Mặt bằng cho thuê: Ế nhưng giá vẫn cao

(PLO)- Dù kinh doanh khó khăn, khách thuê trả lại mặt bằng nhiều nhưng giá cho thuê mặt bằng tại TP.HCM vẫn không giảm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dịp lễ, Tết Nguyên đán cuối năm cận kề, mùa mua sắm lớn trong năm đã đến nhưng nhiều mặt bằng tại những tuyến đường khu vực trung tâm TP.HCM vẫn đang bỏ trống, treo hàng chục bảng cho thuê.

Giá thuê khu trung tâm chỉ tăng chứ không giảm

Báo cáo của đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản Cushman & Wakefield mới đây cho thấy đường Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng những đại lộ có mặt bằng đắt đỏ nhất thế giới. Mặc dù kinh doanh ế ẩm, khách trả mặt bằng nhiều nhưng giá thuê ở khu vực trung tâm vẫn có xu hướng tăng 1%-1,5%/năm.

cho thuê mặt bằng
Nhiều “mặt bằng vàng” tại TP.HCM đang bỏ trống nhiều ngày. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield, cho biết mặt bằng cho thuê tuyến đường Đồng Khởi tăng giá 17% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 40% so với trước dịch COVID-19 (năm 2019). Ngay trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các chủ nhà cá nhân vẫn muốn tăng giá cho thuê, thậm chí giá chủ nhà chào khách thuê sau còn cao hơn khách thuê trước.

Khảo sát một số tuyến đường khu vực trung tâm quận 1, quận 3 như Lê Lợi, Lý Tự Trọng, Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão, Hai Bà Trưng… PV ghi nhận có nhiều mặt bằng đang đóng cửa, dán bảng tìm khách thuê. Trong vai khách hàng, chúng tôi liên hệ chủ một mặt bằng rộng 4 m ngay đường Lê Lợi và được báo giá 120 triệu đồng/tháng. Được biết mặt bằng này năm ngoái cho thuê 100 triệu đồng/tháng và lý do tăng là vì trượt giá.

Việc trả mặt bằng là xu thế tất yếu khi làn sóng kinh doanh online tăng lên, đặc biệt ở lớp doanh nhân trẻ.

“Đúng ra phải ký hợp đồng năm năm nhưng tình hình kinh tế khó khăn nên tôi xem xét cho ký ba năm, đặt cọc ba tháng tiền thuê” - chủ nhà thẳng thắn đưa điều kiện.

Ông Đức Duy, chủ chuỗi cà phê ở khu vực trung tâm, cho biết ông vừa trả một mặt bằng tại quận 1 vì doanh thu giảm, nếu tiếp tục sẽ lỗ. Dù ông đã thuê kinh doanh bảy năm nay nhưng chủ nhà nhất quyết không giảm giá. “Mặt bằng đó bỏ không mấy tháng nay từ khi tôi trả lại nhưng tôi được biết chủ nhà không giảm giá mà còn tăng 10%. Không chỉ giá cao, mặt bằng khu trung tâm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như khó xin giấy phép kinh doanh, giấy phép PCCC…” - ông Duy nói.

Dù vắng khách nhưng giá mặt bằng trên các con đường sầm uất như Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Lê Lợi… vẫn rất cao, dao động 5.000-30.000 USD/tháng (khoảng 120-700 triệu đồng/tháng).

Nhiều nhân viên môi giới lý giải sở dĩ giá thuê khu trung tâm đắt đỏ vì chủ sở hữu đa số là người khá giả, họ muốn giữ giá thuê xứng tầm với giá trị bất động sản và kén khách thuê lâu dài.

Sẽ tiếp tục khó khăn trong 2024

Ông Nguyễn Vũ, Giám đốc một trung tâm giao dịch bất động sản, cho biết kinh tế khó khăn, sức mua yếu khiến nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh ở TP.HCM cũng như các địa phương khác phải đóng cửa, trả mặt bằng vì không gánh nổi tiền thuê hằng tháng. Làn sóng trả mặt bằng cho thuê ở TP đã kéo dài từ đầu năm đến nay, thậm chí sẽ tiếp tục kéo dài sang nửa đầu năm 2024.

“Phải nhìn nhận những mặt hàng cao cấp như hàng hiệu cho giới nhà giàu hay hàng thủ công cho khách quốc tế thì mặt bằng trung tâm là lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, bây giờ người dân đều tiết kiệm chi tiêu kể cả người giàu. Khách quốc tế đến TP.HCM cũng không tăng nhiều nên để kiếm doanh thu cao bù đắp lại khoản thuê mặt bằng hàng trăm triệu đồng/tháng là bất khả thi” - ông Vũ phân tích.

Ông Vũ đánh giá nguồn cung mặt bằng cho thuê khu trung tâm hạn chế, chủ nhà đa phần có năng lực tài chính tốt. Mục đích sở hữu nhà mặt tiền ở trục đường chính các quận trung tâm là để giữ tài sản, khẳng định giá trị bản thân dựa vào vị trí, độ hiếm hoi của bất động sản đó nên chắc chắn năm 2024 giá thuê mặt bằng chung của thị trường khu vực các quận trung tâm TP cũng sẽ không giảm mà còn tăng nhẹ.

“Chỉ những đường gần trung tâm như khu vực các quận 3, 4, Bình Thạnh hoặc những chủ nhà đang thế chấp tài sản ngân hàng thì có thể giảm giá mặt bằng nhưng không nhiều” - ông Vũ dự báo.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng tình trạng chung nhiều mặt bằng cho thuê bỏ không là do nền kinh tế khó khăn, kinh doanh kém hiệu quả. Còn cụ thể ở quận trung tâm TP.HCM là quận 1, quận 3 thì nguyên nhân do lượng khách quốc tế chưa quay lại như trước dịch. Bên cạnh đó, tác động của lĩnh vực bất động sản ảnh hưởng tới tầng lớp trung lưu của TP.HCM. Năm 2024, nếu lĩnh vực bất động sản chưa thể phục hồi thì thị trường mặt bằng cho thuê vẫn tiếp tục khó khăn.

Ngoài ra, việc trả mặt bằng là xu thế tất yếu khi làn sóng kinh doanh online tăng lên, đặc biệt ở lớp doanh nhân trẻ. Nhu cầu mặt bằng ở những vị trí đẹp dần giảm đi và người kinh doanh đưa ra quyết định khôn ngoan hơn, chọn những mặt bằng chi phí thuê rẻ hơn và kết hợp kinh doanh trên mạng.

Văn phòng cho thuê cũng chật vật

Hãng tư vấn bất động sản Knight Frank vừa công bố số liệu quý III-2023 cho thấy thị trường văn phòng tại TP.HCM đón nhận nguồn cung mới khiến tỉ lệ trống tăng đến 18% và giá chào thuê giảm.

Trong báo cáo về thị trường văn phòng, Knight Frank cho biết giá chào thuê văn phòng hạng A (cao cấp) giảm 2,2% và hạng B (trung cấp) giảm 0,2% theo quý, tương ứng với tỉ lệ trống văn phòng hạng A cũng tăng lên 18% và hạng B là 12%. Hiện phân khúc văn phòng hạng A có tổng diện tích sàn còn trống khoảng 73.000 m2 và mức giá chào thuê trung bình 57,6 USD/m2/tháng (tương đương khoảng 1,4 triệu đồng/m2/tháng).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm