Metro số 2 có nguy cơ chậm tiến độ

Ban Quản lý Đường sắt đô thị (MAUR) cho biết đơn vị Tư vấn thực hiện dự án (IC) đã được MAUR ký hợp đồng vào năm 2012 với giá trị là 43,98 triệu Euro. Công việc bao gồm hai giai đoạn là thiết kế và hỗ trợ cho việc đấu thầu các gói thầu chính của dự án.

Theo MAUR, nguồn chi trả cho hợp đồng này là từ khoản đóng góp tài chính lên tới 84 triệu Euro (viện trợ không hoàn lại trong các khoản vay đã ký với Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) cho dự án). Thời gian thực hiện hợp đồng giai đoạn A là đến hết năm 2015.

Tư vấn IC đề nghị gia hạn hợp đồng

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh việc phải điều chỉnh thiết kế dự án. Thời gian điều chỉnh dự án kéo dài dẫn đến việc phải ký 13 Phụ lục hợp đồng phát sinh chi phí và gia hạn thời gian thực hiện đến hết tháng 9-2018. Trong đó có 6 Phụ lục hợp đồng phát sinh chi phí với giá trị gần 9 triệu Euro, tương đương 70% giá trị giai đoạn A. 

MAUR cho biết Tư vấn IC đã ngừng huy động và đang tiếp tục đề nghị gia hạn hợp đồng để hoàn thành các công việc đấu thầu các gói thầu.

MAUR cho rằng do có nhiều yêu cầu điều chỉnh và thay đổi khách quan nên đòi hỏi phải có vai trò của Tư vấn IC trong cập nhật và hoàn thiện hồ sơ mới. Việc cần thiết phải tiếp tục hợp đồng với Tư vấn IC cũng đã được các Nhà tài trợ liên tục có ý kiến gửi UBND TP đề nghị sớm giải quyết dứt điểm và huy động lại Tư vấn IC.

Đồng thời, Nhà tài trợ cũng lo ngại việc chậm huy động Tư vấn IC sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án, ảnh hưởng đến điều kiện để xem xét các khoản vay bổ sung.

Với tình hình trên, MAUR đã báo cáo, kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương cho phép MAUR tiến hành đàm phán và thương thảo Phụ lục hợp đồng số 13 với Tư vấn IC.

Hiện nay về Phụ lục hợp đồng số 13, TP có chủ trương tiếp tục sử dụng Tư vấn IC, đồng thời có cơ chế cho phép MAUR thực hiện các nội dung như đã kiến nghị để đảm bảo việc thực hiện phát sinh hợp đồng Tư vấn IC được chặt chẽ.

Nhà tài trợ không đồng ý gia hạn khoản vay

Theo MAUR, so với cơ chế tài chính của dự án tại thời điểm trình, phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, căn cứ vào tiến độ phải tổ chức lại quá trình lựa chọn nhà thầu để đảm bảo chặt chẽ về pháp lý. Cơ cấu nguồn vốn vay cũng sẽ phải thay đổi.

Cụ thể, đối với Hiệp định vay, các khoản vay đã ký với Ngân hàng EIB và Ngân hàng ADB sẽ không thể kịp sử dụng một phần như dự kiến trước khi hết hạn do Nhà tài trợ không đồng ý việc gia hạn.

Trên cơ sở đó, dự kiến sẽ có khoản thiếu hụt từ các nguồn vốn hết hạn là khoảng 137,44 triệu USD so với tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh đã được phê duyệt. Khoản thiếu hụt này sẽ phải áp dụng cơ chế vay lại toàn bộ.

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo UBND TP về việc đề nghị Bộ Tài chính làm việc, có văn bản đề nghị Ngân hàng EIB đề xuất các điều kiện khoản vay để xem xét theo đề xuất của MAUR.

2-metro-so-2

Hiện nay, người dân bị ảnh hưởng bởi tuyến metro số 2 đang tích cực bàn giao mặt bằng. Ảnh: ĐÀO TRANG.

Để đảm bảo nguồn vốn thực hiện theo tiến độ dự án, MAUR kiến nghị Thành ủy và UBND TP thống nhất chủ trương và chỉ đạo thực hiện song song hai nhóm công việc.

Thứ nhất, đơn vị báo cáo Chính phủ về phân chia cụ thể giá trị vay lại, cấp phát đối với từng nguồn vốn vay theo cơ cấu hiện tại thể hiện trong Tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án đã điều chỉnh.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ thực hiện thẩm định điều kiện vay lại cụ thể cho từng khoản vay riêng lẻ theo điều kiện vay và lịch giải ngân.

Thứ hai, MAUR sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính thống nhất đề nghị EIB có cam kết chính thức việc tài trợ Khoản vay mới bù đắp phần vốn thiếu hụt theo tình hình mới. Đồng thời, thực hiện các thủ tục liên quan cần thiết để xúc tiến khoản vay này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm