Trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế-xã hội, chiều 8-12, kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa VIII, nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân được các đại biểu (ĐB) mổ xẻ. Nổi lên là những lo lắng và băn khoăn về tình trạng kẹt xe, ngập nước, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Xem lại hiệu quả các công trình chống ngập
Trong nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội năm 2016, tờ trình của UBND TP.HCM đưa ra 12 chỉ tiêu chủ yếu nhưng không có chỉ tiêu liên quan đến ngập nước, ùn tắc và TNGT. Đó là điều mà các ĐB băn khoăn.
ĐB Vương Đức Hoàng Quân đặt vấn đề: Có bốn chỉ tiêu mà người dân TP rất quan tâm là giảm ngập nước, khối lượng vận tải hành khách công cộng, số vụ ùn tắc giao thông, số người chết và số người bị thương do TNGT. “Nhưng trong các chỉ tiêu năm 2016 chúng ta đều rút ra, tôi nghĩ hết sức cân nhắc vì đây là những điểm người dân hết sức quan tâm, nếu rút ra thì cần có sự giải thích cho thỏa đáng” - ông Quân nói.
Đồng quan điểm, ĐB Dương Văn Nhân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, cho rằng trong nghị quyết HĐND TP nhiều năm trước, liên quan một số công trình chống ùn tắc giao thông và chống ngập úng, khi trình bày các dự án chống ngập thì các sở, ngành có nói đến năm 2013 tình trạng ngập úng sẽ chấm dứt nhưng đến nay vẫn còn ngập. “Đề nghị các cơ quan chức năng TP kiểm tra tính hiệu quả của các dự án” - ông Nhân đề nghị.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín trao đổi bên hành lang kỳ họp. Ảnh: HOÀNG GIANG
ĐB Từ Minh Thiện nêu theo báo cáo kết quả thì các chỉ tiêu như giảm số vụ ùn tắc giao thông, giảm số người chết và bị thương do TNGT và việc chống ngập đều đạt. “Chúng ta nên xem lại vì chúng ta thấy chỉ riêng vấn đề ngập thì gần đây có đến 3-4 vụ ngập rất lớn mà trong báo cáo nói là đạt thì không đúng. Ùn tắc giao thông cả tiếng ở Hàng Xanh, ở quận 6 mà nói đạt thì rất khó nói với cử tri” - ông Thiện băn khoăn. Theo ông Thiện, vấn đề ùn tắc giao thông phải được giải quyết dứt điểm vì chi phí giảm ùn tắc giao thông ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của TP, giảm thu hút đầu tư, ảnh hưởng đến cả môi trường, giáo dục, sức khỏe của người dân.
ĐB Huỳnh Công Hùng cho rằng chống ngập làm chưa tốt, chưa hiệu quả và bền vững. “Nguyên nhân khách quan do trời cũng có, nguyên nhân chủ quan cũng có nhưng do tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, quản lý chồng chéo cũng có... Do đó tới đây phải làm mạnh hơn nữa, để làm sao gom các đầu mối lại như thủy lợi, nông nghiệp, thoát nước, xây dựng,... để chống ngập tốt hơn” - ông Hùng đề nghị.
Những ý kiến băn khoăn trên, hôm nay (9-12) trong phiên thảo luận tại hội trường, các cơ quan chức năng sẽ giải trình.
Nóng chuyện an toàn thực phẩm
Bên cạnh đó, rất nhiều ĐB quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Người tiêu dùng hiện không thể nào phân biệt được thực phẩm sạch và thực phẩm bẩn (có nhiều dư lượng thuốc trừ sâu và các loại hóa chất) nên rất lo lắng, bất an cho bữa ăn hằng ngày.
ĐB Nguyễn Thành Nhân (Bình Tân) đồng thời cũng là đại diện của hệ thống siêu thị Co.opmart cho biết một trong những giải pháp để kiểm soát chất lượng VSATTP là phải tạo ra nguồn hàng an toàn và có thể truy xuất được nguồn gốc từ nơi sản xuất đến điểm bán. Theo ĐB Nhân, Co.opmart đã chú trọng đến vấn đề này thông qua các nhà cung cấp có thương hiệu VietGAP, GlobalGAP hoặc các hợp tác xã. Quy trình nhận hàng vào siêu thị này được kiểm tra nghiêm ngặt từ nơi sản xuất, nhà máy (nhà kho) và điểm bán. “Việc kiểm tra nghiêm ngặt này tuy không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối nhưng đã hạn chế được sản phẩm không an toàn” - ĐB Đoàn Văn Thanh (Cần Giờ) nhận xét.
Ông Nhân đưa ra ba giải pháp: Nhà nước cần công bố danh sách các điểm bán và danh sách các sản phẩm đạt chuẩn; kiểm soát và phát triển nguồn hàng; thường xuyên rà soát các điểm chăn nuôi, sản xuất. Cùng với đó, có thể trang bị các thiết bị kiểm tra nhanh tại điểm bán và mời người dân cùng tham gia kiểm tra tại nguồn.
Lý giải các lo lắng của ĐB, bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng phòng Quản lý ATTP, Chi cục Bảo vệ thực vật, khẳng định hiện nay lương thực, thực phẩm của TP có thể đảm bảo chất lượng. Bà Thoa chứng minh từ đầu năm đến nay, trong 1.000 mẫu lấy từ nơi sản xuất về kiểm tra thì chỉ có tám mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Các loại thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn cũng hoàn toàn bằng tiếng Việt và nông dân thì thường xuyên được tập huấn. Ngoài ra, bà Thoa đề nghị cơ quan chức năng cần tập trung vào nguồn hàng từ ngoại tỉnh để đảm bảo an toàn.
TP.HCM xử bốn án tham nhũng lớn trước đại hội Đảng Báo cáo trước HĐND TP.HCM về công tác xét xử năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016, bà Ung Thị Xuân Hương - Chánh án TAND TP cho biết lượng án thụ lý năm 2015 tuy có giảm nhưng các vụ án có tính chất phức tạp xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là các án dân sự và kinh doanh thương mại. Theo bà Hương, trong năm 2015 TAND TP.HCM đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn như Lê Trung Huy, Phạm Trường Thành tham ô tài sản, vụ án Trần Duy Long và đồng phạm. “Đặc biệt, được sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng TAND Tối cao và Thành ủy TP.HCM, TAND TP.HCM phải giải quyết bốn án tham nhũng trước Đại hội Đảng toàn quốc. Tính đến thời điểm hiện nay đã xét xử xong hai vụ, một vụ đang xét xử từ ngày 8 đến 11-12 và một vụ sẽ xét xử từ ngày 15 đến 21-12 năm nay” - bà Hương nói. Bà Hương cũng khẳng định năm 2015 trên địa bàn TP.HCM không có vụ án hình sự quá thời hạn xét xử chưa được giải quyết, không có bị cáo quá thời hạn tạm giam chưa được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, thời gian qua có một số vụ án phức tạp nên tòa phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần do quá trình điều tra chưa đầy đủ. Mặt khác, nhiều vụ án liên quan đến ma túy cũng phải trả hồ sơ điều tra để giám định hàm lượng chất ma túy theo quy định. Về công tác giải quyết án quá hạn, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, ban lãnh đạo TAND TP đã đề ra nhiều biện pháp quyết liệt để giải quyết triệt để, đồng thời đôn đốc, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện. Do đó trong năm 2015, TAND hai cấp đã giải quyết 2.581 vụ án tồn đọng, quá hạn. TÁ LÂM - LÊ THOA |