Khác với cảm nhận của nhiều người về cốm, vị cốm của họ được hiện lên thật tuyệt diệu. Cốm có màu xanh nõn chuối, có hương thơm thoang thoảng của mùi lúa non, cốm chứa cả một hồn quê mà nếu ai nghe kể thôi cũng muốn chạy ra cánh đồng ôm trọn hương vị đó.
Đối với tôi hương cốm luôn gắn liền với sự hy sinh của mẹ.
Thế nhưng đối với tôi, vị cốm luôn gắn liền với mẹ, từ cách trồng, cách làm cốm và cả cách thưởng thức nó. Tôi hiểu vị cốm là vị của mẹ và chỉ có mẹ mới nắm trọn cái hương vị đó trong lòng bàn tay.
Cốm được làm từ nếp cái hoa vàng.
Cốm được làm từ những hạt lúa non, đúng độ sữa kết lại.
Tôi vẫn nhớ như in những ngày còn nhỏ, tôi đòi mẹ phải làm cốm cho cả nhà ăn. Mẹ nói: "Chỉ có ngày xưa người ta mới ăn cốm thôi. Thời đó đói, người người nhà nhà không có gạo ăn, buộc phải ăn lúa non. Từ ấy người ta mới biết đến cái vị cốm, nay không đói nữa thì tội gì ta phải ăn lúa non".
Hạt thóc non được mang đi rang trước khi đi xay xát.
Hương vị, màu sắc cốm không thể lẫn vào đâu được.
Lúc đó, tôi thực sự thèm được ăn cốm, nhất là cốm mà trước đó mẹ làm. Tôi thấy cái vị cốm của mẹ nó khác xa với hương cốm Làng Vòng mà Thạch Lam đã tả nhưng mẹ nói ăn cốm là ăn lúa non đó, nên thôi.
Lớn một chút thì mẹ tôi lại lý giải rằng ăn cốm sẽ hao hụt lắm, gặt một bó lúa thì chỉ còn một nửa, như vậy là phí phạm. Vậy nên mình đợi cho hạt thóc tròn đầy, cả nhà cùng ăn cơm nếp hay bán lấy tiền có phải tốt hơn không.
Những điều mẹ nói tôi đều hiểu mà tôi chẳng bao giờ đòi mẹ làm nữa bởi đó là thực trạng chung ở cả làng tôi chứ chẳng riêng gì mẹ. Thời đó, toàn bộ sinh hoạt, chi phí ăn học của chúng tôi đều phải chông chờ vào những thửa ruộng mà mẹ ngày đêm chăm sóc.
Vậy nên tôi đã từng rất nhớ cái vị cốm đó bởi cả một quãng thời gian rất dài, tôi và lũ trẻ ở quê đều không được ăn cốm mẹ làm. Chúng tôi chỉ ngồi tưởng tượng lại cái vị cốm ngày xưa mình đã từng ăn mà thôi.
Phải đến khi chúng tôi trưởng thành, cái vị cốm quê nhà mới được làm trở lại. Thực ra bao nhiêu năm qua, tôi vẫn ăn học bằng những gánh lúa của mẹ, có điều nó ở trạng thái đã chín vàng, chứ không còn non như suy nghĩ của tôi nữa.
Giờ đây, tôi đã lớn và đi xa nhưng tôi vẫn nhớ cái vị ấy lắm. Tôi nhớ đến mùi thơm của những đám mạ non được mẹ gồng gánh đi cấy; nhớ những ngày cùng mẹ úp mặt vào đám lúa để nhổ cỏ và cả những đám rôm xẩy mọc đầy người khi đi gặt lúa nữa. Tôi biết những trải nghiệm, khổ cực của mình chưa thấm gì so với nỗi vất vả của mẹ cả.
Giờ đây, ở một nơi xa mẹ vẫn gọi con về ăn cốm, mùa cốm tới rồi. Nhiều lần tôi vẫn đáp “Đợi ăn cơm luôn mẹ!”.
Với tôi cốm quê vẫn là ngon nhất.
Mẹ bảo: “Bây giờ không lo đói mà cũng chẳng phải lo lắng gì nhiều nữa nên ăn cốm thoải mái, về mẹ làm cốm cho ăn”. Và cũng chỉ chờ tin con về là mẹ liền tức tốc ra ngay thửa ruộng tốt nhất, lúa thơm nhất gặt ngay một gánh lúa non về làm cốm cho con ăn.
Ai cũng hỏi tôi rằng cốm có vị gì, ăn như thế nào và làm sao để biết đó là cốm ngon? Đối với tôi cốm có vị của mẹ là ngon nhất. Cốm là bao công sức của mẹ, cốm cho con sự trưởng thành.