Mẹ đựng dầu hoả trong chai Lavie, con uống vào nhập viện cấp cứu

Bé P.P.T đang được bác sĩ điều trị vì ngộ độc do uống nhầm dầu hỏa

Ngày 10-10 bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi, bệnh viện (BV) Bạch Mai, Hà Nội, cho biết trong hơn 1 tuần qua BV đã cấp cứu 2 trẻ nhỏ uống nhầm dầu hỏa.
Trước đó chiều 9-10, gia đình bé P.P.T (3 tuổi, ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đưa con vào Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cấp cứu trong tình trạng nôn, ho liên tục, hơi thở sặc mùi dầu hỏa. Mẹ cháu bé kể: “Thoáng nhìn thấy con cầm chai Lavie đựng dầu hỏa, lao đến thì con bé đã uống rồi và lập tức ho sặc sụa, tiếp đó là nôn thốc nôn tháo nên vội vàng đưa con vào BV”.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã cho bệnh nhi nhập viện theo dõi vì khả năng bé bị hội chứng viêm phổi do hóa chất sau 24 - 48 giờ.
Cũng theo bác sĩ Nam, trước đó 2 ngày, bé trai C.T.L (4 tuổi ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng nhập viện cấp cứu vì uống nhầm dầu hỏa. Hiện bé đang được điều trị vì viêm phổi. Bố bệnh nhi L. cho biết: “Nguyên nhân do gia đình mua dầu hỏa và để trong vỏ chai nước ngọt C2. Có lẽ do tưởng là nước ngọt nên bé cầm chai uống 1 ngụm. Thấy con ho sặc sụa, gia đình đã cho con xúc miệng nước muối nhưng con vẫn ho khan liên tục, khó thở nên mới đưa vào BV”.
Ngoài 2 trường hợp bị ngộ độc dầu hỏa, các bác sĩ Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cũng cho biết trước đó một bé trai 3 tuổi rưỡi ở Nam Định cũng được chuyển lên BV Bạch Mai sau khi uống nhầm chai axit người bác mua để đổ bình ắc-quy. Được biết dung dịch axit này cũng được đựng trong chai nước ngọt C2 và để ngay dưới gầm bàn. Khi bé trai này nôn mửa liên tục, gần như xỉu đi, người lớn mới phát hiện bé uống nhầm.
“May mắn đây là loại axit loãng đổ bình ắc-quy, tính ăn mòn không cao nên cháu bé không bị loét, thủng thực quản. Hiện cháu bé đã được xuất viện” - một bác sĩ cho biết.
Theo bác sĩ Nam, những tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày như các bệnh nhi trên không phải là hiếm gặp. Đã có những trường hợp bệnh nhi tử vong vì người lớn để thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ trong những vỏ chai có sức hút với trẻ em như: trà xanh, C2, nước suối…
Các bác sĩ khuyến cáo người dân, nhà sản xuất tuyệt đối không dùng bất cứ vật dụng nào có hình dáng giống với các vật dụng đựng thực phẩm để đựng hóa chất. Việc tận dụng những chai nước ngọt đựng hóa chất là thói quen rất nguy hiểm vì có thể gây nhầm lẫn, thậm chí để lại những hậu quả đáng tiếc.
Theo D.Thu (NLĐO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới