Mạnh tay với thực phẩm bẩn

Thời gian gần đây, hàng loạt thông tin về việc chất cấm được trộn vào thức ăn chăn nuôi, trái cây được ngâm vào hóa chất, chất kích thích được phun, tưới vào rau quả… khiến người tiêu dùng (NTD) thật sự hãi hùng. Người dân không nhận biết được đâu là thực phẩm an toàn để lựa chọn, cơ quan chức năng thì lâu lâu mới bắt được vài vụ vi phạm. Trong khi đó, người nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh thì bất chấp sức khỏe, mạng sống của NTD, lén lút sử dụng chất cấm, chất độc hại. Vì vậy, chất độc cứ len lỏi vào từng góc bếp, bữa ăn của người Việt khiến con người ta có nguy cơ chết mòn.

Trung tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), dẫn nguồn từ các nhà khoa học báo động về số người bị ung thư tại Việt Nam tăng nhanh. Riêng năm 2014 đã có 82.000 người tử vong vì ung thư. Trong đó, nguyên nhân về môi trường, an toàn thực phẩm… là 75%. Ở thời điểm hiện nay, khi phát hiện người sử dụng chất cấm vẫn không thể xử lý hình sự. Nếu xử lý hành chính, phạt thật nặng thì chỉ xử lý phần ngọn.


Nguy cơ ung thư có thể đến từ nguồn thực phẩm bẩn trong bữa ăn hằng ngày. Ảnh: AT

Sau những vụ phát hiện cơ sở chăn nuôi chứa chất cấm, người trồng trọt pha thuốc diệt cỏ để ngâm chuối, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát - tư lệnh ngành nông nghiệp từng phải thốt lên rằng hành động của con người quá tàn độc.

Niềm tin của NTD đang bị xói mòn, còn các cơ quan chức năng thì vẫn chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn “thảm họa” thực phẩm bẩn, không an toàn. Các đại biểu Quốc hội cứ chất vấn về an toàn vệ sinh thực phẩm, các bộ, ngành cứ “quyết tâm”, còn người vi phạm thì vẫn ngang nhiên sử dụng chất cấm.

Phải có biện pháp hữu hiệu nào để chặn đứng “thảm họa” thực phẩm độc hại chứ?

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, khẳng định phải đưa ngay vào BLHS và xem việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là hành vi vi phạm luật hình sự. Còn Bộ trưởng Cao Đức Phát thì phát biểu trên báo chí: “Phải coi nó là tội phạm thì mới đưa vào BLHS được, đồng thời phải xử thật nặng thì mới may ra chặn đứng được nạn sử dụng chất cấm”.

Bệnh viện ung thư tiếp tục mọc lên, tăng cường thêm nhiều bác sĩ, giường bệnh để chữa trị cho bệnh nhân. Hàng trăm nhà hảo tâm trong và ngoài nước chung tay giúp đỡ những bệnh nhân nghèo ung thư nhưng cho dù có vận động mở rộng, thậm chí thêm nhiều bệnh viện ung thư nữa cũng không thể nào chữa trị hết nếu thực phẩm không an toàn vẫn tràn lan trên thị trường. Nhiều gia đình nghèo ở các vùng nông thôn bất lực khi biết mình bị ung thư không có tiền chạy chữa. Những người giàu có, đóng góp lớn lao cho xã hội cũng chết vì ung thư. Người Việt bao giờ sẽ tỉnh ngộ, bao giờ mới thôi đầu độc đồng bào mình?!

Người tiêu dùng cũng có lỗi

Lỗi của NTD đa phần xuất phát từ nguyên nhân thiếu hiểu biết, từ đó có những “đòi hỏi” vô lý khiến người sản xuất, cung ứng phải chạy theo thị hiếu. Trong nhiều trường hợp, quy trình trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất thông thường không thể đáp ứng sản phẩm theo thị hiếu NTD, người ta chuyển sang sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại để chiều chuộng “thượng đế”.

Chẳng hạn uống cà phê thì muốn cà phê có màu nâu đen và phải đắng; vậy là có ngay cà phê độn bắp rang cháy cộng chất tạo đắng, thậm chí tạo hương vị… cà phê. Ăn bún thì muốn bún phải dai, màu phải trắng trong; vậy là người ta pha chất “tắm trắng” bún, bỏ thêm hàn the để cho bún dẻo, dai…

Sau một thời gian, thói quen tiêu dùng quay qua dẫn dắt thói quen cung ứng. Nhà cung ứng cứ thế nhắm mắt lao theo dù không ít người biết rõ hành vi của mình có thể gây hại cho NTD. Đến lượt mình, NTD - cho dù có khôn ngoan - cũng không thể nào nhận biết đâu là sản phẩm chứa chất độc hại, đâu là sản phẩm an toàn. Ra chợ, tất cả đều như “người mù” trước “thiên la địa võng” thực phẩm…

HOÀNG VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm