Đánh giá về tầm quan trọng của các yếu tố ESG (bao gồm môi trường, xã hội và quản trị) đối với bất động sản, ông Tom Whittington, Giám đốc Nghiên cứu bán lẻ Savills Anh Quốc cho biết: "Hiện nay ngày càng nhiều chủ đầu tư trên khắp thế giới đưa ESG trở thành yếu tố trọng tâm trong chiến lược phát triển dự án kinh doanh của họ.
Nếu chủ đầu không thực hiện các hoạt động ESG, giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thậm chí, trong tương lai nếu các doanh nghiệp không đặt ESG là vấn đề ưu tiên còn có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và nhóm người dùng cuối, từ đó gây kìm hãm sự tăng trưởng."
Thực tế cho thấy thời gian qua lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các lĩnh vực xanh, các ngành và lĩnh vực thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải nhà kính…
Tính đến 30-6 vừa qua, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỉ đồng, chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 7,08% so với năm 2021.
Trung tâm mua sắm Castlegate ở Stockton, Anh được dỡ bỏ để thay thế bằng một công viên bên bờ sông cho người dân thành phố. Nguồn: Stockton-on-Tees Borough Council/Ryder |
Theo khảo sát của Savills, các chủ trung tâm bán lẻ lớn đạt được các tiêu chuẩn bền vững hoạt động tốt hơn tài sản thông thường.
Thị trường ghi nhận chi phí dành đầu tư cho công nghệ xanh tăng đã và đang tăng lên. Do đó, nếu những mặt bằng không đạt được chuẩn về môi trường có thể sẽ khó thu hút được khách hàng đến thuê. Nói cách khác, những dự án không chịu thay đổi có khả năng sẽ bị bỏ lại phía sau.
Nâng cao giá trị bất động sản
Vậy câu hỏi đặt ra là các dự án bán lẻ cũ làm thế nào để thu hút nhà đầu tư và người tiêu dùng? Chuyên gia nghiên cứu bán lẻ Savills chỉ ra một số giải pháp cho các chủ nhà.
Thứ nhất là cần thực hiện giảm mức tiêu thụ năng lượng. Chỉ cần giảm 20% năng lượng tiêu thụ sẽ giúp tổng doanh thu tăng thêm 5%. Cách làm này vừa có lợi về mặt tài chính vừa tác động tích cực lên môi trường.
Thứ hai, những trung tâm bán lẻ cần linh hoạt và chủ động hơn trong việc tìm kiếm vật liệu thay thế, tái sử dụng cũng như ứng dụng các phương pháp xây dựng giúp giảm lượng phát thải carbon và kéo dài tuổi thọ của công trình.
Thứ ba, mỗi không gian bán lẻ không nhất thiết chỉ dành cho bán lẻ mà cần có nhiều mục đích sử dụng khác nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, người lao động cũng như dân cư của khu vực đó. Vận hành đa mục đích giúp tăng sự bền vững, doanh thu ổn định cũng như nhiều không gian hấp dẫn.
Thứ tư, bất động sản bán lẻ khu trung tâm đô thị lớn mang lợi ích đặc biệt trong việc nâng cao giá trị xã hội và có tác động tích cực trong việc thu hút người tiêu dùng trung thành.
Để chứng minh nhận định này, ông Tom Whittington đưa dẫn chứng Trung tâm mua sắm Funan ở Singapore được phát triển đa mục đích sử dụng với kết quả vận hành ấn tượng.
Funan có không gian phục vụ bán lẻ, sinh hoạt, làm việc và các hoạt động cộng đồng. Bên cạnh đó, dự án này cũng được áp dụng nhiều biện pháp xanh trong thiết kế để giảm phát thải carbon, tái tạo năng lượng, thúc đẩy đa dạng sinh học, giao thông bền vững, hệ thống mái xanh và sản xuất lương thực đô thị.
Hay như tại Trung tâm mua sắm Castlegate ở Stockton, Anh được chuyển đổi thành một công viên công cộng. Điều này cho thấy khi sự thay đổi mục đích sử dụng của các trung tâm bán lẻ tại đô thị lớn, đưa những lựa chọn phi bán lẻ vào dự án.
Việc cải thiện các khía cạnh xã hội và môi trường trong bất động sản sẽ giúp thu hút người dân và góp phần thúc đẩy những giá trị về kinh tế khác.
Tại thị trường Việt Nam, chuyên gia Savills Việt Nam đánh giá các dự án bán lẻ vẫn chưa được chủ đầu tư chú trọng về các yếu tố ESG nhiều.
“Dù chúng ta nhìn nhận vấn đề theo cách nào, càng chậm trễ trong việc cải thiện các yếu tố xanh càng khiến gánh nặng tài chính và môi trường lớn hơn trong tương lai” - ông Tom Whittington nhấn mạnh.