Bất động sản xanh: Lẫn lộn vàng thau

Những năm trở lại đây xu hướng phát triển bất động sản (BĐS) xanh, công trình xanh, kiến trúc xanh… ngày càng nở rộ. Thế nhưng số lượng dự án xanh thật sự lại không nhiều. Nhiều dự án sử dụng mác xanh, sinh thái để quảng bá, thu hút khách hàng quan tâm nhưng hoàn toàn không đạt chuẩn xanh thực sự.

Loạn dự án gắn mác xanh

Người mua nhà đang loạn với quá nhiều dự án tự gắn mác là dự án xanh, tự quảng cáo là công trình đạt chuẩn eco, thân thiện với môi trường… Các dự án được vẽ ra với những mảng xanh rộng lớn, không gian gần gũi với thiên nhiên để thu hút nhà đầu tư. Thế nhưng nhiều dự án khi thành hình lại khác xa với quảng cáo.

Anh Quốc Đạt, một nhà đầu tư BĐS, cho biết với tốc độ bê tông hóa, mật độ nhà cao tầng dày đặc như hiện nay, người mua nhà, chủ doanh nghiệp đều quan tâm đến dự án xanh. Xanh ở đây có nghĩa là không gian trong lành, nhiều cây xanh, sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường và quan trọng nhất là diện tích xây dựng phải thấp.

Trong khi đó Việt Nam gần như chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn cho BĐS xanh. Anh Đạt cho hay những dự án quảng cáo là xanh đều có giá cao hơn các dự án khác. “Tự phong là vậy nhưng khi được hỏi về tiêu chuẩn xanh thì nhân viên tư vấn chỉ nói chung chung là có nhiều cây xanh, còn kỹ thuật xây dựng, vật liệu, năng lượng thì hầu như họ không biết” - anh Đạt nói.

Hiện nay đang có bốn hệ thống đánh giá công trình xanh tại Việt Nam. Gồm có: Leed của Hội đồng công trình xanh Mỹ, Green Mark của Hội đồng công trình xanh Singapore, Lotus của Hội đồng công trình xanh Việt Nam và Edge của Tổ chức tài chính Ngân hàng Thế giới (IFC). Các hệ thống này được công nhận bởi hội đồng công trình xanh thế giới với năm tiêu chí cơ bản. Đó là vật liệu (ví dụ, vật liệu có quá trình sản xuất không gây ô nhiễm môi trường), địa điểm (cảnh quan hài hòa, bền vững), nội thất (chất liệu thân thiện môi trường như gỗ, tre, đá…), nguồn nước và năng lượng (sử dụng năng lượng tái tạo).

Tuy nhiên, các tiêu chí trên khi áp vào những dự án được quảng cáo là xanh thì có rất ít công trình đáp ứng đúng. Hiện nay các dự án đạt tiêu chuẩn đánh giá xanh như Lotus, Leed đều do các chủ đầu tư tự công nhận, các tổ chức tự đứng ra làm.

Thị trường BĐS Việt Nam đang cần có những công trình xanh thực sự. Ảnh minh họa: QUANG HUY

Cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích

Hiện nay các dự án công trình xanh chỉ chiếm 13% trong tổng các dự án xây dựng nhưng dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng BĐS xanh sẽ là xu hướng phát triển tất yếu khi đời sống người dân ngày càng tăng dần về chất lượng.

Trong bối cảnh này, doanh nghiệp địa ốc phải làm khác biệt thì mới đi được lâu dài với thị trường. Do đó những dự án công trình xanh, chú trọng vào tiện ích, sức khỏe con người và ứng phó với tác động môi trường đang trở thành mối quan tâm của thị trường. Hơn nữa Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu nên phát triển công trình xanh cũng nhằm giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của sự biến đổi này.

Mới đây Bộ Xây dựng cho biết đã chỉ đạo và Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường đang đưa vào dự thảo luật nội dung về công trình xanh để trình cấp có thẩm quyền xem xét. Hiện vụ này đang trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý cho công trình xanh để các chủ đầu tư có căn cứ thực hiện. Cùng với đó là đề xuất thực hiện chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy các nhà đầu tư tích cực tham gia phát triển công trình xanh, bảo vệ môi trường.

Theo chuyên gia BĐS Đỗ Hoàng Dương, tại Trung Quốc, các đơn vị từ sản xuất vật liệu xây dựng xanh đến đầu tư phát triển công trình xanh đều được hưởng ưu đãi về đất đai, thuế, lãi suất... Chính phủ nước này còn ban hành chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay đối với người mua nhà trong các dự án đạt tiêu chuẩn xanh. Trong khu vực ASEAN thì Singapore có nhiều quy định chặt chẽ, buộc nhà đầu tư phát triển dự án theo hướng xanh hóa, quy định cụ thể các khu vực nào chỉ được phép phát triển công trình xanh...

“Vì vậy, Việt Nam cũng cần có cơ chế khuyến khích các thành phần tham gia phát triển công trình xanh cũng như thành lập các đơn vị đánh giá, thẩm định chuyên nghiệp về chất lượng công trình theo tiêu chí xanh, bước đầu hình thành thị trường, thay đổi nhận thức để phát triển bền vững” - ông Dương góp ý.

Theo đánh giá của Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), hiện có khoảng 80/115 công trình đăng ký được cấp chứng chỉ công trình xanh. Con số này quá thấp so với hàng chục ngàn công trình lớn đã và đang đầu tư xây dựng. VNREA nhận định dù Nhà nước đã ban hành chính sách định hướng nhưng sự quan tâm của các nhà đầu tư trong việc lựa chọn công nghệ, vật liệu xanh bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu vẫn còn hạn chế. Các cơ quan chức năng cũng chưa xây dựng được hệ thống tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn như các nước để ứng dụng cụ thể nên đây chính là yêu cầu cấp thiết để thúc đẩy các chủ đầu tư chú trọng hơn loại hình này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm