Mặt bằng, văn phòng cho thuê ế ẩm

(PLO)- Thống kê của các tổ chức nghiên cứu thị trường cho thấy xu hướng trả mặt bằng, văn phòng thuê ở TP.HCM sẽ tiếp diễn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phố kinh doanh áo cưới Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận), phố nội thất Ngô Gia Tự (quận 10) hay con đường mua bán sầm uất Hai Bà Trưng (quận 3) và cả mặt bằng trong các khu mua sắm… đều đang trong tình trạng khách thuê đua nhau trả mặt bằng vì kết quả kinh doanh không còn được như trước.

Biển cho thuê mặt bằng chi chít khắp nơi

Thời gian gần đây, khi đi qua các con đường kinh doanh sầm suất, phố mua sắm quen thuộc tại TP.HCM, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những tòa nhà với mặt bằng dán đầy mẫu quảng cáo “cho thuê nhà”, “cho thuê mặt bằng”, “cho thuê nguyên tòa nhà”…

Dòng vốn đầu tư BĐS sẽ được cải thiện trong giai đoạn 2024-2026. Lúc này, thị trường BĐS Việt Nam sẽ có sự tham gia của nhiều tổ chức đầu tư lớn toàn cầu. Đây cũng là thời điểm thị trường được kỳ vọng tăng trưởng. Chu kỳ phục hồi có thể sẽ bắt đầu diễn ra trong nửa đầu năm 2024.

Ông NGUYỄN QUỐC ANH,
Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn

Dọc con đường Hai Bà Trưng từ ngã tư giao với Nguyễn Thị Minh Khai đến Điện Biên Phủ, đoạn đường khoảng 1 km nhưng bộc lộ rõ tình trạng kinh doanh ế ẩm của các chủ cửa hàng.

Một tấm pano “cho thuê nguyên tòa nhà” kéo dài 15 m hết mặt tiền đóng kín của một cửa hàng thời trang trước đây rất tấp nập. Đối diện, một tòa nhà cao tầng ngay ngã tư cũng chi chít biển quảng cáo cho thuê văn phòng. Trước đây, khu vực này là phòng giao dịch của một ngân hàng lớn.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở phố áo cưới nhộn nhịp nhất TP là tuyến đường Hồ Văn Huê. Con đường chỉ hơn 1 km nhưng hiện có hàng chục mặt bằng bỏ trống, treo bảng cho thuê.

“Giá thuê căn đó tầm 15 triệu đồng/tháng, giảm 50% so với trước rồi. Dạo này kinh doanh khó khăn nên nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ cưới lâu năm lắm rồi mà họ cũng không trụ nổi” - một nhân viên môi giới khu vực này cho biết.

Trên con đường Ngô Gia Tự, một cửa hàng đóng cửa thì ngay hôm sau đã có hàng chục bảng quảng cáo cho thuê mặt bằng dán kín.

Văn phòng cho thuê cũng khóc ròng

“Theo ghi nhận các giao dịch trong nửa đầu năm, diện tích trả ra chủ yếu đến từ ngành bất động sản (BĐS), công nghệ và ngân hàng” - bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, thông tin.

Theo bà Trang Bùi, trong sáu tháng đầu năm có hơn 70% lượng giao dịch lớn liên quan đến trả mặt bằng hoặc di dời văn phòng. Khu vực trung tâm TP, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp nhất và giá thuê cao nhất cũng đang chịu ảnh hưởng mạnh nhất trong đợt này.

Dãy mặt bằng kinh doanh đóng cửa, chi chít bảng quảng cáo cho thuê. Ảnh: H.VŨ
Dãy mặt bằng kinh doanh đóng cửa, chi chít bảng quảng cáo cho thuê. Ảnh: H.VŨ

“Mặc dù thị trường có xu hướng nghiêng về khách thuê, họ vẫn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn tài chính và ngày càng phải cân nhắc túi tiền hơn. Tâm lý này dẫn đến xu hướng giảm quy mô, di dời sang mặt bằng rẻ hơn hoặc trả mặt bằng hoàn toàn bắt đầu từ nửa cuối năm 2022” - bà Trang Bùi phân tích.

Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng nếu có khả năng chi trả thì khách thuê vẫn sẽ ưu tiên giữ nguyên hiện trạng nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian thiết lập văn phòng mới.

“Tỉ lệ trống văn phòng cho thuê hạng A dự kiến sẽ tăng 13%-14% trong hai năm tới với sự bổ sung nguồn cung mới và bối cảnh kinh tế chưa cải thiện nhiều. Tiếp đó, tỉ lệ trống sẽ giảm khoảng 5% mỗi năm nhờ sự phục hồi kinh tế” - bà Trang Bùi đánh giá.

Về mặt bằng bán lẻ trong các trung tâm thương mại, Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết tỉ lệ lấp đầy tương đối ổn định so với quý trước nhưng vẫn còn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này đến từ xu hướng cải tạo mặt bằng cùng với tỉ lệ trống cao ở một số dự án xa khu dân cư hoặc chưa được quản lý tốt.

Tuy nhiên, trong quý II những mặt bằng bán lẻ được thiết kế hợp lý, quản lý vận hành tốt và định vị rõ ràng phân khúc khách hàng mục tiêu vẫn đạt tỉ lệ lấp đầy cao và lượng khách ghé thăm thường xuyên.

Tỉ lệ mặt bằng trống sẽ giảm dần

Nghiên cứu của Savills Impacts (thuộc đơn vị nghiên cứu thị trường Savills) cho thấy đã có những tín hiệu ngành bán lẻ truyền thống đang trên đà hồi phục.

Xu hướng này chưa xuất hiện trên toàn cầu nhưng đã được ghi nhận tại một số thị trường khi các thương hiệu tiếp tục lựa chọn mở cửa hàng tại những điểm bán lẻ quan trọng. Tỉ lệ mặt bằng bán lẻ trống cũng đang giảm dần. Một số thương hiệu cao cấp thậm chí còn đẩy mạnh mở thêm cửa hàng tại những địa điểm mới.

Theo ông Sam Foyle, Giám đốc bộ phận bán lẻ cao cấp Savills, trên toàn cầu, nhiều nhãn hàng dù đã có cửa hàng tại vị trí đắc địa nhưng vẫn tiếp tục kế hoạch mở rộng thêm. Một số lại dịch chuyển từ các con phố mua sắm sầm uất sang những địa điểm danh tiếng. Thậm chí có trường hợp dời cửa hàng hẳn ra những vùng ngoại ô giàu có.

Tín hiệu phục hồi của ngành bán lẻ đang rõ ràng hơn tại các TP lớn. Giá thuê bán lẻ cao cấp hiện vẫn ở mức thấp hơn trước đại dịch, khá hợp lý với ngân sách nên nhà bán lẻ chấp nhận được.

Theo ghi nhận của Savills Impacts, trong hai năm trở lại đây, giá thuê mặt bằng cao cấp tại các tuyến phố mua sắm nổi tiếng tại Toronto, London, Sydney hay Hong Kong đã tăng trung bình khoảng 7% (số liệu ghi nhận tại quý I-2023). Tuy nhiên, mức này hiện vẫn thấp hơn ít nhất 10% so với năm 2019.

Thị trường sẽ phục hồi

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn, chỉ ra tình hình kinh tế vĩ mô thế giới đang có dấu hiệu đi vào ổn định. Lạm phát được kiểm soát, lãi suất và tỉ giá cũng dần ổn định từ giữa năm 2023. Nền tảng kinh tế hiện tại của Việt Nam còn rất tốt, thị trường vẫn có làn sóng nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển sang Việt Nam.

Dòng vốn FDI của các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào BĐS sáu tháng đầu năm tăng 0,5%; CPI tăng 3,29%; GDP tăng 3,27% so với cùng kỳ năm 2022. Lãi suất huy động giảm xuống mức 8%, lãi suất vay 15%-17% trong quý I đã hạ nhiệt xuống còn 12,5%-13%.

Những tín hiệu vĩ mô vẫn đang hướng đến sự phục hồi và đảo chiều cho thị trường BĐS​ năm 2023.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm