Miễn phí chuyển tiền, rút tiền ATM: Lợi nhiều đường

Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) mới đây quyết định giảm hàng loạt phí dịch vụ, hỗ trợ hệ thống ngân hàng (NH) trong việc giảm chi phí hoạt động. Động thái này nhằm giúp NH giảm phí ATM, chuyển tiền, rút tiền… cho khách hàng.

Đồng loạt giảm phí

Cụ thể, NAPAS giảm 13% phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên NH 24/7 đối với tổ chức phát lệnh; giảm tương ứng 70% và 100% phí dịch vụ các giao dịch rút tiền trên ATM cho tổ chức phát hành, tổ chức thanh toán; không thu phí dịch vụ (mức thu bằng 0 đồng), tương đương giảm 100% phí dịch vụ chuyển khoản nội bộ và các giao dịch phi tài chính gồm vấn tin, in sao kê, đổi pin cho tổ chức thành viên NAPAS.

Ngoài ra, NAPAS tiếp tục triển khai chương trình khuyến mãi giảm 50% phí dịch vụ đối với các giao dịch trên ATM và các giao dịch chuyển khoản liên NH 24/7, áp dụng cho tất cả tổ chức thành viên NAPAS. Trước đó đơn vị này cũng đã thực hiện bốn lần điều chỉnh giảm phí dịch vụ chuyển mạch.

“Động thái này nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng có thêm ngân sách thúc đẩy các chương trình ưu đãi; khuyến khích khách hàng thanh toán chi tiêu bằng thẻ nội địa, thanh toán qua tài khoản NH; thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế” - NAPAS giải thích.

Tương tự, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) cũng quyết định giảm giá các sản phẩm thông tin tín dụng với mức trung bình 15% so với hiện hành. Trước đó đơn vị này đã giảm giá 10% toàn bộ sản phẩm thông tin tín dụng…

Khách hàng, các chủ thẻ NH đang kỳ vọng sẽ được các NH giảm phí chuyển tiền và phí rút tiền sau khi NAPAS và CIC triển khai chính sách điều chỉnh giảm phí. Bởi khi miễn, giảm phí giao dịch thì cả NH lẫn khách hàng đều được lợi.

Chị Thủy nhà ở quận 9, TP.HCM, cho biết hiện nay phí giao dịch NH quá nhiều và quá cao. Cụ thể, hàng loạt loại phí như thanh toán tiền học phí, chuyển tiền qua tài khoản... rất cao. Thậm chí có NH tính phí chuyển khoản liên NH lên tới 11.000 đồng mỗi lần.

“Ngoài ra, mỗi tháng tôi còn phải chịu thêm phí quản lý tài khoản dao động 9.900-11.000 đồng, phí tin nhắn báo thay đổi số dư 11.000 đồng/tháng. Như vậy, mỗi tháng tính ra tôi tốn tối thiểu 50.000-70.000 đồng cho các loại phí dịch vụ NH. Do vậy, NH giảm phí sẽ giảm gánh nặng cho khách hàng” - chị Thủy nói.

Nhiều khách hàng khác cũng cho biết tương tự. Anh Quốc Thịnh ở quận Tân Bình, TP.HCM cho biết một thẻ ATM ngoài việc phải chịu phí rút tiền còn tốn các khoản phí cố định NH tự động thu bằng cách trừ tiền trong tài khoản. Đơn cử như phí quản lý tài khoản mỗi năm trên 26.000 đồng/thẻ; phí dịch vụ tin nhắn tự động hằng tháng 9.900 đồng; phí thường niên thẻ nội địa là 33.000 đồng… Thậm chí một số NH ngoài việc thu phí cao còn tận thu bằng cách chẻ nhỏ các dịch vụ. Ví dụ, khách hàng dùng app để chuyển khoản cũng bị tính phí.

“Chỉ tính riêng phí rút tiền tại cây ATM ngoại mạng cũng lên tới 3.300 đồng mỗi lần. Chỉ một thẻ thôi đã phải chịu cả rừng phí, trong khi tôi cần sử dụng nhiều thẻ cho nhiều mục đích khác nhau. Do vậy, NH nào miễn, giảm phí giao dịch sẽ lôi kéo được nhiều khách hàng và kích thích việc không sử dụng tiền mặt trong thanh toán” - anh Thịnh nói.

