MH370 mất tích và nỗi đau những gia đình mất con độc nhất

Giống như nhiều gia đình khác tại Trung Quốc, cha mẹ của Wang Yonggang, 27 tuổi, một chàng trai đam mê tin học đến từ phía Đông Trung Quốc, chỉ được phép có một con theo quy định của chính phủ.

Wang Yonggang, 27 tuổi
Wang Yonggang, 27 tuổi

Nhưng giờ, cùng với chiếc Boeing 777 mất tích, con trai họ đã vĩnh viễn ra đi.

“Cả bố và mẹ Wang đều đã ngoài 50 tuổi còn cậu ấy là đứa con duy nhất của họ”, Cao Kaifu, hiệu trưởng cũ tại trường trung học Funing, tỉnh Giang Tô, nơi Wang từng học cho biết. “Thật quá buồn. Wang đã luôn là niềm tự hào của cha mẹ cậu ấy. Họ thực sự đau khổ”.

Đã có nhiều câu chuyện về chính sách một con tại Trung Quốc, từ những vụ bê bối ép phá thai hay triệt sản, hoặc sát hại trẻ sơ sinh khi một số gia đình nông thôn muốn bỏ con gái để kiếm con trai.

Nhưng vụ chuyến bay MH370 mất tích đã phơi bày một thực tế khác ít người biết đến hơn, nhưng cũng đau lòng không kém: những cha mẹ “mồ côi”, khi đứa con duy nhất của họ chết vì bệnh tật hay tai nạn.

Ước tính tại Trung Quốc có khoảng 1 triệu gia đình rơi vào cảnh này, trong đó, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, mỗi năm có thêm tới 76.000 gia đình “mồ côi” mới.

Ding Ying, 28 tuổi, đến từ Trùng Khánh
Ding Ying, 28 tuổi, đến từ Trùng Khánh

“Khi bạn mất đi đứa con duy nhất, có cảm giác như bầu trời đã sụp xuống”, một bà mẹ tại Thượng Hải, người đã mất đứa con gái duy nhất và chồng mình trong một tai nạn ô tô năm 2012 chia sẻ.

“Do chính sách một con, một triệu gia đình đã mất đi người nối dõi mãi mãi”, bà nói tiếp. “Đó là một bi kịch về đạo đức. Không ai có thể làm vơi đi nỗi đau này”.

Những tháng gần đây, một vài thành phố lớn tại Trung Quốc, trong đó có Bắc Kinh và Thượng Hải, bắt đầu thay đổi chính sách kiểm soát sinh đẻ theo hướng nới lỏng, cho phép các gia đình có vợ hoặc chồng là con độc nhất được phép có 2 con.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của nước này khẳng định, thay đổi này nhằm “tăng tỉ lệ sinh và giảm gánh nặng tài chính đối với dân số ngày càng già đi của Trung Quốc”.

Tuy nhiên, quy định mới sẽ chẳng thể giúp làm nguôi ngoai nỗi đau của các gia đình như của Wang.

Trên chiếc Boeing 777 mất tích, có 153 hành khách Trung Quốc, và khoảng một phần ba trong số này sinh trong những năm 1980, sau thời điểm chính sách một con có hiệu lực năm 1979, tờ Tin tức Bắc Kinh cho biết. Điều đó có nghĩa là khoảng 50 gia đình đã mất đi người con duy nhất.

Nỗi đau mất người thân với nhiều gia đình là không thể vượt qua
Nỗi đau mất người thân với nhiều gia đình là không thể vượt qua

Trong số những nạn nhân là con một này còn có Ding Ying, một nhân viên 28 tuổi của hãng hàng không Qatar Airways, đến từ Trùng Khánh, Zhang Meng, 28 tuổi, đến từ Trịnh Châu, và Yan Peng, chồng của chị Zhang, cũng 28 tuổi.

Wang Yonggang, người có số thứ tự 156 trong danh sách chính thức của Malaysia Airlines cũng là con duy nhất.

Là con trai của một gia đình có bố mẹ là giáo viên và bác sỹ sản khoa, anh Wang từng là một ngôi sao khi còn đi học, khi giành số điểm siêu cao 695 điểm, trong kỳ thi đại học nổi tiếng áp lực tại Trung Quốc.

Cao Kaifu, hiệu trưởng cũ của Cao đến tận năm 2004, cho biết thành tích của Wang đã khiến nhiều đại học hàng đầu Trung Quốc đều muốn nhận cậu.

“Các nhà tư vấn tuyển sinh tại cả đại học Peking và Thanh Hoa đều đã tới trường chúng tôi mời cậu ấy về”, ông Cao nói. Cuối cùng Wang đã chọn đại học Peking, học tại trường kỹ thuật điện tử và khoa học máy tính. Anh ra trường với bằng thạc sỹ và năm ngoái đã nhận bằng tiến sỹ.

Trong ngày chuyến bay MH370 mất tích, Wang, nay đã là một nhân viên Bộ công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc, đang trở về sau khi diễn thuyết tại Malaysia. Anh đã có kế hoạch kết hôn trong năm 2014 này.

Ông Cao khẳng định đã không thể ngủ được sau khi nghe thông báo của thủ tướng Malaysia rằng cậu học trò của mình hầu như chắc chắn đã thiệt mạng. “Trước đó, ít nhất còn một tia hy vọng mong manh, nhưng giờ hy vọng đã hết”, ông Cao nói. “Tôi không thể tưởng tượng ra sự đau đớn của gia đình cậu ấy”.

Bà Ma Shijing, một nhân viên xã hội tại Thượng Hải chuyên hỗ trợ các gia đình mất con duy nhất cho biết, rất nhiều bậc cha mẹ gặp các vấn đề về tâm lý và khó khăn tài chính, trong khi khoảng 70% các cuộc hôn nhân tan vỡ sau khi đứa con duy nhất qua đời.

Shen Dongmei, một phụ nữ 58 tuổi đã mất đứa con gái duy nhất năm 2004 do bác sỹ chẩn đoán sai chia sẻ: “Kể từ khi con gái ra đi, chúng tôi cũng mất đi lí do để sống trên đời. Chúng tôi đã mất quyền sinh con. Chúng tôi bị nguyền rủa. Tôi thực sự quá chán ghét chính phủ”.

“Tại sao lại là tôi? Khi tôi chôn con gái mình, tôi cũng đã chôn cả bản thân mình”, bà Shen vừa nói vừa khóc. “Giờ tôi không còn khao khát gì, không mơ ước, không suy nghĩ. Bên ngoài tôi cười nhưng trong lòng tôi vẫn khóc. Tôi đã mất đi nguồn hạnh phúc duy nhất của đời mình”.

Theo Thanh Tùng (Dân Trí /Telegraph)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm