Tờ The Nikkei ngày 17-7 cho biết quân đội Mỹ thời gian tới sẽ triển khai một số đơn vị tác chiến điện tử tới Biển Đông. Đây được cho là loạt động thái mới nhất trong nỗ lực thu hẹp phạm vi hoạt động của lực lượng quân sự Trung Quốc (TQ) sau khi Washington vừa ra tuyên bố bác bỏ toàn bộ các yêu sách chủ quyền phi pháp của nước này.
Mỹ muốn củng cố năng lực tác chiến điện tử
Cụ thể, ít nhất hai đơn vị đặc nhiệm sẽ được Lầu Năm Góc điều đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào đầu năm 2021 để tiến hành một loạt nhiệm vụ khác nhau từ tác chiến điện tử cho tới chiến tranh mạng. Ít nhất một trong các đơn vị này sẽ hoạt động ở khu vực Biển Đông.
Trả lời The Nikkei, tướng hải quân Mỹ về hưu Jack Keane nhận định nhiều khả năng Bộ Quốc phòng Mỹ muốn bảo vệ các lực lượng Mỹ khỏi tên lửa TQ lắp đặt trên các thực thể chiếm đóng trái phép trong trường hợp xung đột vũ trang xảy ra ở Biển Đông.
Cụ thể, hiện Bắc Kinh đã cho xây dựng một đường băng dài 3.000 m và một cảng quân sự quy mô lớn ở đảo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Để bảo vệ các cơ sở hạ tầng này, TQ đã cho lắp đặt nhiều hệ thống tên lửa đất đối không và tên lửa chống hạm xung quanh. Hải quân TQ cũng thường xuyên tập trận trái phép gần quần đảo Hoàng Sa.
Do đó, các đơn vị sắp được triển khai của Mỹ có thể sẽ giúp gây nhiễu hệ thống radar và truyền tin tình báo của TQ để các lực lượng Mỹ chuyển quân hoặc liên lạc an toàn, không lộ thông tin và vị trí.
“Chiến lược quốc phòng của TQ được xây dựng dựa trên nội dung chống tiếp cận hay A2/AD, kết hợp với hệ thống các tên lửa và bộ cảm biến nhằm ngăn cản đối phương tự do đi lại và tiếp cận các căn cứ của mình” - ông Keane cho biết thêm.
Một binh sĩ Mỹ huấn luyện triển khai máy bay trinh sát không người lái RQ-20 Puma ở căn cứ không quân Andersen thuộc đảo Guam (Ảnh chụp vào tháng 6-2018). Ảnh: US NAVY/AP
Tác chiến điện tử - tương lai xung đột ở Biển Đông
Trong một bài viết mới đây trên tạp chí The Strategist, chuyên gia Brendan Thomas-Noone thuộc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của ĐH Sydney (Úc) cho rằng với mức độ mở rộng các cụm radar và mạng lưới phòng thủ ở Biển Đông của TQ như hiện nay, việc Mỹ chú trọng năng lực tác chiến điện tử là một nước đi đúng đắn.
Cụ thể, về mặt truyền thông, việc TQ đưa thêm radar thực địa sẽ dễ được cộng đồng quốc tế đón nhận hơn là khi TQ lắp đặt hệ thống phòng thủ mới dù hiệu quả chống đối phương tiếp cận là tương đồng nhau. TQ có thể tuyên bố hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển để lắp đặt càng nhiều càng tốt radar trên Phú Lâm, tăng cường phạm vi và khả năng giám sát tàu bè nước khác di chuyển qua Biển Đông.
Cả Mỹ và TQ đều không muốn nổ ra xung đột vì vấn đề này nhưng khả năng này vẫn tồn tại và ở mức rất cao. Nếu lãnh đạo hai nước không có kênh liên lạc hiệu quả về Biển Đông, tình hình rất dễ leo thang vượt tầm kiểm soát. Mọi quốc gia đều phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. TS ZHENG YONGNIAN, ĐH quốc gia Singapore |
Mục đích của tất cả sự chuẩn bị trên là mở đường cho các lực lượng quân sự TQ hoạt động tự do với tần suất ngày một thường xuyên hơn trên biển. Ông Thomas-Noone cảnh báo nếu Washington chần chừ thêm một thời gian nữa thì rất có thể cửa ngõ vào Biển Đông sẽ khép lại hoàn toàn.
“Hầu hết mọi cuộc xâm lược và chiến tranh đều đến từ phía biển, bắt đầu tập trung lực lượng, xây dựng đội hình tác chiến, liên kết phối hợp và xuất phát hỏa lực tấn công đều bắt đầu trên biển lớn. Không triệt hạ được hệ thống tình báo, trinh sát của đối phương tức Mỹ sẽ để mất lợi thế bất ngờ và lợi thế về quân số vì TQ có thể bố trí lực lượng nhỏ nhưng linh động hơn, trực tiếp tấn công vào các điểm yếu trong đội hình của Mỹ” - chuyên gia Brendan Thomas-Noone giải thích thêm.
Chuyên gia này cũng đề xuất rằng ngoài điều thêm lực lượng chuyên về tác chiến điện tử, Washington cũng nên có động thái hỗ trợ các nước ASEAN trên mặt trận này do đây mới là những quốc gia trực tiếp đối mặt và chịu ảnh hưởng từ hệ thống tình báo của Bắc Kinh. Hơn nữa, việc giúp củng cố năng lực tác chiến điện tử cho các nước trong khu vực sẽ ít thu hút sự chú ý hơn là các hoạt động hỗ trợ quân sự trực tiếp.
2 tàu sân bay Mỹ tiếp tục tập trận ở Biển Đông Ngày 17-7, hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Nimitz và USS Ronald Reagan tiếp tục các hoạt động diễn tập tập trận chung ở Biển Đông sau đợt thứ nhất hồi đầu tháng 7 vừa qua. Cổng thông tin chính thức của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ nêu rõ cuộc tập trận huy động gần 120 máy bay “nhằm duy trì sự chuyên nghiệp và khả năng sẵn sàng tác chiến” cũng như đảm bảo hai tàu sân bay “đủ khả năng phản ứng nhanh chóng trước bất cứ sự việc bất ngờ nào”. Chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz - Chuẩn đô đốc Jim Kirk nêu rõ: “Các lực lượng Mỹ sẽ hoạt động ở Biển Đông và bất kỳ nơi nào luật pháp cho phép. Đây là cách chúng tôi củng cố cam kết về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. |