Hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông có thể gây bất ổn ở châu Á - Đô đốc John Richardson đã nhận xét tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ sáng 30-7 (giờ địa phương). Ông được tổng thống chỉ định giữ chức tư lệnh hải quân hồi giữa tháng 5.
Đô đốc John Richardson điều trần
Trang web quốc phòng Breaking Defense (Mỹ) tường thuật buổi điều trần tập trung hai vấn đề gồm biển Đông và hạt nhân.
Đầu tiên nghị sĩ Tom Cotton hỏi thẳng: “Đô đốc cho biết Trung Quốc có phải là đối thủ không?”.
Đô đốc John Richardson trình bày: Trung Quốc là một quốc gia phức tạp. Nhiều việc Trung Quốc đang làm đã có bản chất mâu thuẫn nhau, nhất là hoạt động xây dựng đảo giả danh ở biển Đông.
Ông xác định chương trình xây đảo của Trung Quốc ở biển Đông mang tính chất gây bất ổn.
Nghị sĩ Dan Sullivan nêu lên vấn đề: Quyền bay qua và quyền đi lại trên biển trong 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mới bồi đắp của Trung Quốc.
Tại hội nghị Shangri-la ở Singapore hồi cuối tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter tuyên bố “chúng ta sẽ tiếp tục bay qua, đi lại bằng tàu và hoạt động tại nơi mà luật pháp quốc tế cho phép”.
Đô đốc John Richardson điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ ngày 30-7. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Ngược lại, cách đây hai tuần, phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen, Đô đốc Harry Harris, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, lại nói chính sách của Mỹ là có giới hạn 12 hải lý quanh các thực thể ở biển Đông.
Về vấn đề này, Đô đốc John Richardson khẳng định: “Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện trong khu vực và chúng ta chỉ tôn trọng các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ hợp pháp”.
Liên quan đến thỏa thuận 123 về hợp tác hạt nhân dân dụng với Trung Quốc, ông khẳng định sẽ theo dõi chặt chẽ để bảo đảm Trung Quốc không sử dụng vào mục đích quân sự.
Tại cuộc điều trần, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện, cảnh báo Trung Quốc đang nuôi dưỡng tham vọng hàng hải ở châu Á-Thái Bình Dương.
Hai mặt của dân quân biển Trung Quốc
Trong khi đó, ngày 29-7, tại cuộc hội thảo ở Trung tâm Phân tích hải quân (Mỹ) về chủ đề tiềm lực hải quân Trung Quốc, học giả Trương Hồng Châu ở Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore) thông báo một hiện tượng mới: Trung Quốc đang xây dựng đội tàu nhà nước cho lực lượng dân quân biển và dự kiến sẽ triển khai ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tỉnh Hải Nam đã chỉ đạo đóng 84 tàu đánh cá lớn cho cái gọi là TP Tam Sa của Trung Quốc, trong đó sẽ giao 10 tàu trong năm 2015 và đội tàu hiện có bốn chiếc.
Tạp chí The Diplomat (Nhật) ghi nhận đây là lần đầu tiên dân quân biển có đội tàu riêng.
Năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm thị trấn đánh cá Đàm Môn (đảo Hải Nam) và chỉ đạo: Dân quân biển không chỉ đánh cá mà còn phải thu thập thông tin hải dương và ủng hộ xây dựng đảo, đá phù hợp với lợi ích của Trung Quốc trên biển Đông.
Học giả Trương Hồng Châu giải thích Trung Quốc lập đội tàu cá riêng cho dân quân biển nhằm mục đích củng cố yêu sách chủ quyền, khai thác ngư trường và vì không còn kiểm soát được ngư dân nữa.
Ngư dân đã từng nghe lời nhà nước tham gia công vụ như bảo vệ giàn khoan lúc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam nhưng họ nhận được tiền công quá tệ nên lơ luôn.
Mặt trái của lực lượng dân quân biển là làm gia tăng căng thẳng khu vực và lợi ích của Trung Quốc sẽ bị thiệt hại.
Lực lượng này có thể dùng vỏ bọc yêu nước để hoạt động bất hợp pháp như hủy hoại san hô, đánh cắp nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng, gây rối ảnh hưởng đến ngoại giao.
Thủ tướng Nhật bảo đảm không bắt buộc nhập ngũ - Tân Hoa xã đưa tin ngày 30-7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc chẳng những tố Mỹ quân sự hóa biển Đông mà còn chỉ trích một số nhà chính trị Nhật nhiều lần sử dụng mối đe dọa Trung Quốc để thúc đẩy thông qua dự luật về an ninh quốc gia. Người phát ngôn khăng khăng cho rằng Trung Quốc khai thác dầu khí trên biển Hoa Đông là vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc. Người phát ngôn cũng thông báo Trung Quốc và Nga sẽ tập trận từ ngày 20 đến 28-8 trên vịnh Peter Đại Đế, vịnh lớn nhất trên biển Nhật Bản. Mục đích nhằm “cải thiện năng lực đối phó với các mối đe dọa an ninh hàng hải”. Trong các bài tập có phối hợp chống tàu ngầm, chống tàu và phòng không. Trung Quốc sẽ đưa bảy tàu và năm máy bay tập trận. Hồi tháng 4, Trung Quốc và Nga đã tập trận trên Địa Trung Hải. - Liên quan đến hai dự luật về an ninh quốc gia đã được Hạ viện Nhật thông qua ngày 16-7, báo Asahi Shimbun (Nhật) đưa tin hôm 30-7, Thủ tướng Shinzo Abe đã giải trình về hai dự luật tại Ủy ban đặc biệt về an ninh của Thượng viện. Trả lời nghị sĩ Masamune Wada (đảng Các thế hệ tương lai), ông nêu lên các ví dụ về phòng vệ tập thể như bảo vệ tàu Mỹ ở bán đảo Triều Tiên, phá mìn ở eo biển Hormuz (nguồn cung cấp dầu thô cho Nhật), gỡ mìn ở biển Đông. Ông bảo đảm Nhật không bao giờ bắt buộc nhập ngũ vì như vậy là vi phạm hiến pháp. Ông giải thích các dự luật về an ninh nhằm bảo đảm cho Nhật thực hiện quyền phòng vệ tập thể, củng cố tiềm lực trả đũa nhằm bảo vệ nhân dân chứ không phải luật thời chiến như các đảng đối lập chỉ trích. ________________________________________ 3 điều kiện để Nhật áp dụng quyền phòng vệ tập thể gồm: (1) Một quốc gia nước ngoài có quan hệ chặt chẽ với Nhật bị tấn công vũ trang, đe dọa sự sống còn của Nhật, dẫn đến nguy cơ hiển nhiên cho quyền được sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc của dân; (2) không còn cách nào ngoài sử dụng vũ lực để giúp đỡ quốc gia nêu trên; (3) sử dụng vũ khí ở mức độ tối thiểu. |