Mang đoạn chat trong công ty ra tòa

TAND TP.HCM vừa xử sơ thẩm vụ tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có liên quan đến chứng cứ điện tử. Nguyên đơn là ông K. (ngụ tại Tân Bình) kiện Công ty TNHH V. (trụ sở tại quận Phú Nhuận). Ban đầu vụ kiện được TAND quận Phú Nhuận thụ lý nhưng sau đó phải chuyển lên Tòa TP do người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là một công ty tại Singapore.

Lập vi bằng các chứng cứ chat

Ông K. kiện cho rằng Công ty V. đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật nên yêu cầu được nhận lại làm việc cũng như trả lương và bồi thường các khoản hơn 410 triệu đồng.

Ngược lại, Công ty V. cho là ông K. đã tự ý chấm dứt hợp đồng lao động mà không báo trước. Tuy nhiên, bị đơn không phản tố là do ông K. làm việc không đạt yêu cầu, việc ông nghỉ làm là phù hợp với ý muốn của công ty. Đồng thời ông K. cũng đã bàn giao đầy đủ tài sản, tài liệu của công ty.

Đáng chú ý là trong quá trình giải quyết vụ án, ông K. cung cấp cho tòa một đĩa CD chứng minh cho yêu cầu khởi kiện. Trước đó ông K. cũng đã nhờ văn phòng thừa phát lại lập vi bằng với các chứng cứ ông đã chụp lại từ màn hình điện thoại và máy tính khi chat với ông N. (người nước ngoài, là quản lý điều hành) và ông B. (người nước ngoài, đại diện theo pháp luật công ty) qua ứng dụng WhatsApp cung cấp cho tòa án. WhatsApp là một ứng dụng nhắn tin nhóm của công ty nhưng các bản chat gốc không còn.

Tại tòa, luật sư bảo vệ cho công ty phân tích về tin nhắn trao đổi qua lại giữa đại diện công ty ngày 10-7-2017. Ông K. nói rằng các trao đổi qua lại trên điện thoại bằng ứng dụng WhatsApp, trong đó điện thoại ông K. được sử dụng trực tiếp. Tuy nhiên, tài liệu được ông K. lập vi bằng và cung cấp bản dịch chỉ đơn giản là màn hình chụp các đoạn trao đổi qua lại, không rõ nguồn gốc truy xuất và không rõ thông tin các bên tham gia trao đổi. Theo luật sư, chứng cứ này không đủ căn cứ để xem xét.

Về chứng cứ chat, ông N. (được xác định là người làm chứng) trình bày: Ngày 10-9-2017, ông K. nói với ông rằng sẽ bàn giao công việc và tài liệu ngày hôm sau, nhắn thông qua ứng dụng nhắn tin WhatsApp. Những chứng cứ này còn lưu trữ trong điện thoại và laptop của ông B. nhưng vì thời gian đã lâu, các tin nhắn đã trôi đi, tìm lại rất khó khăn.

Viện bảo tham khảo, tòa bác

Tại tòa, đại diện VKS cho rằng các bên cung cấp chứng cứ gồm hình ảnh chụp lại các email trao đổi giữa người đại diện theo pháp luật của công ty, người quản lý và ông K. Việc thu thập các email này chưa tuân thủ đúng trình tự thu thập chứng cứ theo BLTTDS, nên không được xem là chứng cứ mà chỉ dùng để tham khảo.

HĐXX xét các bên cung cấp chứng cứ (kể cả đã lập vi bằng) là hình ảnh mà các bên cho rằng chụp lại các email, các đoạn chat trao đổi giữa người đại diện theo pháp luật của công ty, người quản lý điều hành và ông K.

Tuy nhiên, chứng cứ này không có giá trị theo quy định. Bởi chứng cứ này muốn có giá trị thì phải là chứng cứ gốc, có thể được lưu trữ và có thể truy cập được. Trong trường hợp chứng cứ được in ra thành văn bản và có dữ liệu gốc được lưu trữ trong CD, USB kèm đường dẫn để truy cập khi cần thiết. Nếu là email cá nhân thì thông điệp dữ liệu phải được bảo toàn nguyên vẹn trong hộp thư.

Theo HĐXX, căn cứ theo Điều 95 BLTTDS về chứng cứ, các điều của Luật Giao dịch điện tử và Luật Công nghệ thông tin thì có cơ sở để xác định các hình ảnh ông K. nộp không được công nhận là chứng cứ.

Từ đó HĐXX cho rằng không có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông K. đòi Công ty V. nhận lại làm việc, trả lương và bồi thường hơn 410 triệu đồng. Công ty không có yêu cầu phản tố đối với việc ông K. đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật nên HĐXX không xem xét.

Khi nào chứng cứ điện tử có giá trị?

Tôi đồng tình với nhận định của HĐXX trong vụ án này về việc đánh giá chứng cứ điện tử. Bởi luật thừa nhận các loại chứng cứ điện tử như thư điện tử (mail), điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác như chat… Nhưng Luật Giao dịch điện tử cũng quy định chặt chẽ chứng cứ dạng này chỉ có giá trị như bản gốc khi đáp ứng được các điều kiện là có thể truy cập được khi cần thiết.

Cụ thể, chứng cứ chat, email được xem là toàn vẹn khi nội dung đó chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị. Nội dung của chứng cứ có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết. Các chứng cứ này chỉ có giá trị khi nó đáng tin cậy, tức là nó được lưu trữ và có thể được truy cập để tham chiếu khi cần thiết. Nội dung của các chứng cứ dạng email, chat được lưu trong chính khuôn dạng mà nó được khởi tạo, gửi, nhận hoặc trong khuôn dạng cho phép thể hiện chính xác nội dung...

Luật sư NGUYỄN NGỌC TÚY LINH, Đoàn Luật sư TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới