Trung Quốc tổ chức mạng lưới tàu cá giữ vai trò dân quân biển hoạt động trong thời bình cũng như lúc xảy ra xung đột vũ trang.
GS James Kraska, Giám đốc Trung tâm Stockton về nghiên cứu luật pháp quốc tế (ĐH Chiến tranh hải quân Mỹ), tiếp tục nêu lên vấn đề dân quân biển Trung Quốc trên tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 10-8.
Ông ghi nhận dân quân biển Trung Quốc đã đặt ra nhiều thách thức về tác chiến, pháp lý và chính trị.
Lực lượng này sẽ trở thành đạo quân không thường trực hỗ trợ cho hải quân với số lượng nhiều mà lại ít tốn kém hơn.
Nếu xảy ra khủng hoảng trên biển, về pháp lý, lực lượng dân quân biển không có cơ sở vững chắc để can thiệp.
Tuy nhiên, một công trình nghiên cứu mới đây với tựa đề “Luật chiến tranh hải quân và dân quân biển Trung Quốc” của ĐH Chiến tranh hải quân Mỹ đã nhận định: Dân quân biển Trung Quốc đã xóa đi ranh giới phân biệt lâu nay giữa tàu chiến và tàu dân sự.
Dân quân biển Trung Quốc lợi dụng luật để gây nguy hiểm cho ngư dân các nước. Ảnh: REUTERS
Trong tác chiến, luật chiến tranh hải quân đã quy định phải bảo vệ tàu đánh cá bị bắt giữ hay bị tấn công trong xung đột vũ trang.
Sử dụng tàu đánh cá như lực lượng hỗ trợ hải quân đã vi phạm nguyên tắc phân biệt vốn là một nguyên tắc then chốt trong luật pháp quốc tế về nhân đạo.
Mục đích của nguyên tắc phân biệt là bảo vệ dân thường và tài sản của họ trong chiến tranh. Thế nhưng dân quân biển Trung Quốc đã gây nhiễu trong phân biệt giữa tàu đánh cá và tàu chiến.
Năm 1974, lực lượng tàu cá Trung Quốc đã từng tham gia vào hải chiến Hoàng Sa đồng thời cản trở quyền tự do đi lại của tàu chiến Mỹ.
Tháng 5-2008, các tàu cá của dân quân biển đã vận chuyển đạn dược và xăng dầu cho hai tàu chiến gần tỉnh Chiết Giang.
Tại Trung Quốc, các ngư dân đã học huấn luyện quân sự và bồi dưỡng chính trị để sẵn sàng bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc trên biển.
Các tàu cá của dân quân biển được trang bị thiết bị điện tử hiện đại với hệ thống thông tin liên lạc và radar đủ sức liên lạc với các cơ quan khác như cảnh sát biển. Nhiều tàu có trang bị thiết bị vệ tinh có thể theo dõi và định vị tàu thuyền, tiếp nhận và báo cáo thông tin tình báo.
Đây là một ví dụ vạch trần “cuộc chiến pháp lý” mà Trung Quốc đang tiến hành để đảo lộn các khái niệm và tiến trình pháp lý.
Dân quân biển Trung Quốc đã lợi dụng luật để gây nguy hiểm cho dân thường trong khi luật được đặt ra để bảo vệ dân thường.
GS James Kraska kết luận Mỹ và các đồng minh sẽ rất khó khăn khi vận dụng nguyên tắc phân biệt để khỏi gây phương hại đến tàu cá Trung Quốc. Trong khi đó, phân biệt giữa tàu cá bình thường và tàu cá của dân quân biển Trung Quốc thực sự là điều không thể. Lý do vì số tàu cá quá nhiều, biển quá rộng và Mỹ cũng không đủ thiết bị phát hiện.
Nếu tàu cá của dân quân biển bị phá hủy trong xung đột, Trung Quốc sẽ lấy đó làm át chủ bài trong đấu tranh chính trị và ngoại giao.
- Trong chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ (năm 1898), hải quân Mỹ đã bắt giữ hai tàu cá Paquete Habana và Lola của Cuba. Đến tháng 1-1990, tòa án tối cao Mỹ phán quyết phải thả tàu. Tòa nhận định từ nhiều thế kỷ nay, các tàu cá không được xem như chiến lợi phẩm. - Ngày 29-7, tại cuộc hội thảo ở Trung tâm Phân tích hải quân (Mỹ), học giả Trương Hồng Châu thuộc Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore) đã cảnh báo: Trung Quốc dự tính sẽ cấp tàu cá cho dân quân biển và triển khai ra quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 200.000 tàu cá của Trung Quốc là đội tàu lớn nhất thế giới, sử dụng đến 14 triệu người, tức 25% tổng số lao động. Lực lượng to lớn này đã hoạt động phối hợp với quân đội để thực hiện các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông. GS JAMES KRASKA |