Nhiều vụ trong số đó, các ngân hàng dứt khoát từ chối tư cách "bị hại" mà đề nghị cơ quan tố tụng xác định mình là bên "có quyền và nghĩa vụ liên quan". Vì sao vậy?
Nếu ngân hàng được xác định là bị hại, thì bị cáo (thường là nhân viên hoặc cán bộ lãnh đạo chi nhánh ngân hàng) phải bồi thường cho ngân hàng (hầu hết bị cáo đã tiêu xài cá nhân và không có khả năng bồi thường), còn ngân hàng sẽ phải bồi thường cho người gửi tiền.
Cần thấy, để xảy ra việc cán bộ, nhân viên ngân hàng chiếm đoạt tiền gửi của khách là do yếu kém, sơ hở trong quản lý của chính ngân hàng đó.
Ngân hàng bồi thường cho khách. Và ngân hàng là bị hại của kẻ chiếm đoạt nên kẻ chiếm đoạt phải bồi thường cho ngân hàng. Ảnh minh họa
Khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng tức là hai bên đã ký kết một hợp đồng gửi giữ tài sản. Mà theo quy định tại Điều 554 Bộ luật Dân sự 2015, bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
Điều 557 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bên giữ tài sản có nghĩa vụ bảo quản tài sản đúng thoả thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ; phải bồi thường thiệt hại nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
Ngoài ra, theo Điều 10 Luật các tổ chức tín dụng, để bảo vệ quyền lợi của khách hàng các tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm tạo thuận lợi cho khách hàng gửi và rút tiền, bảo đảm thanh toán đủ, đúng hạn gốc và lãi của các khoản tiền gửi; Từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.
Vậy khách hàng phải chịu trách nhiệm khi nào?
Theo Thông tư 23/2014/TT-NHNN thì chủ tài khoản chỉ chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình. Như vậy, nếu ngân hàng đang thực hiện hợp đồng gửi giữ tài sản nhưng để mất tiền của khách hàng thì ngân hàng phải bồi thường.
Đã có tình trạng ngân hàng hiện nay thoái thác, từ chối bồi thường mà cứ trả lời khách: "Đã báo công an, chờ công an giải quyết". Và khi đó khách hàng phải tiếp tục chờ đợi quy trình tố tụng (có thể mất nhiều năm) và nhiều trường hợp vô phương đòi lại đầy đủ tài sản bị nhân viên ngân hàng chiếm đoạt cho dù án có tuyên.
Trong trường hợp này, thực ra chỉ có một đáp án: Ngân hàng bồi thường cho khách. Và ngân hàng là bị hại của kẻ chiếm đoạt nên kẻ chiếm đoạt phải bồi thường cho ngân hàng.
Tôi còn nhớ trong một bài báo gần 10 năm trước, nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm có nói đại ý: Khi sự cố xảy ra, kinh nghiệm các ngân hàng trên thế giới là không đổ lỗi cho khách hàng, bởi khi nhận tiền gửi vào của khách, trách nhiệm và nghĩa vụ đầu tiên của ngân hàng là phải áp dụng các biện pháp an toàn đảm bảo tiền của khách không bị thất thoát. Nếu tiền bốc hơi mà không có chữ ký của khách hàng, ngân hàng trích từ quỹ rủi ro bồi thường trước, lỗi phải của ai sẽ làm rõ sau đó. Tuy nhiên, theo ông Kiêm, hiện cách giải quyết phổ biến của nhiều ngân hàng Việt Nam là trốn tránh trách nhiệm và sợ đền bù.
Năm ngoái, trong phiên toà xử một vụ chiếm đoạt tiền gửi do nhân viên NH thực hiện, khi thấy ba ngân hàng khăng khăng từ chối tư cách bị hại, đại diện VKS đã hỏi vặn: "Thế thì còn ai yên tâm gửi tiền vào ngân hàng?"