Tính đến tối 29-12, đã hơn một ngày từ khi chiếc A320-200 (chuyến bay QZ8501) mất tích khỏi màn hình radar chỉ sau 42 phút cất cánh cùng với 162 hành khách lẫn phi hành đoàn trong hành trình từ Indonesia đến Singapore.
Máy bay đã rơi xuống biển?
Sáng 29-12, tờ The Guardian dẫn lời một quan chức thuộc cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Indonesia cho biết rất có khả năng máy bay AirAsia mất tích đã nằm dưới đáy biển. Trong cuộc họp báo tại Soekarno Hatta, Jakarta (Indonesia) vào sáng thứ Hai, Giám đốc Trung tâm Tìm kiếm cứu hộ Indonesia Bambang Soelistyo cũng cho rằng dường như máy bay QZ8501 đã rơi và nằm dưới đáy biển.
Trên thực địa, vào đầu giờ chiều 29-12, các cơ quan chính quyền địa phương khu vực đảo Belitung (Indonesia) đã tiến hành các hoạt động tìm kiếm, cứu hộ dựa trên kịch bản máy bay QZ8501 đã rơi. Ông Abdul Muin, phát ngôn viên kiêm ủy viên cao cấp lực lượng cảnh sát Bangka-Belitung nói với kênh truyền hình Metro rằng: “Chúng tôi dự đoán khả năng các mảnh vỡ máy bay QZ8501 ở vùng đảo Bangka - một hòn đảo nằm phía đông đảo lớn Sumatra, Indonesia”. Khu vực tìm kiếm cũng đã được mở rộng ra toàn bộ vùng biển xung quanh Bangka-Belitung, ngoài khơi bờ biển phía nam của đảo Sumatra.
Trong khi đó, nhiều ngư dân Indonesia cho biết họ đã nghe thấy một tiếng nổ lớn gần đảo Pulau Nangka nhưng họ không chắc chắn đó là tiếng nổ do máy bay rơi. Trong khi đó, nhiều ngư dân Indonesia khác lại cho hay họ đã nhìn thấy một chiếc máy bay rơi xuống gần khu vực Pulau Lung. Kênh News Asia dẫn lời các quan chức Indonesia cho biết trong ngày thứ hai tìm kiếm máy bay QZ8501 mất tích, ngành chức năng tập trung xung quanh khu vực Pulau Momparang và Pulau Nangka.
Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Indonesia đã đưa vào sử dụng hệ thống sonar, một kỹ thuật sử dụng sự truyền âm thanh dưới nước để phát hiện tàu bè hay máy bay, nhằm tìm kiếm và phát hiện máy bay mất tích. “Hệ thống sonar có thể phát hiện máy bay rơi ở độ sâu khoảng 1.000-2.000 m” - ông Bambang nói.
Người thân của hành khách trên chuyến bay AirAsia QZ8501 mất tích hôm 28-12 đang chờ đợi những tin tức mới nhất về việc tìm kiếm tung tích máy bay. Ảnh: AP
Xuất hiện “vật lạ” nghi xác máy bay
Chiều 29-12, khi lực lượng máy bay Úc đang hoạt động tìm kiếm trong khu vực máy bay QZ8501 mất tín hiệu thì phát hiện các “vật thể lạ”. Hãng AP dẫn lời không quân Indonesia cho biết các vật thể này xuất hiện tại vùng biển “điểm nóng” - nơi mà khả năng QZ8501 bị rơi xuống là rất cao.
Lực lượng tìm kiếm cứu hộ Indonesia và Úc ra sức tiếp cận để nhận dạng các vật thể tình nghi là mảnh vỡ của máy bay. Tuy nhiên, cuối ngày, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla tuyên bố trong cuộc họp báo rằng các vật thể được phát hiện ở khu vực tìm kiếm không phải là mảnh vỡ của chiếc máy bay QZ8501.
Vị này thẳng thắn chia sẻ thêm rằng Indonesia đang rất nóng lòng tìm kiếm và hy vọng sẽ cứu được các hành khách còn sống sót trên chuyến bay đã mất tích. Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ rằng Indonesia cũng đã chuẩn bị tinh thần để đối diện và đón nhận kịch bản xấu nhất đối với 162 người trên chiếc QZ8501.
Tiếp tục gia tăng lực lượng tìm kiếm
Tính đến chiều 29-12, đã có đến 30 tàu và máy bay từ năm quốc gia, bao gồm Indonesia, Singapore, Malaysia, Úc, Hàn Quốc đã tham gia vào các hoạt động tìm kiếm và cứu trợ. Lực lượng ngư dân của Indonesia cũng được chính phủ yêu cầu tham gia hỗ trợ công tác tìm kiếm QZ8501. Hiện Indonesia vẫn đang cân nhắc đến lời đề nghị giúp đỡ từ các nước châu Âu, vốn có công nghệ tìm kiếm và cứu trợ hiện đại như Anh và Pháp.
Chiều tối 29-12, Indonesia đã chấp nhận lời đề nghị của Singapore cho hai nhóm chuyên gia và hai bộ định vị dưới nước từ Cục Điều tra tai nạn thuộc GTVT Singapore (AAIB) đến vùng biển Indonesia để hỗ trợ tìm kiếm máy bay QZ8501. Singapore cũng cung cấp thêm thiết bị và nhân sự từ Cảng Hàng hải Singapore (MPA) để hỗ trợ các hoạt động của AAIB, gồm một hệ thống máy quét địa hình dưới nước và một xe điều khiển từ xa.
Trung tâm Tìm kiếm và Cứu hộ BASARNAS của Indonesia cũng đã chấp nhận lời đề nghị hỗ trợ tàu ngầm và tàu cứu hộ từ lực lượng vũ trang Singapore. Các phương tiện đã sẵn sàng ra khơi. Khinh hạm tàng hình lớp (RSS Supreme) và tàu hộ tống tên lửa (RSS Valour) của hải quân Singapore (RSN) đã đến khu vực tìm kiếm và bắt đầu các hoạt động dò tìm. Một chiếc chiến hạm LSTP cũng tham gia vào các nỗ lực tìm kiếm trong tối 29-12.
Khắc khoải chờ người thân Chia sẻ trên trang BBC, ông Suwarto, cha của cơ trưởng máy bay AirAsia QZ8501, cho biết con trai của ông có thể không sống sót trở về. Lần cuối người cha khắc khổ thấy con trai mình là vào tuần trước nhưng trớ trêu đó lại là đám tang của một người con trai khác của ông. “Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, chỉ biết trông chờ vào số phận” - ông chia sẻ. Trong khi đó, Angela Anggi Ranastianis, cô con gái 22 tuổi của cơ trưởng chuyến bay QZ8501 đã viết trên trang cá nhân: “Cha ơi, hãy về với con, con cần cha. Làm ơn hãy mang cha trở lại”. Tin nhắn của cô gái trẻ gửi đến cha được tờ Telegraph đăng tải khiến thế giới “sụt sùi”. Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa qua cũng kêu gọi người dân hãy cầu nguyện cho các nạn nhân trở về an toàn. Cũng trong hôm qua nhiều lời chia sẻ đầy cảm động từ các lãnh đạo thế giới cũng được ghi nhận trên phương tiện truyền thông, bao gồm Đức Giáo hoàng Pope Francis. Các gia đình hành khách trên chuyến bay mất tích hiện có mặt tại sân bay Changi của Singapore đã được nhân viên của AirAsia tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ. Cho đến tối hôm qua (29-12), đã có 27 thành viên gia đình bay đến Indonesia. Mừng hụt với tin “máy bay QZ8501 hạ cánh an toàn” Sáng 29-8, kênh thông tin News Asia (CNA) bất ngờ đưa dòng tin ngắn “sáng thứ Hai, máy bay QZ8501 đã hạ cánh an toàn tại sân bay Changi, Singapore”. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau, CNA giải thích chiếc máy bay hạ cánh an toàn nói trên chỉ là máy bay trùng số hiệu QZ8501 với máy bay mất tích. Đầu giờ chiều cùng ngày, hãng Indonesia AirAsia tuyên bố họ đã có kế hoạch dừng khai thác vĩnh viễn số hiệu bay QZ8501. “Chúng tôi đã gửi bản đề nghị dừng khai thác số hiệu bay QZ8501 nhưng vẫn đang chờ đợi sự chấp thuận và hợp tác từ các trụ sở khác của hãng” - Giám đốc điều hành AirAsia tại Indonesia Sunu Widyatmoko nói. AirAsia thề sẽ tìm cho ra QZ8501 Đại diện hãng hàng không AirAsia Tony Fernandes đã tuyên bố với giới truyền thông ở Jakarta rằng hãng này đã hoàn thành các chuyến bay cho 220 triệu hành khách trong 13 năm qua và chưa bao giờ có bất kỳ ai chết. Ông Tony Fernandes thừa nhận không ai có thể đảm bảo 100% an toàn cho hành khách của mình. Tuy nhiên, AirAsia thề sẽ không dừng lại cuộc tìm kiếm bất luận thế nào. “Chúng tôi đang hợp tác với các giới chức liên quan để tìm hiểu toàn diện nguyên nhân gây ra biến cố” - Giám đốc điều hành AirAsia tại Indonesia Sunu Widyatmoko cho biết. |