Vụ hai ngư dân bị các đồng nghiệp và con trai chủ tàu cá đánh đập dã man trên biển vừa được Công an huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau khởi tố vụ án hành hạ người khác để điều tra. Đây là động thái rất kịp thời của công an ngay sau khi clip vụ này xuất hiện trên mạng xã hội và báo chí vào cuộc phản ánh.
Trước đó, ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí và xem các clip vụ tra tấn, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo công an tỉnh này làm rõ, báo cáo bằng văn bản cho tỉnh trước ngày 21-11. Và kết quả (bước đầu) là công an đã khởi tố vụ án.
|
Nạn nhân Trương Văn Trung khi bị tra tấn trên biển. Ảnh cắt từ clip |
Sẽ có nhiều câu hỏi “vì sao” trong vụ án này: Vì sao hành vi hành hạ làm hai người gãy tổng cộng năm chiếc răng (một người bốn chiếc, người còn lại một chiếc); bị rách tai, thương tích đầy người như thế và đã được hai nạn nhân trình báo từ tháng 5-2022 nhưng công an không có động thái tố tụng chính thức nào? Vì sao công an không giám định thương tật của nạn nhân để có căn cứ xác định là vụ án có khởi tố theo yêu cầu của bị hại hay không?
Và nếu đơn vị tiếp nhận tố giác ban đầu đánh giá rằng tỉ lệ thương tật chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự tội cố ý gây thương tích thì tại sao họ không xem xét vụ việc theo tội danh hành hạ người khác cho đến khi mạng xã hội đăng tải clip và báo chí thông tin?...
Theo quy định, thời hạn tối đa giải quyết tin báo tố giác tội phạm là bốn tháng nhưng trong trường hợp này, vụ án đã gần nửa năm.
Trở lại vụ án, từ sáu tháng trước, hai nạn nhân tố giác ở Công an thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời về hành vi của những người trên tàu cá, họ không yêu cầu xử lý hình sự mà chỉ yêu cầu bồi thường. Có lẽ đây là lý do để công an chưa có động thái tố tụng chính thức nào cho đến khi… xảy ra việc clip phát tán trên mạng xã hội. Cũng cần nhắc lại rằng trong thời gian này, công an đã ba lần yêu cầu những người trên tàu vào bờ để xác minh nhưng họ không có mặt.
Theo Thông tư 28/2020/TT-BCA ngày 26-3-2020 (về trình tự, thủ tục tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo tội phạm) của Bộ Công an thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý tin báo tội phạm từ các nguồn: Báo chí, tố giác của cá nhân, tổ chức, điện thoại, email, thư… Kèm với đó là trình tự, thủ tục vô cùng chặt chẽ nhằm nhanh chóng xử lý các hành vi phạm tội, không bỏ lọt tội phạm cũng như không làm oan người vô tội.
Trong Thông tư 28/2020, Bộ Công an quy định rõ về thời hạn, thủ tục xác minh tin báo, phối hợp… của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, thông tư này chưa đề cập đến nguồn tin báo là “thông tin trên mạng xã hội”. Trong khi đó, với vụ án hành hạ người khác ở Cà Mau, công an khởi tố là từ nguồn tin tố giác của bị hại, báo chí và chắc rằng các cơ quan tố tụng có tham khảo các clip trên mạng xã hội nhưng không thể đưa tình tiết “clip trên mạng” vào làm căn cứ để khởi tố vụ án.
Có nhiều luật, văn bản pháp luật xem mạng xã hội là một “nguồn” để xác minh, xử lý các hành vi vi phạm, từ hành chính đến hình sự. Nhưng để chính thức xem “thông tin trên mạng xã hội” là nguồn tin báo tố giác tội phạm và đưa nó vào quy trình tiếp nhận, giải quyết theo trình tự chặt chẽ thì Thông tư 28/2020 chưa đề cập.
Đành rằng mạng xã hội là không biên giới, nhiều thông tin hỗn tạp, khó xác minh nhưng không phải là không thể. Với những thông tin rõ ràng, xác định được như trong vụ án hành hạ người khác ở Cà Mau, thì clip là nguồn rất quan trọng để xử lý những người liên quan về hành vi hành hạ người khác.
Với tính phổ biến và không kém phần chân thực của mạng xã hội hiện nay trong đời sống thông tin, việc bổ sung “thông tin trên mạng xã hội” vào quy định làm nguồn căn cứ để tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo tội phạm có thể sẽ góp phần giúp cơ quan chức năng xử lý nhanh chóng, kịp thời các hành vi vi phạm, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tố tụng nơi diễn ra tội phạm. Điều này còn giúp người dân ý thức hơn nữa về quyền và nghĩa vụ của mình khi đăng tải thông tin trên tài khoản mạng xã hội của mình.
Công an đã khởi tố vụ án ở Cà Mau, dù muộn nhưng cũng giải tỏa được sự bức xúc của dư luận khi xem clip cũng như đảm bảo yếu tố không bỏ lọt tội phạm của cơ quan chức năng.