốn giáo dục tốt, giám thị phải là người của ngành, phải là giáo viên đứng lớp. Bởi có đứng lớp, có làm công tác chủ nhiệm, mới có thể hiểu rõ được hoàn cảnh, tâm tư của học sinh từ đó mới có sự xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, người giám thị cần phải có chuyên môn giỏi. Khi giỏi chuyên môn giỏi, bản thân sẽ tạo được uy tín đối với học sinh. Bên cạnh đó, bản thân cũng phải có đạo đức, nhân cách chuẩn mực như vậy học sinh mới nể phục.
Với tấm lòng của mình nên nhiều học sinh dù đã ra trường rất nhiều năm vấn nhớ tới cô. “Nhiều năm qua, cô được “lộc” từ học trò”, cô Trị khoe.
Mấy năm qua, vợ chồng cô đi du lịch nhiều nước trên thế giới do học trò cũ mới. Gần đây nhất, có 2 chuyến cô đi Mỹ hơn 2 tháng trời đều do học trò cũ lo liệu mọi thứ. Có cậu học trò biết tin cô qua Mỹ, đã chạy xe mười mấy tiếng đồng hồ chỉ để nấu ăn cho cô.
“Niềm hạnh phúc của một người làm nghề giáo, lại làm công việc “chuyên trị” là luôn được các em nhớ tới và yêu thương. Đấy chính là sự cao quý của nghề giáo”, cô Trị cười bảo.
Những chuyến đi chơi cùng học trò đều được cô chụp hình ghi lại. Cuốn album ảnh cùng học trò luôn được cô nâng niu trân trọng như những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời làm nghề giáo của cô.
Với sự quản trị cũng như cách xử sự của mình, cô Trị luôn được học sinh quý mến cũng như phụ huynh kính nể.
Tranh thủ đưa con tới trường, chị Đào Thị Thu Hà lại giành thời gian ghé qua phòng giám thị để thăm cô Trị. Vừa là cựu học sinh, vừa là phụ huynh của trường nên tình cảm chị dành cho cô Trị rất nhiều.
Chị Hà chia sẻ, hồi chị học cô Trị dạy bộ môn Vật Lý. Chuyên môn cô giỏi nhưng tính cô rất khiêm khắc. Đối với cô học ra học, chơi ra chơi. Dù cô hơi khó tính nhưng học sinh đều quý vì tất cả những điều cô làm đều vì học sinh.
“Sau khi ra trường, đi làm một thời gian và trở lại trường tôi hơi ngạc nhiên khi cô đã trở thành Tổng giám thị của trường. Ban đầu cũng hơi ngỡ ngàng nhưng sau mấy năm 2 đứa con đều học tại trường tôi biết cô rất phù hợp với chức vụ này. Tụi nhỏ đi đâu, cứ có cô Trị đi cùng là chúng tôi yên tâm. Cô hiểu được tâm tính của lứa tuổi này. Đặc biệt cô còn quan tâm đặc biệt đến chuyện học, ăn ngủ của từng đứa. Cứ đến mùa thi, cô Trị còn sát sao việc học của mỗi đứa hơn ba mẹ. Vì thế tụi nhỏ của trường thương cô lắm. Tụi nó toàn gọi cô bằng hai từ thân thương “Má Trị”, chị Hà nói thêm.
Nhắc đến cô Trị, bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định cô Trị giống như “ma ma đại tổng quản”. Các công việc của Tổng giám thị, cô đều quán xuyến hết. Bên cạnh đó, khi học sinh có những vấn đề cụ thể mà nhà trường phát hiện ra thì cô đều giải quyết một cách ổn thỏa. Cô luôn lo lắng cho học trò, khi phát hiện học trò có hoàn cảnh éo le hay gặp một sự cố đáng tiếc, cô đều tìm cách giúp đỡ, bao bọc, chở che và tìm mọi cách để các em phát triển nên người.
“Từ lúc tôi về trường làm hiệu trưởng đồng hành cùng với cô Trị chưa bao giờ trường phải thành lập hội đồng kỷ luật để xử phạt một học sinh nào khác. Bởi khi có vấn đề, bản thân cô Trị đã tự giải quyết ổn thỏa mọi việc. Qua sự lắng nghe, giải thích của cô, mọi học sinh phạm lỗi đều nhận ra lỗi lầm của mình. Chính các em tự hứa sẽ khắc phục và tự hoàn thiện mình”.
Bên cạnh đó, cô Trị luôn sâu sát mọi việc, đối với công tác quản lý bán trú cô rất sát sao. Cứ mỗi buổi trưa, khi học sinh đến giờ ngủ đều có các giám thị đến giám sát. Đặc biệt, chính cô là người đã nghĩ ra việc cần phải khóa những phòng học không sử dụng trong giờ trưa để tránh những sự việc không nên. Chỉ có người thấu hiểu tâm tính học sinh và có sự từng trải cô mới nghĩ ra những điều như thế. Mặt khác, lứa tuổi này học sinh cũng hay có những tình cảm mới lớn, nên cô hay chú ý các cặp đôi và từ đó hướng các em đến việc học.
Ngoài ra, về chuyện học của học sinh cô Trị cũng rất lo lắng. “Những tháng cuối để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp cô Trị là người sát cánh với tôi để tổ chức phụ đạo cho học sinh. Những ngày cuối, chúng tôi sẽ lọc ra những học sinh yếu và phân thầy cô bộ môn kèm cặp. Nhờ vậy, những năm nay tỷ lệ đậu đại học của trường là 100%. Cô Trị rất sát sao trong mọi việc. Cô là cánh tay đắc lực. Hiện tôi cũng đang lo vì cô Trị đâu có thể đi làm mãi, còn sức khỏe và gia đình. Nhưng để tìm được người như cô thì không phải dễ”, Hiệu trưởng trường Bùi Thị Xuân bày tỏ.
(PLO)- 10 năm qua, chàng kỹ sư Nguyễn Bình Nam cùng những người bạn của mình miệt mài vận động các nguồn lực để “thay áo” 13 điểm trường tạm cho trẻ em vùng cao.