Từ ngày 13/3/2011, AELB đã triển khai các nhân viên tại bốn sân bay quốc tế, gồm Kuala Lumpur, Kuching, Kota Kinabalu và Bayan Lepas, để giám sát tình hình thông qua các Cổng dò phóng xạ (RPMs) được lắp đặt từ năm 2009.
Hoạt động này được triển khai sau khi Hội đồng An ninh Quốc gia Malaysia yêu cầu AELB thực hiện việc kiểm tra nhằm đối phó với nỗi lo ngại rằng có những hành khách không biết rằng họ đã được tiếp xúc với phóng xạ khi ở Nhật Bản.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Qua kiểm tra, nếu máy dò phát hiện hành khách có phóng xạ ở mức trên 0,5µSv/giờ, họ sẽ tiếp tục được kiểm tra để xem liệu các phóng xạ phát ra từ quần áo hay từ da. Nếu quần áo bị nhiễm xạ, các hành khách sẽ được yêu cầu thay quần áo vì điều này có thể giúp giảm rủi ro lên đến 90%. Ngoài ra còn có một phòng đặc biệt để điều trị cho những hành khách như vậy.
ELBA cũng ra một tuyên bố cho biết họ đã liên tục liên lạc với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Cơ quan An toàn công nghiệp và hạt nhân của Nhật Bản (NISA) để giám sát tình hình.
Hội đồng này cũng theo dõi tình hình hàng giờ thông qua Trung tâm Hành động khẩn cấp về phóng xạ quốc gia ở Dengkil và sáu hệ thống giám sát phóng xạ môi trường được đặt tại Chuping, Ipoh, Kota Kinabalu, Kuantan, Kudat và Senai. Ghi nhận tại sáu trạm cho đến 12 giờ trưa 17/3/2011 cho thấy mức độ phóng xạ trong không khí ở Malaysia chỉ giao động từ 0,03-0,17µSv/giờ.
ELBA cũng khuyến cáo người dân ở Malaysia nên cẩn thận khi nhận được bất kỳ thông tin lan truyền từ các nguồn không chính thức như tin nhắn sms, email và mạng xã hội (facebook, twitter) vì các thông tin đó có thể không chính xác và gây nhầm lẫn hay lo lắng cho mọi người.
Theo Xuân Triển (Vietnam+)