Nhiều ngân hàng đang miễn, giảm phí để khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ. Ảnh: TL

Miễn giảm phí, lợi nhiều bề

Trong khi nhiều NH tận thu phí dịch vụ thì một số NH bắt đầu giảm phí, thậm chí áp dụng chính sách phí 0 đồng để thu hút khách hàng sử dụng thẻ. Đơn cử tại NH Quân đội, khi rút tiền mặt tại ATM thông qua ứng dụng Mobile app, khách hàng không tốn đồng phí nào. Đáng chú ý, NH Techcombank miễn phí hàng loạt dịch vụ thanh toán. Chẳng hạn, khi chuyển tiền nhanh, chuyển tiền đến thuê bao di động… khách hàng đều được hưởng mức giá 0 đồng.

Tương tự, một số NH đang miễn phí loại dịch vụ giao dịch chuyển tiền nội mạng. Đơn cử NH VIB miễn tất cả phí trong ba tháng đầu gồm phí tài khoản thanh toán, phí duy trì thẻ, phí rút tiền ATM, phí chuyển tiền online, phí chuyển tiền tại quầy cho khách hàng lần đầu tham gia gói.

“Đây là một động thái tốt của các NH vì nó mang lại lợi ích cho cả NH lẫn khách hàng” - một chuyên gia bình luận. Vị chuyên gia này phân tích: Việc giảm phí dịch vụ ở các NH có thể do từ đầu năm đến nay NAPAS nhiều lần giảm phí dịch vụ cho các thành viên, giúp cho cuộc đua tăng phí dịch vụ của các NH hạ nhiệt. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn là việc giảm giá dịch vụ sẽ giúp các NH thu hút thêm khách hàng, đồng nghĩa với việc làm tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn. Qua đó NH có thể dùng lượng tiền đó cho vay và sinh lời.

Bởi tiền gửi không kỳ hạn được tính vào vốn ngắn hạn, NH chỉ phải trả lãi khoảng 0,1%-0,5%/năm, trong khi nếu huy động có kỳ hạn, mức lãi thường 4%-5%/năm. Nguồn vốn không kỳ hạn càng lớn càng giúp NH giảm giá vốn, gia tăng biên lợi nhuận.

Tổng giám đốc NH Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh cho hay tổng phí giao dịch đã miễn cho khách hàng lên đến hơn 500 tỉ đồng. “Thực chất NH là nơi huy động vốn và mượn tiền của người dân. Nếu dịch vụ vay mượn từ khách hàng luôn được đảm bảo đem lại lợi ích cao thì khách hàng mới tin tưởng sử dụng dịch vụ của NH, rồi quay trở lại sử dụng dịch vụ nhiều lần. Sử dụng dịch vụ NH nhiều lần trong ngày mới là yếu tố làm gia tăng giá trị cho NH và sau cùng là đem lại lợi ích cho nhà đầu tư” - ông Nguyễn Lê Quốc Anh nêu quan điểm.

Khách hàng “ác cảm” với phí dịch vụ cao

Theo Hiệp hội Thẻ Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 77 triệu thẻ NH các loại, trong đó thẻ ghi nợ nội địa (ATM) chiếm hơn 90% với khoảng 70 triệu thẻ.

Thực tế chỉ sau một thời gian áp dụng chính sách miễn phí cho khách hàng, tỉ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng huy động vốn của nhiều NH tăng mạnh. Ví dụ, tại Techcombank, tính đến ngày 30-6 vừa qua, nhờ miễn phí hầu hết các dịch vụ phổ biến cho khách hàng, NH này có được tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng vốn huy động đạt 30,4%.

Qua đó cho thấy việc miễn, giảm phí góp phần giúp kết quả kinh doanh đạt mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng, ngược lại nếu tận thu sẽ bị khách hàng quay lưng. Bởi tâm lý của khách hàng thường rất “ác cảm” với các loại phí giao dịch quá cao. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới