Hủy tiền mặt để chống tham nhũng, được-mất sao?

(PLO)- Ấn Độ cho hủy 2 tờ tiền có mệnh giá cao để chống tham nhũng, quyết định vừa mang đến lợi ích nhưng cũng tồn tại một số bất cập.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Để ngăn chặn các giao dịch tiền mặt không bị đánh thuế, vốn được xem là tác nhân gây ra nạn tham nhũng, tài trợ cho các nhóm khủng bố, và lưu hành tiền giả, tháng 11-2016, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố ngừng lưu hành các tờ tiền mệnh giá 500 và 1.000 rupee, theo tờ The Guardian.

“Việc trao đổi tờ tiền mệnh giá 500 và 1.000 rupee sẽ bị dừng kể từ hôm nay. Những kẻ buôn bán chợ đen và những kẻ sử dụng tiền bẩn sẽ không thể sử dụng chúng và những tờ tiền 500 và 1.000 rupee sẽ trở thành những tờ giấy vô giá trị. Những công dân kiếm tiền một cách trung thực và làm việc chăm chỉ, lợi ích của họ sẽ được bảo vệ” – ông Modi phát biểu trên truyền hình vào ngày 8-11-2016.

Hủy tiền mặt để chống tham nhũng, được-mất sao?
Tờ 500 và 1.000 rupee của Ấn Độ. Ảnh: AFP

Ông Modi nhấn mạnh rằng những công dân sở hữu tờ tiền mệnh giá 500 và 1.000 rupee không cần phải lo lắng vì họ có thể đổi tiền tại ngân hàng hoặc bưu điện, từ thời điểm đó cho đến cuối năm 2016.

“Những bước đi này là một phần trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiền bẩn và tiền giả của chúng tôi. Những công dân bình thường đang gặp khó khăn sẽ được tiếp thêm sức mạnh. Ngày mai bạn không cần phải vội vàng đến ngân hàng, bạn có 50 ngày” – ông Modi nói.

Bước đi này đã loại 86% lượng tiền đang lưu hành ở Ấn Độ và dẫn đến những thay đổi lớn đối với nước này.

Tác động ra sao đối với dòng tiền bẩn?

Các nhà kinh tế ủng hộ việc loại bỏ 2 mệnh giá tiền trên dự đoán rằng những người tích trữ tiền bẩn sẽ phải tiêu hủy số tiền họ có, vì nếu khai báo hoặc mang đi đổi tiền thì nhà chức trách có thể điều tra số tiền này. Theo kịch bản này, việc loại bỏ hai tờ tiền trên sẽ mang lại lợi ích cho Ấn Độ.

Tháng 8-2018, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) – ngân hàng trung ương của nước này – xác nhận rằng 99,3% tờ tiền mệnh giá 500 và 1.000 rupee đã được trả lại cho ngân hàng.

Song, theo tạp chí Strategy+business, hầu như vấn nạn tiền bẩn không bị dập tắt.

Những kẻ trốn thuế lớn có lẽ không cất giấu nhiều tiền mặt, mà nhiều khả năng họ giữ tiền trong bất động sản, vàng và tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ. Báo chí còn đưa tin rằng những người giàu đã bán tiền của họ cho những kẻ trung gian rửa tiền. Những kẻ trung gian này sau đó gửi tiền vào hệ thống ngân hàng thông qua tài khoản của những người Ấn Độ có thu nhập thấp.

Trong khi đó, chi phí in các tờ tiền mệnh giá thấp hơn để đổi cho người dân và quản lý hoạt động phi tiền tệ hóa đã gây tổn thất lớn cho kho bạc của ngân hàng trung ương Ấn Độ.

960x0.webp
Người dân xếp hàng gần cây một ATM sau khi Ấn Độ ban hành chính sách loại bỏ tờ 500 và 1.000 rupee ra khỏi lưu thông. Ảnh: AFP

Việc thu hồi tiền giấy mệnh giá 500 và 1.000 rupee cho thấy lập trường cứng rắn chống lại tiền bẩn, bằng cách gây khó khăn cho những kẻ gian trong việc tích trữ số tiền mặt lớn. Tuy nhiên, Ấn Độ sau đó phát hành tờ tiền 2.000 rupee và không đưa ra lời giải thích nào cho động thái này.

Chỉ trong vòng 1 tháng sau khi tờ 2.000 rupee được tung ra thị trường, nhà chức trách đã phát hiện những tờ tiền giả mang cùng mệnh giá. Điều này cho thấy mạng lưới làm tiền giả đã nhanh chóng thích nghi kế hoạch đổi tiền của chính phủ.

Kinh tế bị ảnh hưởng ra sao?

Theo đài CNN, việc loại bỏ 2 tờ tiền mệnh giá cao vào năm 2016 là một trong những động lực thúc đẩy Ấn Độ hướng đến một xã hội số hóa và không dùng tiền mặt.

Vào năm 2016, thống đốc RBI khi đó là ông Urjit Patel kêu gọi mọi người bắt đầu sử dụng các sản phẩm thay thế tiền mặt như thẻ ghi nợ và ví kỹ thuật số, cho rằng điều đó sẽ giúp Ấn Độ “đi tắt đón đầu sang một nền kinh tế ít sử dụng tiền mặt, ngang bằng với các quốc gia phát triển hơn”.

Theo đó, cuộc cách mạng thanh toán điện tử đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực biến Ấn Độ trở thành siêu cường kinh tế. Đây hiện là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Thủ tướng Narendra Modi cho biết ông muốn Ấn Độ được coi là quốc gia “phát triển” vào năm 2047.

Tuy nhiên, việc rút tiền mặt đột ngột khỏi nền kinh tế Ấn Độ mà không được bổ sung đầy đủ, kịp thời đã gây tổn hại cho các ngành nông nghiệp và công nghiệp. Nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ giảm ngay sau khi kế hoạch trên được tiến hành. Các lĩnh vực dựa vào giao dịch tiền mặt như nông nghiệp, bán lẻ, khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa bị ảnh hưởng nặng nề.

960x0 (1).webp
Nông dân là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất sau chính sách của Ấn Độ loại bỏ tờ 500 và 1.000 rupee. Ảnh: AP

Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE) ước tính có 1,5 triệu việc làm bị mất từ tháng 1 đến tháng 4-2017. Lực lượng lao động tiếp tục giảm từ 439,7 triệu trong năm tài chính 2016-2017 xuống còn 426,1 triệu trong năm tài chính 2017-2018.

Theo CMIE, những người ở độ tuổi từ 15 đến 24 bị ảnh hưởng nhiều nhất, có lẽ vì họ là thành viên tương đối mới trong lực lượng lao động và thường làm những công việc không chính thức, tay nghề thấp được trả bằng tiền mặt.

Theo RBI, tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ đã chậm lại từ 8% trong năm tài chính 2015-2016 xuống 7,1% trong năm tài chính 2016-2017, và xuống còn 6,7% trong năm tài chính 2017-2018. Tuy nhiên, sau giai đoạn này, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ có dấu hiệu khởi sắc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm