Lợi dụng tình yêu động vật của nhiều người, "cò" tìm chó mèo tung ra nhiều chiêu trò để dẫn dụ người mất chó chi nhiều khoản tiền lên đến hàng chục triệu đồng

Mất tiền vì chiêu trò lừa đảo tìm chó thất lạc

(PLO)- Lợi dụng tình yêu đối với động vật của nhiều người, các đối tượng lừa đảo đã đưa ra nhiều chiêu trò để dẫn dụ người bị mất chó chi tiền tìm chó thất lạc.

Những chú chó bị nhốt trong lồng chờ bán tại một điểm thu mua chó mèo trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Mất tiền triệu với "cò" tìm chó thất lạc

Sau khi mất chú chó Bull Pháp, anh Nguyễn Hồng Phú (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) bắt đầu dán tờ rơi, đăng thông tin tìm chó thất lạc ở các group trên Facebook. Sau khoảng 1 ngày, lần lượt những nick ảo nhắn tin cho anh, tự nhận là bên thu mua chó mèo với nhiều địa điểm ở TP.HCM. Người này đưa ra điều kiện nếu muốn tìm chó thì phải cọc để “anh em” bên các lò kiếm giúp. Vì tin vào lời hứa và nôn nóng tìm được chú chó cưng, anh Phú lần lượt chuyển cọc 300, 500, 1 triệu, 2 triệu… cho những người này.

Khi chuyển cọc xong, người này lại giới thiệu cho người kia bảo rằng họ đang có thông tin chú chó, cứ như thế tôi bị mất gần 10 triệu đồng.

Anh Nguyễn Hồng Phú

Ban đầu, những tài khoản này còn liên lạc nhắn tin trao đổi thường xuyên, tuy nhiên sau khoảng vài ngày, thì các tài khoản lần lượt chặn tương tác. Từ đó, anh Phú mới nhận ra là mình đã bị lừa.

Tưởng rằng đã hết hy vọng, tầm 6 ngày sau, anh Phú nhận được một cuộc gọi. Đầu dây bên kia báo rằng đang giữ chú chó Bull của anh. Sau khi xem hình ảnh và xác nhận đúng chú chó, anh Phú đến điểm hẹn để chuộc lại chó cưng.

Anh Phú trần tình: “Ban đầu người này nói rằng, chú chó được mua từ một người chị với giá 5 triệu, nếu muốn chuộc lại phải đưa giá cao hơn. Lúc đầu họ nói là 20 triệu, sau đó bớt xuống còn 10 triệu đồng. Giá 10 triệu đồng cũng là giá mình ghi trên tờ rơi hậu tạ cho những ai tìm thấy chú chó nên mình đồng ý. Trước khi về bên giữ chó còn nhắc nhở “khóa cửa cho cẩn thận nếu không tao vô lấy nữa đó”. Vì thấy bên họ đông người, mình đành ngậm ngùi ra về mà không dám nói gì thêm".

Anh Nguyễn Hồng Phú thuật lại câu chuyện giao dịch với cò tìm chó mèo lạc:

Thấu hiểu được việc mất đi thú cưng và trải qua nhiều khó khăn để tìm lại được, giờ đây, khi thấy ai bị mất chó, anh Phú cũng thường xuyên hỗ trợ mọi người đi rảo khắp nơi để tìm chó mèo mà không lấy phí đồng nào.

Cùng hoàn cảnh với anh Phú, chị Alison (33 tuổi) người Mỹ đang sống và làm việc tại TP.HCM cảm thấy buồn và đau khổ khi vừa bị mất trộm chó vừa bị lợi dụng để moi tiền.

Chị Alison dành 10 triệu đồng để thưởng cho ai tìm kiếm được thú cưng của mình . Ảnh: NGUYỆT NHI

Trên đây là tờ rơi có dán ảnh chú chó Tommy mà chị Alison và bạn bè đang tích cực tìm kiếm.

Qua lời kể của Alison, chú chó của chị bị bắt lúc nó đang được người quản lý tòa nhà nơi chị ở dắt đi dạo.

"Khi Tommy bị bắt cóc, tôi và những người bạn ráo riết đi tìm. Tôi rất biết ơn và cảm thấy được an ủi phần nào khi nhìn thấy sự nhiệt tình của mọi người khi bủa đi tìm Tommy. Bạn tôi đã đến rất nhiều điểm thu mua chó mèo và đăng tin online tìm chó lạc, rải tờ rơi,…làm hết những cách mà chúng tôi có thể để mong tìm lại được Tommy", chị Alison kể.

Không thấy thông tin Tommy, theo hướng dẫn của một vài người, Alison đến đường Lê Hồng Phong (con phố với nhiều hộ kinh doanh mua bán chó mèo tại quận 10) để tìm kiếm .

“Lúc đó, tôi tới một quán bán chó và hỏi. Người chủ gọi điện thoại cho một ai đó và hỏi người đó có thấy Tommy không. Đầu dây bên kia trả lời có và họ muốn tôi trả 12 triệu để chuộc lại. Tuy nhiên, tôi đã không đưa tiền chuộc, bởi chúng tôi không chắc rằng người đó thực sự có đang giữ Tommy hay không” – Alison kể lại.

Sau khi về nhà, những người này có gọi lại cho Alison và tiếp tục ngã giá 11 triệu để chuộc chó. Không nhận được lời đồng thuận từ Alison, những người này hứa sẽ gọi lại và cho cái giá thấp hơn. Tuy nhiên, sau đó họ báo rằng đã bán Tommy, còn bán cho ai thì những người này không cho biết.

Alison không còn tin vào dịch vụ tìm chó mèo. Ảnh: NVCC

Alison cho biết: Trong khi tôi đang tuyệt vọng vì tìm Tommy, có một số người thấy thông tin chó lạc thì liên hệ với tôi, họ muốn tôi trả tiền trước rồi họ sẽ cung cấp ảnh và thông tin Tommy. Cũng có một số người liên lạc, nói với tôi rằng họ cũng bị mất chó và đã tìm được thông qua người A, B, C và cho tôi số điện thoại của những người đó. Khi tôi liên lạc với những người này, thì họ lại tiếp tục yêu cầu tôi trả tiền trước rồi họ mới tìm Tommy cho.

“Thực ra, tôi đã chi trả một số tiền, khoảng trên dưới 2 triệu đồng chỉ để mua thông tin của Tommy, nhưng hóa ra là không có thông tin nào cả, tôi đã bị lừa. Thậm chí, một số người còn tàn nhẫn hơn khi cố gắng lợi dụng sự đau khổ của tôi, nhắn tin hăm dọa rằng một là chuyển tiền, hai là Tommy bị thịt. Tôi cảm thấy rất thất vọng và mong mọi người sẽ cẩn thận với những chiêu trò lừa đảo này” – Alison bức xúc nói.

Nhng cuc thương lượng

Theo lời kể của các nạn nhân, phóng viên (PV) đăng ảnh một chú chó không hề bị mất lên Group “Tìm chó thất lạc TP.HCM”, ngay sau đó PV nhận được một số tin nhắn kèm lời giới thiệu các số điện thoại dẫn đến người cò tìm chó thất lạc.

Trao đổi với một tài khoản tên T. trên zalo, để tạo niềm tin cho phóng viên, người này gửi một số ảnh chụp màn hình tin nhắn đã tìm thành công một số chú chó trong đó có thông tin trao đổi và phương thức giao dịch thành công.

Quá trình trao đổi, người này yêu cầu PV đặt cọc 800 ngàn để đi tìm lại chó. Khi PV than thở, T. bớt giá xuống còn 500 ngàn và nói thêm: Khi tìm lại được chó tại các lò, giá chuộc tầm khoảng 2,5 triệu, trừ vào tiền cọc ban đầu, PV phải đưa thêm 2 triệu. Nếu không tìm được, T. sẽ hoàn tiền cọc và “chỗ anh em, muốn cho thêm bao nhiêu tiền xăng cộ thì cho” – T. nói.

Mỗi ngày, có hàng trăm bài tìm chó mèo thất lạc đăng trên các hội nhóm trên facebook.

Cùng lúc đang trao đổi với TK T., phóng viên tiếp tục nhận được lời giới thiệu của một tài khoản tên N.T.T.Y, người này cho hay đã bắt gặp chú chó giống trên ảnh tại tiệm DM khi đang chuộc thú cưng thất lạc tại đó.

Theo lời giới thiệu, PV gọi điện cho ông DM. Giọng một người đàn ông trả lời nhưng rồi nhanh chóng ngắt máy. Lập tức một TK zalo có tên H.P.Đ.T nhắn tin cho PV. Qua trao đổi, tiệm ông DM này đang giữ chú chó cưng mà PV đang tìm kiếm, để chuộc lại người này đưa ra mức giá 40 triệu đồng sau đó nhanh chóng bớt xuống còn 3 triệu.

Trong khi phóng viên đang giao dịch với DM. TK zalo N.T.T.Y liên tục nhắn tin hướng dẫn PV nhanh chóng chuộc lại chó và xin giá chuộc thấp hơn bằng cách than thở, khóc lóc, xin xỏ ông D. Cả hai tài khoản zalo trên, “kẻ tung, người hứng” mục đích để PV nhanh chóng “chốt” giá.

Sau khi đồng ý với giá 3 triệu đồng, PV ngỏ lời muốn đến trao tiền trực tiếp và nhận chó về. Tuy nhiên, DM cho hay, với 17 năm trong nghề, trước giờ chỉ làm theo nguyên tắc: Đặt cọc trước, nhận chó sau. Không đồng ý gặp, PV yêu cầu người này gửi ảnh chụp chú chó, nhưng tài khoản trên tiếp tục từ chối. Cuộc thương lượng với PV chưa có hồi kết thì D. liên tục nhắc nhở, nếu không chuộc lại, chiều nay sẽ bán chó đi.

Giọng một người đàn ông chuyên mua bán, tìm chó mèo lạc trao đổi thương lượng giá chuộc chó với PV:

.


Trong lúc PV trao đổi với DM, TK T. – người cò tìm chó ban đầu tiếp tục gọi điện hỏi thăm. Người này khuyên không nên nghe DM vì người này giả một tiệm bán chó trên đường Lê Hồng Phong. DM chuyên tạo các TK ảo trên zalo để lừa.

Không chỉ về phía T., DM cũng cho rằng không nên mất tiền cho cò. Và rồi DM cũng kể ra một số cái tên cò chuyên đi lừa người dân bằng cách nhận tiền cọc sau đó chỉ ngồi một chỗ uống cà phê và báo không tìm được rồi chiếm luôn tiền cọc của khách.

Tiếp tục trong vai người đi tìm chó thất lạc, PV đến địa chỉ trên đường Lê Hồng Phong - nơi mà DM cung cấp để tìm hiểu. Một người bán chó mèo tại điểm thu mua này xác nhận không có chú chó nào tương tự tại tiệm này. Và cho rằng, PV đã bị lừa...

Người bán chó trên đường Lê Hồng Phong cho hay:

Mất vật nuôi, báo ngay cho chính quyền địa phương

Căn cứ vào Khoản 1, khoản 2 Điều 231 Bộ luật dân sự 2015: Khi phát hiện ra vật nuôi đi lạc, người bắt giữ phải có nghĩa vụ báo ngay cho UBND xã để thông báo công khai. Khi chưa hết các thời hạn trên, nếu chủ gia súc bị thất lạc tìm đến nhận lại, thì họ phải trả lại gia súc cho chủ. Chủ gia súc có trách nhiệm phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được gia súc.

Căn cứ tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021 quy định đối với người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc, mà người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt hành chính từ 2 triệu đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên và tuỳ vào mức độ vi phạm có thể bị phạt đến khung hình phạt là chung thân.

Để chủ động phòng tránh những rủi ro trên, cũng như phòng ngừa tội phạm, người dân cần phải nuôi giữ vật nuôi cẩn thận. Khi vật nuôi bị mất, phải thông báo ngay chính quyền địa phương.

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM

Cẩn trọng khi đăng thông tin lên mạng xã hội

Theo , người dân khi bị mất thú cưng cần cẩn trọng khi đăng thông tin lên mạng xã hội. Để tránh bị kẻ gian lợi dụng, khi trao đổi với "cò", người dân cần kiểm tra thông tin kỹ càng, xem thực tế người đó có đang giữ vật nuôi của mình không bằng cách yêu cầu cung cấp thêm thông tin về chú chó như hình ảnh, video trước khi chuyển tiền. Bên cạnh đó, người mất thú cưng cần nâng cao cảnh giác với các “cò dỏm” chuyên lợi dụng thông tin từ tờ rơi, hay thông tin tìm thú cưng trên mạng để yêu cầu chuyển cọc.

Chị Nguyễn Uyên Như, Trạm cứu hộ chó mèo Sai Gon Time

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới