Mới đây, Tại Phan Thiết xảy ra vụ hàng chục con hụi đã mang quan tài đến chợ Phú Thủy (Phan Thiết) đặt trước tiệm tạp hóa của chủ hụi, dán hình ảnh người chủ hụi này lên quan tài, dán cả cáo phó rồi thắp nhang, rải tiền vàng mã trước cửa tiệm để yêu cầu trả tiền hụi.
Trước vụ việc trên, một số bạn đọc đặt câu hỏi thắc mắc hành vi dán hình ảnh người khác lên quan tài, dán hình ảnh cáo phó để đòi nợ có thể bị xử lý hình sự không?
Luật sư Trần Ngọc Quý, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời: Theo quy định pháp luật, nếu giữa các bên có tranh chấp nợ thì tiến hành việc khởi kiện dân sự ra Tòa án Nhân dân có thẩm quyền để được thụ lý giải quyết theo quy định pháp luật.
Việc đòi nợ gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ tiến hành lập biên bản ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc khởi tố vụ án hình sự gây rối trật tự công cộng.
Đồng thời, nếu cơ quan chức năng có thẩm quyền điều tra xét thấy có đủ dấu hiệu, yếu tố cấu thành tội thì khởi tố theo quy định pháp luật.
Nếu ở mức độ hình sự thì theo Điều 318 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017), có quy định “Tội gây rối trật tự công cộng” với mức xử phạt cụ thể như sau:
Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm.